Ngư lôi Mark 48 đánh chìm mục tiêu tàu nổi.
Một trong những vũ khí uy lực nhất của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ là ngư lôi Mark 48 Mod 7 ADCAP. Đây là ngư lôi được trang bị những công nghệ mới nhất trong tác chiến dưới nước, giúp tàu ngầm Mỹ tiêu diệt chiến hạm đối phương hoặc trở thành cảm biến tầm xa chưa từng có, theo Business Insider.
Mỹ thiết kế ngư lôi Mark 48 từ cuối thập niên 1960 để đối phó với sự phát triển của tàu ngầm Liên Xô. Loại vũ khí này đi vào biên chế năm 1971, thay thế các ngư lôi đời cũ hơn như Mark 37 và Mark 14, hai vũ khí cơ bản của tàu ngầm Mỹ khi đó. Tới năm 1972, việc Liên Xô biên chế tàu ngầm Đề án 705 "Lira" hiện đại khiến Mỹ tăng tốc chương trình Cải tiến tính năng (ADCAP) cho ngư lôi Mark 48, tăng cường đáng kể uy lực cho dòng ngư lôi này.
Mọi tàu ngầm trong biên chế hải quân Mỹ, gồm lớp Los Angeles, Seawolf, Virginia và Ohio, đều được trang bị ngư lôi Mark 48. Phiên bản mới nhất mang tên Mark 48 Mod 7 là kết quả của nhiều đợt nâng cấp trong hàng thập kỷ qua. Sự kết hợp giữa hệ thống máy tính mạnh mẽ, động cơ khỏe và cơ cấu nổ hủy diệt khiến Mark 48 trở thành vũ khí có tỷ lệ diệt mục tiêu rất cao.
Mark 48 dài 5,8 m, đường kính 0,53 m, nặng 1.676 kg, được gắn đầu đạn nặng 293 kg với tầm bắn hiệu quả trên 8 km. Ngư lôi này có thể hoạt động ở độ sâu tối đa trên 365 m.
Là vũ khí phục vụ chiến trường hiện đại, Mark 48 ADCAP có khả năng tự động hóa cao. Khi được phóng từ tàu ngầm, động cơ phản lực dòng nước (pumpjet) có thể đẩy quả đạn lao tới mục tiêu với vận tốc trên 80 km/h trong lòng biển. Ban đầu, tốc độ cao là yêu cầu quan trọng giúp Mỹ săn lùng tàu ngầm tấn công của Liên Xô, vốn có khả năng lặn sâu gấp nhiều lần tàu Mỹ và đủ nhanh để thoát khỏi tầm bắn của ngư lôi đời cũ.
Mark 48 được trang bị hệ thống dẫn đường chủ động và thụ động, có khả năng đánh chìm nhiều loại tàu nổi và tàu ngầm khác nhau. Trong giai đoạn đầu sau khi phóng, ngư lôi được dẫn đường qua dây dẫn kết nối với tàu mẹ. Dây dẫn sẽ tách ra khi đầu dò ngư lôi khóa được mục tiêu, chuyển quyền điều khiển sang máy tính dẫn đường trên quả đạn Mark 48.
Khi bắn trượt mục tiêu, các ngư lôi thông thường sẽ lao thẳng cho đến khi hết nhiên liệu và tự kích nổ. Nhưng Mark 48 có thể di chuyển vòng quanh để tìm kiếm mục tiêu lần thứ hai, tăng hiệu quả hủy diệt.
Cơ cấu kích nổ của Mark 48 cũng khác với những ngư lôi đời cũ như Mark 37 và Mark 14, vốn được lập trình để phát nổ khi va chạm hoặc đến sát mục tiêu. Với tàu mặt nước, Mark 48 sẽ di chuyển xuống dưới đáy tàu, vị trí yếu nhất và không được bảo vệ, sau đó mới phát nổ.
Đầu đạn gần 300 kg phát nổ dưới nước tạo ra bong bóng khổng lồ, đẩy thân tàu đối phương lên khỏi mặt nước, trước khi rơi ngược xuống khoảng trống bên dưới. Hai lực tác động ngược chiều mạnh tới mức bẻ gãy sống tàu, khiến tàu chiến đối phương gãy đôi và chìm chỉ trong vài phút. Với tàu ngầm, Mark 48 phát nổ ngay sát lớp vỏ chịu lực, phá hủy chúng bằng sóng xung kích lớn.
Kể từ khi được biên chế, Mark 48 luôn là vũ khí diệt hạm và chống ngầm chủ lực của tàu ngầm Mỹ. Phiên bản cải tiến Mod 7 được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) có thể tiếp nhận và phân tích tín hiệu ở dải tần số rộng hơn, nâng cao khả năng tìm kiếm và bám bắt mục tiêu.
Theo kế hoạch, nhà sản xuất Lockheed Martin sẽ bàn giao 20 ngư lôi Mod 7 CBASS mỗi tháng cho hải quân Mỹ với mức giá 3,8 triệu USD/quả. Tập đoàn này hy vọng bán được tổng cộng 250 quả Mark 48 Mod 7 CBASS cho hải quân Mỹ trong 5 năm tới.
Duy Sơn