- Một trong những ấn tượng đầu tiên về anh có lẽ là... cái tên, được ghép giữa tiếng Anh và tiếng Việt: Martin Lò. Sự thực thì nó có ý nghĩa gì?
- Trước tiên phải khẳng định bố mẹ tôi là người Việt Nam "đặc sệt". Họ sang Australia định cư từ những năm 1970.
Quê gốc nhà tôi ở Thái Bình. Giữa thế kỷ trước, ông bà vào miền Nam lập nghiệp ở Rạch Giá, Kiên Giang. Sau này, bố mẹ quyết định đưa cả nhà sang Australia, lúc đó tôi chưa ra đời, mà chỉ có anh cả và chị hai thôi.
Tôi nghe kể lại là khởi sự khó khăn lắm. Bố đi trước. Hai lần đầu tiên đều gặp cướp biển, bị mất sạch của cải và phải quay về. Tới lần thứ ba, sang được trại tị nạn ở Thái Lan, bố phải vào tù một thời gian. Sau những biến cố đó, bố và anh chị mới tới được Australia. Mất thêm một năm, bố mới đón mẹ sang được theo diện đoàn tụ. Nhà chỉ có bố, anh và chị là lao động chính, làm việc ở nhà hàng rồi nhà xưởng. Mẹ không rành tiếng, nên sau khi sinh anh trai Tony, tôi và em gái, mẹ ở nhà chăm sóc ba đứa nhỏ.
Ngày tôi chào đời, mẹ hỏi chị gái tôi "Đặt tên gì cho nó được nhỉ?". Chị trả lời: "Con chẳng biết gì nhiều đâu, thấy mỗi cái tên Martin có vẻ phổ biến". Thế là, tôi mang tên Martin Lò.
- Sinh ra ở Australia, tại sao anh theo đuổi bóng đá, trong khi đấy không phải môn thể thao số một tại quốc gia này?
- Lúc 5-6 tuổi, tôi thường thấy bố và anh trai xem bóng đá mỗi cuối tuần trên tivi, nên dần yêu thích môn thể thao này dù ở Australia, rugby hay cricket mới là những môn đại chúng. Hơn nữa, trong bóng đá, thể hình không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định tới thành công của VĐV. Tôi luôn là đứa thấp bé nhất từ ngày đi học, có lẽ do cơ địa của mình chỉ đến thế. Bóng đá cần sức khỏe, nhưng đó không phải là tất cả. Nếu nói theo ngôn ngữ khoa học, bóng đá là trò chơi tập trung giải quyết vấn đề bằng sự kết hợp trí tuệ, thể lực và kỹ thuật.
- Anh bắt đầu con đường bóng đá chuyên nghiệp như thế nào?
- Hệ thống bóng đá ở Australia không giống những nơi khác. Từ 7 tới 11 tuổi, mỗi cầu thủ sẽ tham gia đội bóng đại diện cho địa phương, trả phí 70 USD mỗi năm để thi đấu hai trận mỗi tuần. Không có phân hạng hay vùng, tất cả cứ trộn vào đá, giống một hoạt động cộng đồng hơn. Từ 11 tới 13 tuổi, cầu thủ sẽ được sàng lọc và chọn thi đấu cho đội bóng của quận, nơi mình sinh sống.
Năm tôi lên 12 tuổi, bang New South Wales phối hợp với Liên đoàn bóng đá Australia thành lập một dự án mang tên "Dự án 22", nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ phục vụ cho kế hoạch World Cup 2022.
Tôi tập trong chương trình này hai năm thì chính quyền thành phố dừng dự án vì thiếu kinh phí. Nhưng ngày đó lại có một chương trình mới, gọi là "New South Wales Institute of Sport". Nói cho dễ hiểu thì đây là hệ thống nuôi dưỡng tài năng từ cấp cơ sở lên cấp trung ương. Học viên tập thêm hai năm ở "Học viện New South Wales" thì thi đấu với cấp liên bang rồi sau đó là quốc gia, nếu đạt yêu cầu. Điểm hay của chương trình này là tất cả đội bóng khách mời được liên hệ thi đấu cọ xát đều lớn hơn mỗi lứa ba tuổi. Ví dụ, đội U15 New South Wales sẽ phải đá giao hữu với một đội U18 nào đó.
- Ở giai đoạn đó, chuyện học tập của anh ra sao?
- Giáo dục ở Australia cho phép học sinh được tự định hướng, lựa chọn con đường mình muốn. Khi lên trung học, ai muốn theo ngành xã hội, khoa học, thể thao hay nghệ thuật, thì sẽ đăng ký vào trường cung cấp các dịch vụ hoặc khóa học tương ứng.
Với dân thể thao, trường trung học Westfields Sports là lựa chọn tốt nhất. Đây là nơi học tập của những VĐV thể thao chuyên nghiệp, hạt giống đỏ của các bộ môn cho mục tiêu Olympic. Harry Kewell hay Aaron Mooy - tiền vệ hiện khoác áo Brighton - đều là học sinh trường này. Với tôi, trường trung học Westfields có lẽ là nơi soi đường chỉ lối và hình thành con người tôi bây giờ.
- Vì sao trường trung học này lại quan trọng với anh đến vậy?
- Về phương diện bóng đá, các HLV tại đây thống nhất triết lý "luôn chơi với bóng". Đây không phải là chuyện bóng ngắn hay bóng dài là tốt hơn, nhưng tư tưởng ấy giúp các cầu thủ trẻ có cảm giác, nâng cao tư duy về trận đấu và nghĩ ra nhiều hình thái thi đấu khác nhau, tùy vào tình hình thực tế.
Nhưng trên tất cả, trường học này giúp mỗi người trong chúng tôi xây dựng nhân cách, phẩm giá. Giống ở Barca vậy, người ta không chỉ đào tạo một cầu thủ giỏi mà còn xây dựng những con người tử tế. Trước khi vào Westfields, tôi là đứa tự cao, cái tôi lớn, thích thể hiện và không chịu thỏa hiệp. Nhưng ở đây, tôi học được rằng mọi thứ không phải vì bản thân ai cả. Một cầu thủ bóng đá chỉ chơi được 10 tới 15 năm. Nhưng nếu là một con người tốt, đức độ, lành mạnh, người đó sẽ luôn được nhớ tới.
- Đến khi nào anh được ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên?
- Khi 15 tuổi, sau nhiều năm chơi bóng ở các cấp đội từ địa phương lên toàn quốc, tôi có cơ hội thử việc tại Wester Sydney Wanderers, nhưng chỉ là đội trẻ thôi. Tôi tập thử tới ngày thứ hai thì HLV trưởng đội một Tony Popovic - cựu trung vệ từng khoác áo Crystal Palace giai đoạn 2001-2006 - tới xem. Đó chỉ là chuyến thị sát thông thường, nhưng lại là khoảnh khắc định mệnh thay đổi cuộc đời tôi.
HLV Popovic tới chỗ tôi, xoa đầu và hỏi: "Sáng mai, cậu có bận gì không?". Tôi bảo mình có tiết học ở trường, nhưng ông ấy bảo: "Nghỉ đi, tới tập với đội một nhé". Hôm sau, tôi tới sân. Mấy anh lớn đội một nhìn từ xa đã hét lên: "Này Shinji Ono, kia là con trai cậu à?", vì trông tôi cũng nhỏ nhắn như ngôi sao người Nhật Bản, và lại cùng là người châu Á.
Sau những buổi tập đầu tiên, tôi liên tiếp nhận tin vui. Chỉ trong một tuần từ lúc gặp HLV Popovic, tôi được gọi lên đội U20 Australia. Chưa hết, trong một trận đấu chính thức của Western Sydney Wanderers, một cầu thủ đội một chơi cùng vị trí với tôi gặp chấn thương. Popovic lập tức bảo "Martin, sẵn sàng đi nhé". Những tưởng sự nghiệp của tôi sẽ đi lên từ đó, nhưng hóa ra, đó là giây phút rẽ cuộc đời tôi sang hướng khác. Gọi là "chuỗi ngày bi kịch" cũng không quá.
- Cụ thể thì anh phải trải qua điều gì?
- Khoảng một hai ngày trước trận đấu, tôi thấy đau cơ háng. Ban đầu chỉ là cảm giác nhói nhói, nhưng càng lúc vết đau càng nghiêm trọng. Tôi đi khám, chụp phim thì biết rách cơ háng, phải lên bàn mổ. Lần chấn thương đầu tiên đó, tôi xa sân cỏ tới tám tháng.
Thật lòng, đấy là lỗi của tôi. Ngày ấy tôi vẫn là trẻ con, mới 14-15 tuổi. Ý chí đã có, nhưng cơ thể thì chưa sẵn sàng. Vừa đi học, vừa đá bóng, lại tập thêm với những đàn anh đã trưởng thành, trong khi chưa nhận thức đúng đắn về sức khỏe, dinh dưỡng thể thao đã vắt kiệt sức đề kháng của tôi.
Ở Australia, các trung tâm huấn luyện hay CLB bóng đá đều có những bảng điều tra nho nhỏ vào đầu ngày. Khi học viên, cầu thủ tới sân sẽ phải điền phiếu trả lời những câu hỏi như "Hôm qua bạn ngủ có ngon không", "Những ngày qua bạn thấy sức khỏe thế nào? Có gặp vấn đề ở đâu không?" hoặc "Trên thang điểm 10, bạn đánh giá thể trạng của mình hôm nay được mấy?". Có những lúc mệt, mình mẩy đau nhức nhưng, tôi vẫn trả lời là "Em ổn", rồi gắng gượng ra sân. Phần vì nhiệt tình, phần vì sợ lỡ cơ hội lớn. Nó cứ tích tụ qua ngày, vì tôi không trung thực với mọi người, với chính bản thân.
- Còn điều gì tồi tệ hơn trong tám tháng phải rời xa sân cỏ đó?
- Rất nhiều chứ. Đầu tiên, tôi không thể chạm vào bóng, chỉ ăn, ngủ, đi vật lý trị liệu rồi về. Nhưng không chỉ có thế, tôi còn đánh mất nhiều thứ. Như câu chuyện chuẩn bị có trận ra mắt ở đội một, vì tôi bị đau nên HLV Popovic đã nhấc một người khác ở lứa trẻ lên thay thế. Anh bạn được chọn lựa đó chưa từng chơi tiền vệ công trước đây, nhưng được thử nghiệm đúng lúc, sau này có sự nghiệp phát triển. Còn tôi, bi kịch đầu đời không phải điểm kết thúc mà lại là... sự khởi đầu cho chuỗi những điều đen đủi sau đó.
Hồi phục chấn thương, tôi quay lại tập luyện, tham gia chuyến tập huấn trước mùa giải. Niềm tin của HLV Popovic với tôi vẫn còn nguyên. Tôi ký hợp đồng chính thức đầu tiên với CLB, được điền tên trong danh sách dự AFC Champions League 2014.
Tôi cứ nghĩ sóng gió đã qua đi, nhưng y như rằng, khi mọi thứ tưởng trở lại trạng thái bình thường, thì tôi lại đứt dây chằng. Thêm chín tháng nữa xa bóng đá, tôi không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu. Đau khổ nhất là không chỉ lỡ đợt tập trung U20 Australia, tôi còn không thể góp mặt trong chiến dịch lịch sử đăng quang AFC Champions League của đội. Tới giờ, Western Sydney Wanderers vẫn là CLB Australia duy nhất vô địch châu Á.
Bấy giờ, có vẻ CLB và HLV đã hết kiên nhẫn với tôi. Một năm nữa qua đi, khi tôi trở lại, HLV Popovic gọi tôi vào phòng nói chuyện. "Bây giờ chỉ có hai phương án cho cậu. Một là tập chay không có hợp đồng, hai là tìm đội bóng mới", ông bảo. HLV Popovic nói vẫn tin ở năng lực của tôi, nhưng lãnh đạo CLB thấy quá rủi ro với một cầu thủ chấn thương triền miên.
Popovic khuyên tôi hãy ở lại, nhẫn nại thêm một chút và ông ấy sẽ làm mọi thứ trong khả năng. Nhưng tự ái của một đứa trẻ xốc nổi, mới vào đời và liên tục trải qua những cú sốc khiến tôi mất bình tĩnh. Tôi cảm thấy tổn thương sâu sắc và ngay lập tức, tìm tới Sydney FC, đối thủ không đội trời chung của Western Sydney Wanderers. Sau này nhìn lại, tôi nhận ra phút hấp tấp ấy làm đảo lộn toàn bộ tương lai, dự định của tôi.
- Nghĩa là tại Sydney FC, anh lại gặp sự cố?
- Ngày tôi sang Sydney FC, Popovic nhắn tin: "Cẩn thận nhé, cơ thể cậu chưa ổn hoàn toàn, nếu cố bung sức tập luyện, vết đau cũ dễ tái phát, hoặc tệ hơn, sẽ có thêm chấn thương mới". Nhưng sự bồng bột của tuổi trẻ và cái "máu" đang hăng trong người làm tôi lao vào tập luyện điên cuồng. Tôi chỉ ký hợp đồng "tập luyện" tại Sydney, nhưng cũng phấn đấu trong các trận đá tập và lại được gọi lên đội U20 Australia trong ba ngày. Đấy là lần thứ ba, tôi được gọi lên đội U20 quốc gia và cũng là lần thứ ba, tôi lỡ hẹn.
Sáng cuối cùng với đội U20, tôi ngủ dậy và không nhấc nổi người, thấy lưng đau ê ẩm. Đau đến mức một tuần sau đó, tôi đi đâu cũng phải dùng tới cái ghế, bám ghế rồi lết đi. Sinh nhật tuổi 18, tôi nằm viện và truyền kháng sinh. Đó là những trải nghiệm không hề dễ chịu và chẳng bao giờ quên nổi.
Ngồi một mình, tôi nghĩ về những điều đã qua. Trong một tuần, tôi được tập cùng đội một, được triệu tập lên đội U20 quốc gia, được đi huấn luyện ở Nhật Bản. Nhưng cũng chỉ trong một tuần thôi, tôi mất tất cả. Như kiểu vừa lên thiên đường và bị ném trả về mặt đất vậy. Nhưng cũng nhờ những gì đã trải qua, tôi hiểu rằng mọi thứ trong cuộc đời đều xảy ra vì một lý do nào đó. Vì tôi gặp ba chấn thương nặng khi chưa đầy 18 tuổi, nên mới không thể khoác áo U20 Australia. Cũng vì tôi không khoác áo U20 Australia nên mới có cơ hội về Việt Nam thử sức, khẳng định bản thân và tiếp cận chân trời mới.
- Anh từng nói trước khi về nước rằng bản thân không biết nhiều về Việt Nam, chưa từng nghe về V-League, về ĐTQG và những vấn đề liên quan bóng đá Việt Nam. Đâu là động lực thật sự khiến anh quyết tâm tìm về quê cha đất tổ?
- Một phần phải thừa nhận rằng, cánh cửa ở Australia đã đóng lại với tôi. Phần nữa là khi xem Việt Nam đá ở giải U23 châu Á 2018, tôi nhìn thấy các anh, các bạn tỏa sáng rực rỡ, được sự ủng hộ và cổ vũ của đông đảo nhân dân. Đấy mới là bóng đá đúng nghĩa, khi bạn được cống hiến ở một nơi mọi người quan tâm tới nó và tìm cách phát triển nó.
Tình hình ở Australia mấy năm vừa rồi không ổn. Bóng đá Australia mất phương hướng, không biết nên bắt đầu từ đâu, tiền tài trợ ngày một giảm dần, đài truyền hình không còn mặn mà, và nhiều CLB phải tái cơ cấu. Khán giả thờ ơ, doanh nghiệp quay lưng, với tôi, đấy không còn là bóng đá. Tôi được trường phổ thông dạy rằng "Bóng đá là giải trí, và nhiệm vụ của cầu thủ là khiến người xem thấy vui, thấy phấn khích". Chẳng ai bỏ tiền đi thưởng thức giải trí để mua bực vào người cả. Nghĩ vậy, tôi tự hỏi bản thân "Tại sao mình không thử sức nhỉ?". Dù biết khó khăn, tôi vẫn phải làm.
- Mối liên hệ nào đưa anh trở về Việt Nam khi trong tay là con số 0 tròn trĩnh về kiến thức và quan hệ?
- Một người đại diện quốc tịch Australia sống ở Việt Nam đã liên lạc với tôi từ trước đó. Nhưng khi ông ấy bảo tôi về Việt Nam thử sức, tôi lại từ chối. Lúc đó, tôi chỉ có thể tin vào bản thân và lời khuyên của Tony - anh trai kế, hơn tôi một tuổi và là người có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời tôi.
Tony sang Mỹ học và biết tới tiền vệ Lee Nguyễn. Anh ấy kể rằng ở trường đại học, khi biết anh là người Việt Nam, ai cũng hỏi "Mày biết Lee Nguyễn không?", rồi họ kể cho Tony những câu chuyện về Lee Nguyễn. Anh trai từng nói với tôi rằng nếu có thể hãy về Việt Nam, hoàn thành giấc mơ của anh và chứng tỏ rằng mình có thể tồn tại ở đây.
Lần đầu tiên về Việt Nam, tôi đặt vé máy bay một chiều. Xuống Sài Gòn, việc đầu tiên tôi làm là ra một quán cafe lớn. Tôi không thích cafe lắm, nhưng thấy nhiều người trẻ vào đó nên muốn vào, biết đâu lại quen biết được ai. Nhưng đúng là cuộc sống ở Việt Nam những ngày đầu không dễ dàng chút nào. Tôi tới quầy bán hàng, cố gắng gọi cafe bằng chút tiếng Việt ít ỏi và bạn bán hàng liền hỏi: "Anh là người ở đâu? Tôi không hiểu anh nói gì". Tôi ngại và xấu hổ lắm, thấy mọi thứ thật chơi vơi.
Rồi tôi tìm tới trường đại học RMIT - một trường quốc tế Australia ở Việt Nam, xin đá cùng đội bóng trường. Tôi làm quen người này người kia, lê la khắp các sân bóng phủi và hy vọng, vận may sẽ mỉm cười. Mỗi ngày, tôi tiêu 250.000 đồng tiền đi lại, cũng gặp được một số người, nghe một vài lời hứa sẽ giới thiệu tôi với các CLB. Nhưng cuối cùng, chẳng có cuộc gọi nào.
Ba tháng trôi qua là lúc visa hết hạn. Tôi phải về nước, nhưng trong lòng không yên. Tôi vẫn gồng lên, giả vờ nói với bố mẹ rằng "Con ổn", vì khi đi đã hứa như đinh đóng cột rằng "Con sẽ thành công". Về nhà, tôi thu lu một góc, nước mắt chảy ngược, nén nỗi buồn trong lòng. Nhưng rồi, tôi lại hỏi bản thân buồn để làm gì, có giúp ích được gì mình không? Thế là, tôi lao vào kiếm tiền, dành dụm sao cho đủ để tồn tại ba tháng tiếp theo ở Việt Nam.
- Anh tiết kiệm tiền sang Việt Nam bằng cách nào?
- Ở Australia, tôi đi làm HLV bóng đá cộng đồng, và kinh doanh áo phông cùng một người bạn. Sáng đi dạy, chiều bán hàng, tối đá bóng giữ chân và sau đó lại dạy tăng ca, cuộc sống cứ thế trôi đi. Rồi tôi cũng đủ tiền và tiếp tục đặt vé một chiều về Việt Nam.
Lần này cũng vất vả lắm. Cho tới tuần cuối cùng của hiệu lực visa, tôi vẫn tay trắng. Thế rồi, tôi được CLB Bình Dương liên hệ, cho thử việc. Lãnh đạo đội khá ưng tôi, nhưng họ yêu cầu ký hợp đồng năm năm. Với tôi, như thế là quá dài. Một vấn đề khác là tôi không có hộ chiếu Việt Nam, mà Bình Dương thì không thể giúp tôi giải quyết việc đó.
Qua một vài đầu mối, tôi biết rằng có đơn vị sẽ giúp tôi lấy hộ chiếu, nhưng là với giá 10.000 USD. Như vậy là quá cao, và thế là tôi lại khăn gói chuẩn bị ra đi.
Đúng lúc đó, có tin Phố Hiến muốn tìm kiếm các cầu thủ Việt kiều. Mauro, HLV người Bồ Đào Nha làm việc ở đội U19 Phố Hiến, liên lạc, bảo tôi ra Hưng Yên tham quan cơ sở vật chất của CLB. Rồi lãnh đạo đội cũng gọi điện, nói chuyện và trao đổi. Ra Hưng Yên, tới Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam PVF, tôi ngạc nhiên ngước mắt nhìn và thốt lên "Wow". Không một trung tâm nào ở Australia sánh được về tầm vóc và quy mô so với nơi này.
- Ở Phố Hiến, ngay mùa đầu tiên, Martin đã cùng CLB non trẻ này giành quyền đá play-off thăng hạng V-League. Mới ổn định cuộc sống sau nhiều khó khăn, lại tìm được môi trường phù hợp, tại sao anh quyết định chuyển tới Hải Phòng?
- Với tôi, năm 2019 không thành công như mong đợi. Tôi cảm thấy mình chơi chưa đủ tốt, và minh chứng rõ rệt là không được gọi vào đội U22 dự SEA Games. Tôi nghĩ rằng về Hải Phòng, mình sẽ có cơ hội va vấp, trưởng thành hơn. Không rõ mọi người nghĩ sao, nhưng tôi không thấy hài lòng với bản thân sau những màn trình diễn ở Phố Hiến.
- Thực tế thì ở Hải Phòng, anh cũng đang phải tranh đấu cật lực cho vị trí của mình. Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Martin Lò nổi tiếng quá nhanh dẫn tới sự chểnh mảng trong công tác chuyên môn, bằng chứng là việc anh tham gia một MV ca nhạc?
- Như đã nói, tự tôi thấy mình chưa đủ hay, chưa đủ tốt. Còn chuyện đóng MV ca nhạc hay làm một cái gì khác ngoài bóng đá, tôi nghĩ mọi người hiểu chưa đúng. Cầu thủ chúng tôi phong độ đi xuống không phải vì tham gia lĩnh vực khác, thử sức ở mảng ca nhạc hay thời trang. Nếu có đi xuống, thì đấy là vì áp lực, hiểu nhầm và sự kỳ vọng mà mọi người đặt ra.
Tôi còn phải cố gắng nhiều trong nghề nghiệp và tự tôi biết mình là ai, mình ở đâu. Người ta đâu biết tôi là ai, sống thế nào?. Và tại sao họ lại kỳ vọng tôi sẽ trở thành một ai đó trong thời gian ngắn như thế, khi chính tôi còn chưa ảo tưởng mình là ngôi sao hay một cầu thủ kinh khủng nào?
Tôi biết có những cầu thủ rất hay, rất giỏi chuyên môn nhưng không được truyền thông để ý. Vì thế, tôi mong rằng mọi người đừng áp đặt quan điểm và bắt tôi trở thành một ai đấy. Tôi chỉ là tôi, một người có hoài bão, khát khao và đang bước vào những năm đầu tiên của bóng đá đỉnh cao. Tôi còn phải học hỏi nhiều điều.
Còn chuyện đóng MV ca nhạc, tôi nghĩ đó là định kiến của đám đông. Nếu tôi đi đóng MV mà bỏ tập, đi muộn, sinh hoạt vô kỷ luật, mọi người có quyền trách móc. Nhưng tôi không như vậy, và tôi cũng chỉ đồng ý thử sức một số lĩnh vực, sau khi hoàn thành công việc, mùa giải kết thúc hay trong quãng nghỉ. Cầu thủ cũng là con người, có mưu cầu và đam mê riêng. Bóng đá chuyên nghiệp là vậy.
- Mới 23 tuổi đã trải qua quá nhiều sóng gió, có khi nào anh hối tiếc khi chọn nghiệp quần đùi áo số?
- Tôi luôn nghĩ rằng ưu tiên ở thời điểm hiện tại mới là điều quan trọng của mỗi người. Ví dụ như anh trai Tony. Anh ấy thậm chí đá bóng hay và quyết tâm hơn tôi, luôn quan tâm tới những thứ rất nhỏ như ăn gì, uống gì. Sau này, Tony được nhận học bổng toàn phần theo diện "vừa đá bóng vừa đi học" (college soccer) ở Mỹ. Rồi anh ấy lại được nhận học thạc sỹ. Tất nhiên, nếu rảnh, Tony vẫn đi đá bóng. Nhưng ưu tiên của anh ấy bây giờ là đèn sách. Tương lai của Tony rất rộng mở, có nhiều công ty lớn đã liên lạc mời anh ấy về làm việc.
Còn bản thân tôi hiểu rằng, bóng đá chỉ có tuổi trẻ mới làm được. Đá xong xuôi, giải nghệ rồi gác lại mọi thứ để đi học cũng không muộn. Người ta 50, 60 tuổi vẫn đi học được cơ mà. Dù sao, tôi cũng đã thành cầu thủ chuyên nghiệp. Vậy là phần nào bước đầu đã đi đúng đường.
Xem thêm: Jurgen Gede: 'Bầu Đức chẳng thèm nhìn mặt tôi'
HLV Toshiya Miura: 'Tôi chịu nhiều hiểu nhầm ở Việt Nam'
Tiền vệ Phạm Đức Huy: 'Tôi chấp nhận làm tất cả vì gia đình'
An Ngọc