Ferdinand Marcos Jr. hôm nay được xác định là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines với hơn 31 triệu phiếu bầu, đánh bại đương kim Phó tổng thống Leni Robredo, đánh dấu sự trở lại của gia đình Marcos tại Dinh Malacanang sau gần 4 thập kỷ.
Marcos Jr., thường được gọi là Bongbong Marcos, sinh ngày 13/9/1957, là con trai duy nhất của cố tổng thống Philippines Ferdinand E. Marcos, người nắm quyền trong giai đoạn 1965-1986.
Lớn lên trong nhung lụa, Marcos năm 1970 tới Anh sống và học tập tại Trường Worth, một cơ sở giáo dục dành cho nam sinh ở Tây Sussex. Năm 1975, Marcos theo học về triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford, giúp ông đặt một chân vào sự nghiệp chính trị.
Nhưng Marcos đã không tốt nghiệp Đại học Oxford. Trường đại học danh tiếng này năm 2021 xác nhận Marcos đã không hoàn thành chương trình học và không được cấp bằng tốt nghiệp, mà chỉ được nhận một chứng chỉ đặc biệt về nghiên cứu xã hội vào năm 1978.
Marcos cũng từng nói rằng ông đã theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Wharton ở Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhưng sau đó tuyên bố rút khỏi khóa học để về nước tham gia chính trị.
Những tranh cãi về học vấn của Marcos không thể ngăn ông bắt đầu tham gia chính trị trong chính quyền của cha mình. Năm 1980, Marcos trở thành phó thống đốc tỉnh Ilocos Norte, khi mới 23 tuổi.
Tháng 3/1983, ông được bổ nhiệm làm thống đốc tỉnh Ilocos Norte, thay thế một người dì từ chức vì lý do sức khỏe.
Trong thời gian Ferdinand E. Marcos nắm quyền, gia đình ông nổi tiếng với lối sống xa hoa, không tiếc tiền chi cho các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền và có nhiều tài sản ở nước ngoài. Cựu đệ nhất phu nhân Imelda Remedios Visitacion Romualdez còn nổi tiếng với bộ sưu tập giày đồ sộ.
Nhưng Ferdinand E. Marcos cũng đã thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Philippines từ năm 1972, dẫn tới làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, châm ngòi cho cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân bùng nổ vào năm 1986, lật đổ chính quyền của ông.
Khi mới 29 tuổi, Bongbong Marcos phải từ bỏ sự nghiệp chính trị đang lên, cùng bố mẹ tới sống lưu vong ở Hawaii.
Sau khi cha qua đời ở Hawaii năm 1989, Marcos cùng gia đình quay lại Philippines vào năm 1991 và trở thành những chính trị gia giàu có, nhiều sức ảnh hưởng ở tỉnh Ilocos Norte, nơi được ví như "thành trì" của gia tộc Marcos.
Ông sau đó kết hôn cùng luật sư Louise Araneta-Marcos, người cũng thuộc một gia đình có thế lực. Họ có ba người con trai, gồm Ferdinand Alexander III "Sandro" sinh năm 1994, Joseph Simon sinh năm 1995 và William Vincent "Vince" sinh năm 1997. Một trong ba người con của ông được cho là sẽ tranh cử vào quốc hội năm tới.
Marcos được bầu làm đại diện khu vực dân biểu số 2 của tỉnh Ilocos Norte từ năm 1992 tới 1995. Ông sau đó tranh cử và một lần nữa trở thành thống đốc tỉnh năm 1998. Sau 9 năm, ông trở lại vị trí dân biểu từ năm 2007 tới 2010, trước khi trở thành thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 2010-2016.
Năm 2015, Marcos chạy đua chức phó tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng thua sát nút đại diện của tỉnh Camarines Sur là Leni Robredo với chênh lệch 0,64% phiếu bầu. Ông từng đệ đơn phản đối kết quả kiểm phiếu nhưng thất bại.
Năm 2021, Marcos thông báo ra tranh cử tổng thống Philippines, tiếp tục đối đầu với bà Robredo. Trong chiến dịch tranh cử, Marcos cam kết mang lại nhiều việc làm hơn, giá cả hàng hóa thấp hơn, đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đối tác tranh cử của ông là Sara Duterte Carpio, con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte.
Marcos cũng gắn chiến dịch với di sản của cha ông bằng khẩu hiệu "trỗi dậy một lần nữa", nhắc tới hoài niệm của nhiều người dân Philippines về khoảng thời gian cha ông nắm quyền như "kỷ nguyên vàng" của đất nước. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN Philippines gần đây, Marcos ca ngợi cha ông là "thiên tài chính trị" và mẹ ông, người từng 4 lần làm nghị sĩ, là "chính trị gia tối cao".
Những người ủng hộ gia đình Marcos nói thời kỳ cầm quyền của tổng thống Ferdinand là giai đoạn tiến bộ và thịnh vượng, với nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện khắp đất nước.
"Sau cuộc cách mạng năm 1986, nhiều người đã kỳ vọng về những thay đổi đáng kể trong cách thức thực hành chính trị và quản trị ở Philippines", nhà phân tích chính trị Edmund Tayao ở Philippines nói. "Nhưng những kế hoạch cải cách thể chế sâu rộng rất được kỳ vọng đã không xảy ra".
Do đó, Tayao cho rằng sự trở lại của gia đình Marcos là điều được nhiều người mong đợi, đặc biệt ở tỉnh Ilocos Norte. Cử tri tại đây vẫn trung thành với gia đình Marcos vì tỉnh này từng nhận được nhiều ưu đãi trong thời kỳ Ferdinand E. Marcos nắm quyền, ngay cả khi phần còn lại của đất nước phải trải qua 14 năm thiết quân luật.
"Hãy tưởng tượng một cơn bão dữ dội tàn phá đất nước, nhưng Ilocos Norte hoàn toàn không bị ảnh hưởng", một nhà báo từng giải thích.
Sự ủng hộ đối với Marcos không chỉ giới hạn ở tỉnh Ilocos Norte. Glenn Mark Blasquez, 37 tuổi, một người dân ở Manila, cho hay anh quyết định bỏ phiếu cho Marcos vì những cam kết thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, như hệ thống Internet, cầu đường, nông nghiệp và vận tải.
"Chúng tôi cần động lực đó. Chúng tôi cần một người lãnh đạo để tiếp tục những tiến bộ như vậy", anh nói.
Gerald Cruz, một chủ cửa hàng 33 tuổi ở Luzon, nói anh bỏ phiếu cho Marcos vì lời hứa tiếp tục sáng kiến cơ sở hạ tầng "Xây dựng, xây dựng, xây dựng" từng được Tổng thống Duterte đề ra, cũng như cam kết cắt giảm chi phí điện.
"Hóa đơn tiền điện của chúng tôi đã tăng gấp đôi. Nếu tiền điện tiếp tục tăng, mọi thứ sẽ bị ảnh hưởng. Ông ấy muốn đoàn kết Philippines. Đó là điều tôi thích ở ông ấy", Cruz nói.
Trong tuyên bố hôm nay sau khi được xác định là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, Marcos bày tỏ "mong chờ được làm việc với mọi tầng lớp ở Philippines cũng như các đối tác và tổ chức quốc tế", cam kết sẽ hàn gắn đất nước. "Hãy phán xét tôi không phải bằng quá khứ, mà bằng hành động của tôi", Marcos nhấn mạnh.
Thanh Tâm (Theo BBC, NY Times, CNN)