- Ông đón nhận thông tin Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không tiếp tục gia hạn hợp đồng với mình như thế nào?
- Tôi thấy... bình thường. Bóng đá là vậy, công việc này là thế, có hợp và có tan. Không ai ở một nơi mãi được. Dù gì, tôi cũng đã chuẩn bị và mường tượng ra chuyện này rồi.
Có người nói tôi mất việc cũng chẳng phải lo lắng gì, vì đang có vài triệu euro trong tài khoản ngân hàng. OK thôi, đấy là suy đoán của họ, tôi có bao nhiêu tiền thì tôi tự biết và quản lý. Nói về tiền bạc, nếu là triệu phú hay đại gia, thì cách đây vài năm tôi đã không phải bán căn nhà tại Đức khi quyết định chuyển về Hà Lan sinh sống. Nhưng cứ cho rằng tôi giàu có, tiền bạc chưa bao giờ là lý do hay động lực để tôi tiếp tục làm việc. Tôi không còn trẻ, cũng có tuổi và sức khỏe không được như trước. Năm ngoái, tôi cảm lạnh, tưởng nhẹ mà mãi không khỏi, tới mức mất giọng một thời gian. Nếu vì dư tiền mà dừng công việc, tôi đã nghỉ ngơi từ nhiều năm nay rồi. Bóng đá là đam mê, là sự nghiệp của tôi.
- Gần đây, ông nói rằng trong những ngày tháng cuối ở VFF, ông là một người đơn độc. Tại sao lại như vậy?
- Có hai vấn đề tôi muốn nói. Thứ nhất, đúng là tôi tương đối "cô đơn" thời gian gần đây, không chỉ là chuyện giao tiếp xã hội. Nhiều đề xuất, tham mưu của tôi dành cho nền bóng đá chưa được xem xét kỹ lưỡng. Vài người nói tôi có thói quen làm việc độc lập, nhưng biết sao được, ai chẳng muốn có bạn đồng hành ở bên. Không có thì phải tìm cách khắc phục, như kiểu nửa đêm về nhà đói bụng, còn gì trong tủ lạnh đành cố lấy ra mà nấu.
Nhưng mặt khác, Giám đốc Kỹ thuật là một chức danh còn mới mẻ với không chỉ Việt Nam mà còn là toàn bộ hệ thống bóng đá châu Á. Không thể trách VFF hoàn toàn vì họ cũng lần đầu ứng xử với một vị trí đặc thù như vậy. Hãy xem tôi là người tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên, và sau này, các bạn có thể nhớ về lịch sử.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng Việt Nam là định mệnh, là một chương "có muốn cũng không tránh được" trong cuộc đời tôi. Trước đây, VFF từng nhiều lần liên hệ với tôi, họ nghiêm túc và thậm chí còn có phần "quyết liệt" khi tiếp cận mời tôi ký hợp đồng. Có một CLB khác trong quá khứ ở Việt Nam cũng đã gọi cho tôi. Ngày ấy, tôi đã nghĩ rồi có ngày mình sẽ tới đất nước này.
- Cụ thể thì định mệnh ấy thế nào?
- Đầu tiên, đội bóng quân đội - Thể Công - gọi điện cho người đại diện của tôi vào năm 2008. Họ đã mua vé máy bay, mời tôi sang đàm phán trong chuyến đi bốn ngày. Tôi còn được tới một số địa danh ở Hà Nội, có đi qua con phố mà sau này trở lại tôi mới biết, đấy chính là con phố có trung tâm thương mại The Manor - nơi tôi thường ghé để mua thực phẩm. Nhưng rồi đội bóng ấy giải thể vì lý do nào đó nên chuyện không thành.
Một lần khác, tôi đang tập trung cùng CLB Iran Estehgal chuẩn bị cho AFC Champions League. Lúc đấy là nửa đêm ở chỗ tôi, tôi đang thiu thiu vào giấc thì điện thoại reo. Tôi nhấc máy, người đại diện thông báo Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang ở Kuala Lumpur với văn bản, hợp đồng soạn sẵn cho tôi. VFF muốn mời tôi làm HLV trưởng, nói rằng chỉ cần tôi gật đầu, họ sẽ ở Malaysia đợi, mua vé cho tôi bay sang và ký hợp đồng.
Tôi mới bảo: "Khoan khoan, rất cảm ơn thành ý của các anh nhưng ngày mai tôi có trận đấu, chưa kể hợp đồng với CLB chủ quản còn hiệu lực. Nếu các anh đợi được, sau trận chúng ta nói chuyện".
- Một số ý kiến cho rằng, ông không được gia hạn hợp đồng vì mới chỉ hoàn thành vai trò tư vấn, tuyển trạch chứ chưa thể hoạch định đầy đủ một bức tranh tổng quan cho nền bóng đá. Ông nghĩ sao?
- Không sai nhưng cũng chưa chắc đúng. Như tôi đã nói, đây là nghề nghiệp mới toanh ở Việt Nam. Đơn vị trả lương và người lao động đều ít nhiều bối rối, bỡ ngỡ khi tìm lời giải cho câu hỏi "Phải làm gì?". Chuyện càng khó nói hơn khi hệ thống CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa có vị trí tương đương.
- Chính xác thì bốn năm qua, công việc hàng ngày của ông là gì?
- Tôi theo sát các đội trẻ, nhưng công việc bắt đầu từ bóng đá địa phương. Không chỉ là hệ thống giải trẻ quốc gia, tôi còn tới theo dõi những trận đá tập, đá giao hữu, đá nội bộ không mở cửa rộng rãi với khán giả và truyền thông. Có rất nhiều điều thú vị ở đấy, bởi những cầu thủ thi đấu trên sân không người xem, không ống kính máy quay sẽ bộc lộ những phẩm chất tốt nhất. Họ không bị chi phối, bởi họ biết rằng ngày hôm nay sẽ không ai quan tâm mình đâu.
Tôi cũng đã nghiên cứu về thể thức giải trẻ, nhận ra rằng cầu thủ dưới 21 tuổi ở Việt Nam có quá ít cơ hội thể hiện. Bên cạnh việc số trận chỉ dao động từ 12 trận đến 15 trận mỗi năm, chúng ta còn phải nhìn vào thời lượng bóng lăn trong một trận đấu.
Tại châu Á, bóng chỉ lăn thực tế khoảng 65 phút trong một trận, tức 25 phút còn lại là bóng chết. Ở những nền bóng đá hàng đầu thế giới, thời gian bóng chuyển động trên sân lên tới 78 phút. Chúng ta mất đi gần 15 phút mỗi trận, trong khi vốn dĩ số trận đã ít rồi. Cứ thế nhân lên sẽ thấy, cầu thủ Việt Nam chẳng đá được bao nhiêu. Mà bóng đá không ra sân, không xỏ giày làm sao tiến bộ được.
Tôi rất quan tâm bóng đá trẻ, vì tính kế thừa liên tục là cốt lõi, là xương sống cho một nền bóng đá. Tất nhiên, có nhiều điều tôi chưa làm được, nói vĩ mô thì chưa có một bức tranh tổng thể nào về nền bóng đá được hoàn thiện trong thời gian tôi ở đây. Nhưng bản thân tôi cũng đã cố hết sức, một cá nhân đơn lẻ đâu thể quyết định điều gì to tát.
- Đâu là những khó khăn, trở ngại khiến ông không thể hoàn thành 100% mong muốn công việc?
- Tôi từng đề xuất tổ chức một buổi hội thảo với các HLV khắp đất nước. Không có gì to tát, không phải là tôi lên lớp, còn họ là học trò ngồi nghe. Tôi biết mình là ai, hoàn cảnh vị thế ra sao, và tôi vẫn luôn nói với lãnh đạo VFF rằng tôi muốn giúp, tôi muốn hỗ trợ mọi người. Đó chỉ là một cuộc trò chuyện như những người đồng nghiệp, tôi kể lại các trải nghiệm và đúc kết của bản thân còn ứng dụng ra sao là tùy mỗi người. Hình như buổi đó tổ chức ở miền Nam, nhưng trong suốt lúc tôi nói, không mấy ai tương tác thảo luận lại. Thế đã đành, hơn nửa thành viên tham gia hội thảo còn chẳng thèm quan tâm tôi nói gì, cứ ngồi bấm điện thoại. Thử hỏi tôi làm thế nào nữa?
Khi tôi tới địa phương trao đổi, không phải CLB nào cũng lĩnh hội được hết ý kiến của tôi. Nó thuộc về vấn đề cơ chế, muốn làm là một chuyện nhưng chưa có mô hình, quy chế để làm. Bao giờ có chức danh tương đương, nghĩa là người đồng cấp của tôi ở cấp CLB, việc của Giám đốc Kỹ thuật ở VFF mới thuận lợi và dễ dàng hơn.
- Một chương trình truyền hình mới đây tiết lộ ông không được lòng mọi người vì hay nổi cáu, mỗi khi nổi xung là rất đáng sợ. Như thế có phải là ông chưa nhập gia tùy tục, chưa hiểu hết tính cách người Việt ưa mềm mỏng?
- Tôi rất hiểu Việt Nam và cũng thích nghi rất nhanh với Việt Nam. Tôi ở châu Á hơn 20 năm, đi qua nhiều quốc gia rồi, có gì không hiểu đâu. Tôi ăn phở, ăn mắm tôm. Thậm chí, loại bia hơi bán 10.000 đồng một cốc mà nhiều người bảo không ngon, không nên uống, tôi lại thấy hợp khẩu vị và là một nét văn hóa độc đáo của người Việt đấy chứ.
Chuyện nổi cáu, tôi nghĩ là tôi có như vậy. Nhưng chắc chắn, tôi chỉ nổi đóa đúng việc, đúng người thôi. Chẳng hạn như cầu thủ ăn uống kén chọn thiếu chất, tập trung không đúng giờ hay vi phạm quy định. Tôi không phải người vô lý tới mức cáu bẳn không lý do.
- Sự việc nào xảy ra trong bốn năm qua khiến ông mất kiềm chế nhất?
- Đó là tại giải đấu ở Indonesia, một số cầu thủ trẻ lén mua thuốc lá về hút. Về mặt xã hội, tôi không ủng hộ hút thuốc nhưng cũng không lên án những người hút thuốc, họ chỉ cần hút đúng nơi, không ảnh hưởng tới người khác là được.
Nhưng các em còn nhỏ, chưa tới 18 tuổi, tức là chưa tới tuổi hút thuốc. Đấy là sai về pháp luật. Hơn nữa, đã là cầu thủ bóng đá thì phải biết bảo vệ sức khỏe mới có sự nghiệp kéo dài. Đấy là còn chưa nói chúng ta đang ở một quốc gia Hồi giáo, luật lệ nghiêm khắc. Giữ gìn bản thân cũng là cách giữ gìn hình ảnh tập thể, quốc gia, bảo vệ "Ngôi Sao" các bạn đang mặc trên ngực áo.
Cầu thủ chuyên nghiệp lớn tuổi có thành tích hút thuốc đã là không được, đừng nói gì tới cầu thủ trẻ. Chuyện này thuộc về trách nhiệm các học viện, CLB phía dưới, chứ không thể trách cán bộ đội, HLV trưởng và VFF được. Chúng tôi chỉ gặp nhau vài tuần, bảo nhau chuyên môn đã hết thời gian chứ đâu có lúc nào giáo dục nhân cách, đạo đức cầu thủ. Có dặn cũng chỉ là dặn dò các em, làm căng lên để gò mọi thứ vào quy củ. Còn lại, trách nhiệm thuộc về cấp địa phương, nơi đào tạo, dung dưỡng cầu thủ hàng ngày.
- Thường xuyên làm việc với cầu thủ trẻ Việt Nam, ông nhận thấy ưu - nhược điểm gì ở họ?
- Cầu thủ Việt Nam thông minh, khéo léo. Nhưng thế là chưa đủ. Thực ra, chúng ta cứ nói xa nói gần về thể lực, chiến thuật nhưng cuối cùng, mọi thứ đều quy về hai chữ "ý thức". Một cầu thủ có ý thức, cậu ta sẽ tự biết cách chăm sóc bản thân, tự biết cái gì xấu cái gì tốt. Một tập thể có ý thức sẽ biết tạo ra môi trường lành mạnh, đưa tất cả cùng đi lên.
Nhiều lần tập trung các lứa trẻ ở cấp đội tuyển, tôi đi tập thể dục sau giờ làm việc và thấy nhiều em chạy đi mua đồ uống có ga, các loại bim bim đồ ăn vặt. Tôi hiểu tâm lý trẻ con, nhưng xác định làm cầu thủ thì đừng ăn uống cho "sướng mồm", phải biết nhịn và kiềm chế.
Tiếp nữa là ý thức trên sân bóng. Khái niệm "ý thức" này rộng lắm. Tôi nói một chuyện chuyên môn thôi: Vấn đề lớn nhất của cầu thủ Việt Nam là họ không có ý thức "di chuyển không bóng". Một trận đấu, cầu thủ chỉ chạm bóng khoảng 60 lần thôi. Thế là nhiều rồi, nhất là ở những nơi chơi bóng dài nhiều. Trong 60 lần chạm bóng ấy, làm sao để tối ưu một đường chuyền, một cú sút? Đá bóng đỉnh cao làm gì có chuyện người khác dí bóng vào chân, còn hậu vệ đối phương chạy ra cho anh sút? Phải di chuyển, chạy chỗ, chạy vào "điểm mù" của đối thủ mới có tình huống để xử lý.
- Ông nghĩ sao về quan điểm "cầu thủ Việt Nam chưa thể ra nước ngoài thi đấu"?
- Xuất khẩu cầu thủ, cũng như giấc mơ World Cup, là một quá trình tốn thời gian, tiền của, và tốn công sức. Tôi bảo lưu quan điểm lúc này, Đoàn Văn Hậu là cầu thủ duy nhất có thể sang châu Âu chơi bóng. Tôi từng nói điều này với một số đồng nghiệp trong chuyến tập huấn trước đây tại Đức. Văn Hậu vốn lợi thế thể hình hơn hẳn người Việt, giàu tham vọng và thậm chí là có chút "hiếu thắng" trong người giống phong cách chơi bóng của cậu ấy. Nhưng muốn ra biển lớn, nhất là khi chúng ta tới từ một nền bóng đá non trẻ thì cũng phải hiếu thắng, phải tham vọng, mơ lớn một chút mới thành tài được.
- Bầu Đức từng công khai thể hiện không thích Gede, thậm chí trong giai đoạn đầu còn gạt ông khỏi chiến dịch SEA Games 29. Lý do nào dẫn đến sự bất hòa đó?
- Tôi muốn nhấn mạnh, tôi và ông ấy chưa bao giờ nói chuyện với nhau ngay cả trong giai đoạn bầu Đức làm Phó Chủ tịch VFF. Chưa nói chuyện nên không thể có chuyện xích mích được.
Đúng là tôi có nghe vài lời rằng bầu Đức không thích tôi. Nhưng tôi không thể giải thích vì sao ông ấy như thế, muốn biết thì phải hỏi trực tiếp ông ấy thôi. Chỉ có thế này, một lần tôi lên Gia Lai công tác trong một giải trẻ. Sáng hôm thứ hai ở Gia Lai, tôi xuống khu ăn sáng, uống cafe và nói chuyện với mọi người. Đấy là lúc tất cả trò chuyện, thấu hiểu nhau hơn, là khoảng thời gian quý giá trong ngày. Rồi bầu Đức xuất hiện, bước vào từ sảnh ngoài. Tôi chủ động chạy ra, nói "Xin chào, ông khỏe không?". Nhưng ông ấy lờ đi, còn không thèm nhìn mặt tôi mà cứ thế đi qua. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với bầu Đức.
- Vậy còn mối quan hệ với HLV Park Hang-seo?
- Hai người chúng tôi là hai công việc khác nhau, việc ai người đó làm. Hàng ngày, tôi vẫn gặp, chào hỏi ông Park vì chúng tôi ở sát vách. Nhưng trong công việc, quả thực tôi gần như chưa từng làm việc, hay tham gia vào ê-kíp của ông Park. Tôi không làm việc cùng ông ấy, thì làm sao có chuyện bất đồng như người ta đồn thổi.
Nhưng tôi chắc chắn, Park là người giỏi, phù hợp với bóng đá Việt Nam. Những gì ông ấy làm được là minh chứng rõ nhất, ông ấy xứng đáng với thành quả nhận được.
- Bên cạnh chuyên môn, ông được gì và mất gì trong bốn năm ở Việt Nam?
- Như tôi đã nói rồi đấy chia tay trong bóng đá là chuyện bình thường. Dù gì, tôi cũng đã làm được một số việc có ích cho bóng đá Việt Nam. Và đổi lại, Việt Nam cũng cho tôi nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống, giới thiệu cho tôi những nét đẹp văn hóa.
Ở Hà Lan, trong nhà của tôi luôn có sẵn một nồi làm lẩu. Sang đây, tôi mới biết có một món ăn kỳ diệu đến thế. Noel hai năm gần nhất khi về nhà, bạn bè tôi sang chơi đều muốn tôi làm món lẩu Việt Nam. Còn một món nữa, lần nào vợ tôi qua Việt Nam cũng phải ăn bằng được, là món cá chép om dưa ăn cùng bún.
Cũng có những ngày giáp Tết cổ truyền Việt Nam, tôi được mời tới dùng bữa với các gia đình người Việt, thấy sự sum vầy, đùm bọc, ấm cúng của người Việt. Đó là điều chúng tôi ở châu Âu không có. Tôi chỉ có một đứa con trai, năm nay cũng có tuổi, có công việc và địa vị rồi. Nhưng nó và bạn gái chưa chịu sinh cháu, đấy là quyền tự do ở châu Âu, cả ngày chỉ biết chăm thú cưng thôi.
Sau hai thập kỷ lăn lội ở châu Á, tôi thấy sự bình yên là giá trị lớn lao nhất con người hướng tới. Tôi đã trải qua, chứng kiến nhiều chuyện điên rồ nên không mong mỏi gì cao siêu nữa.
- Còn gì "điên rồ" trong hành trình hai thập kỷ ở châu Á mà ông chưa từng tiết lộ?
- Ngày tôi tới Azerbaijan làm việc cho CLB Neftchi Baku, ông chủ là một người giàu có và hào phóng. Nhưng ông ấy thích làm... HLV trưởng, thường can thiệp vào chuyện chuyên môn. Rồi đỉnh điểm là một lần, ông ấy dúi vào tay tôi một cậu tiền đạo bé tí hon, chân tay thì vụng về lóng ngóng, và nói: "Juergen, cho anh này đá chính đi nhé".
Khi sang Malaysia, tôi được CLB Kuala Lumpur FC bố trí một căn hộ gần tòa tháp đôi, bên cạnh con phố mua sắm sầm uất nhất. Rồi tôi được cầm chìa khóa một chiếc xe hơi của Đức, tự do đi lại di chuyển. Mọi thứ đều ổn, trừ... cầu thủ. Họ tổ chức dàn xếp tỷ số nhưng không phải sau lưng tôi đâu mà là ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt. Khi các cầu thủ đá chính trên sân, nhóm ngồi ghế dự bị lấy điện thoại nhắn tin ra ngoài cho những kẻ làm độ.
Hoặc ở Uzbekistan, từng có chuyện một CLB đưa theo một nhà... thiên văn học, dùng kính thiên văn để quan sát buổi tập của đối phương. Rồi những ngày sang Bahrain, một nhân vật giàu có địa vị đưa cho tôi một cái chai đen kịt, bọc bên ngoài là tấm lót chống nước ra tay in logo của hãng nước ngọt. Mở nắp, nhấp môi mới biết đó là... bia.
Bây giờ, khi tôi ở Việt Nam đã bốn năm, tôi nhận ra đất nước này, cuộc sống nơi đây mang lại cho mình cảm giác bình yên.
- Dự định cho tương lai của ông sau khi hết hạn hợp đồng với VFF?
- Tôi muốn nghỉ ngơi, và mong nhất là gặp vợ. Bà ấy hai năm qua không khỏe, đã có lúc rơi vào tình trạng nguy kịch. Lúc này, tôi chỉ mong gặp vợ thôi.
* HLV Toshiya Miura: 'Tôi chịu nhiều hiểu nhầm ở Việt Nam'
* Tiền vệ Phạm Đức Huy: 'Tôi chấp nhận làm tất cả vì gia đình'
An Ngọc