"Đây là sự vi phạm quyền riêng tư và tôi thấy tiếc vì đã để chuyện này xảy ra", Mark Zuckerberg lần đầu lên tiếng sau khi vướng vào "scandal" để công ty đối tác Cambridge Analytica tiếp cận 50 triệu người dùng mà họ không hay biết. "Trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là đảm bảm điều này không xảy ra nữa", CNN trích lại.
Mark Zuckerberg. Ảnh: Verge. |
Trên trang cá nhân, nhà sáng lập mạng xã hội này đã thừa nhận công ty có những sai lầm trong việc xử lý dữ liệu của Cambridge Analytica.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Mark Zuckerberg nói rằng ông sẵn sàng làm sáng tỏ vụ việc trước Quốc hội Mỹ vì "scandal" vừa qua. Facebook cũng sẽ thông báo cho tất cả người dùng biết nếu dữ liệu của họ được dùng không đúng mục đích. Đồng thời, mạng xã hội này sẽ tăng gấp đôi nhân viên trong mảng bảo mật dữ liệu.
"Chúng tôi sẽ có hơn 20.000 nhân viên làm việc về an ninh và hoạt động cộng đồng vào cuối năm nay, tôi nghĩ hiện thời con số này là 15.000 người", CEO Facebook cho biết. Mạng xã hội này đồng thời điều tra "hàng nghìn" ứng dụng để xác định liệu nó có lạm dụng quyền truy cập vào dữ liệu người dùng hay không.
"Có thể có 15 thay đổi mà chúng tôi đang thực hiện cho nền tảng của mình nhằm hạn chế dữ liệu. Tuy nhiên, tôi không thể liệt kê hết ở đây vì chúng là những thứ phức tạp và khó giải thích. Song chúng tôi đảm bảo rằng các nhà phát triển không thể truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm nữa", Zuckerberg nói.
Cuối tuần qua, báo New York Times đăng bài viết gây sốc về vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook. Cụ thể, Cambridge Analytica - công ty phân tích dữ liệu có văn phòng tại Anh và Mỹ, đã được thuê vào tháng 6/2016 để phân tích thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook - tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.
Những dữ liệu này được họ mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge. Kogan thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife - một dạng khảo sát trả lời các câu hỏi trên nền tảng mạng xã hội - và khẳng định khảo sát được thực hiện với mục đích nghiên cứu học thuật.
Ứng dụng này đòi hỏi người dùng đăng nhập tài khoản Facebook cũng như yêu cầu quyền truy cập hồ sơ, vị trí của họ. Có rất nhiều ứng dụng khác như game, đố vui... cũng đưa ra những đòi hỏi tương tự và người dùng thường chấp nhận. Tuy nhiên, vấn đề là Kogan lại bán dữ liệu này cho Cambridge Analytica mà người dùng không hề hay biết.
Bài viết của Mark Zuckerberg trên trang cá nhân
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng tải ngày 19/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.