Khi đôi chân đã mỏi, ý chí đã mòn, chỉ còn biết mong trông giây phút mẹ đến bên vai, vỗ về thằng con trai 20 tuổi đầu nhưng tâm hồn còn không thôi non dại: “Con à, cố lên”.
Tôi nhớ hồi đó, thằng con trai vừa đặt hai bàn tay chạm sang khung trời mười tám, đầu óc trống không, vô lo vô nghĩ, luôn là những cuộc vui thâu đếm suốt sáng cùng đám bạn. Giờ đến tuổi chững chạc, khi nghĩ lại thì thấy hoài bão là thứ gì đó xa xỉ và ước mơ cuộc đời là một mớ rối tơ vò mang tên số 0.
Ngày đó, tôi vô cùng háo hức và cũng không ngừng lo lắng về chuyến đi xa đầu tiên trong đời. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có hai suy nghĩ, một là đi để học tập, thay đổi, trưởng thành; và hai là đi để nhớ, để thương, để biết trân trọng và hiểu cảm giác của một con người xa xứ như thế nào. Và quả thật, hai điều đó đến với tôi rất nhanh chóng.
Ngày tôi kéo vali ra đường băng... ngoảnh mặt quay sang nói khẽ với mẹ rằng: “Mẹ à, con đi nhé...”. Mẹ chỉ cười, vẫy tay lần cuối, tôi bối rối ngoảnh đi vì biết mình sắp khóc, và cũng biết mẹ chỉ đang cố gắng kìm nén cảm xúc khi không để đôi hàng lệ ướt đẫm trên mi, dẫu cho rằng lòng đang đau quặn thắt. Thằng con trai từ bé đến lớn đi đâu cũng phải một câu xin phép, giờ đây buộc sắp phải rời xa, một thân một mình hòa vào dòng chảy của sự sống nơi đất khách quê người, ăn ở tự lo, ốm đau tự giải quyết. “Con thương mẹ lắm, con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận ở đó. Con sẽ mạnh mẽ vượt qua, bình yên trở về bên tình mẹ bao la luôn chờ đón con”. Tôi tự nhủ trong niềm đau chôn dấu.
Có lẽ khi nghe về hai từ Marốc, mọi người sẽ chỉ nghĩ đến một quốc gia Phi châu rực lửa với cái nóng thiêu đốt và gió từ sa mạc thổi vào gây cảm giác oi bức và khó chịu vô cùng. Tôi đã trải qua những "cuộc tình nửa đêm" với không khí miền Tây Bắc lục địa đen, rồi cuộc đấu tranh giữa lý trí với con tim, giành giật chút niềm thương thân mật với cuộc tình chóng vánh mang tên “nỗi nhớ”.
Những đêm hè Rabat (thủ đô Ma rốc)... Thời gian sao trôi chậm quá, chút nhạt nhòa ướt hai hàng mi, tôi bắt đầu trăn trở, bật dậy và khóc. Giữa đêm trời bỗng lóe lên chút ánh sáng từ những vì tinh tú, chui qua ô cửa nhỏ mở hé, khẽ nhắc nhẹ hai chữ “cố lên”, rằng bóng đêm chỉ trong giây lát, bình minh trước mắt rọi sáng ngời. Tương lai chờ đó, đừng nằm một xó nhỏ giọt những hàng lệ vô hồn.
Rồi những đêm đông dài bất tận, tôi chợt nghĩ có lẽ mình đã vội quyết định sai lầm? Không hẳn. Biết bao con người xa xứ, một thân một mình đi bất cứ nơi đâu, chẳng những không lo buồn rầu, họ vẫn mưu cầu những thứ gì gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc ngay từ niềm vui du học, ngay từ việc thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn mà mẹ cha ở nhà luôn mỏi mòn vun đắp. Thế nên cái suy nghĩ tiêu cực "quyết định đi xa là không đúng đắn" bỗng vụt tắt trong chớp mắt, mỗi khi tôi tự tạo động lực cho riêng mình bằng những cái nhìn ra ngoài thế giới.
Đó là những sớm lang thang về vùng đất cảng Casablanca chỉ có trong giấc mơ ngày trước. Đó là buổi chiều muộn ngắm nghía khu chợ cổ Medina nổi tiếng trong truyền thuyết Hồi giáo ở “hòn ngọc” Marrakech, đẹp thăm thẳm và huyền bí như chính đôi mắt sâu hun hút cùng đôi mi cao vút của những cô gái đạo Hồi.
Đó là chuyến đi dài ngày ngắm tuyết phủ trắng núi trên miền Bắc thành phố Ifrane đậm chất châu Âu. Khi đó, cảm giác trong tôi như được đặt chân đến vùng quê Na Uy hay Thụy Sĩ.
Khi đánh giá một con người, ta thường hay soi vào những trải nghiệm mà họ đã qua. Thế nên tôi đã xách ba lô lên và đi bất cứ nơi đâu mình có thể đặt chân đến. Vậy thôi. Đi để cho nỗi nhớ được nguôi, để cho hình ảnh con người quê nhà nơi phương đó là chút gì sâu thẳm trong tâm hồn người trai Việt. Lúc nào buồn tủi cô đơn lại có thể lôi ra nghĩ về.
Những cuộc gọi Skype thâu đêm do trái múi giờ, cầu mong chút gì nhớ thương hiện về nhưng không hề có. Ở đó là cơn buồn ngủ bủa vây, chỉ mong gia đình bận việc mà nhanh tay tắt máy để được đi ngủ ngay tức thời. Rồi những hôm ăn mì tôm hết tháng, chỉ một lòng muốn về bên mẹ mà thôi, cơm rang trứng tráng, chút dưa cà cũng đặng.
Nhắc dưa cà lại nhớ cái Tết Việt Nam da diết. Chàng trai trẻ chỉ biết lặng nhìn vào đêm trời đầy sao và thầm nghĩ còn không lâu nữa đâu phía chân trời bên kia chào đón. Và ở đó là những con người thân thuộc, luôn ngày đêm mong con người này bước chân trở về. Dù sao những người anh em, bạn bè cũng là du học sinh như mình, cùng nhau vui vầy tổ chức Tết cổ truyền trên xứ người thật đủ đầy, ấm cúng và ý nghĩa vô cùng. Nghĩ đến những điều này cho đỡ tủi thân.
Có ai biết không, những đêm đông Marốc lạnh thấu xương do chênh lệch nhiệt độ đêm ngày. Rồi chàng trai chỉ ước một bàn tay luồn nhẹ, lách dọc sống lưng, vuốt ve như mẹ đã từng. Càng nhớ nhà thì càng thương chính mình. Đến độ tháng Giêng, co ro nằm nghiêng, lò sưởi không dám bật vì tiền điện nhiều khi tăng đột biến. Lạnh cắt da cắt thịt, nhưng tôi phải cố ngủ một ít để có sức học bài.
Đến độ tháng năm chưa nằm đã sáng. Canh hai canh ba giấc mơ yêu chợt hiện về cầm tay ai đó dìu chân nhau bước thật chậm trên bãi biển nắng vàng. Choàng tỉnh, tôi chẳng thấy bóng hình người đâu. Tôi lại đối hiện trần nhà, rồi một mình nhớ mong trong thoáng chốc. Giờ đây tôi chỉ biết thầm lòng cầu chúc người bình yên, hạnh phúc!
Gần hai năm xa nhà, tôi nâng ly nhấp nhẹ ngụm café đắng ngắt, lòng thầm nghĩ phải cố gắng vượt qua. Ngày về hiển hiện trước mắt, nhưng rồi tôi sẽ nhớ lắm đây những đêm hè thức trắng.
Trương Hữu Hoàng Long
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com