Ngày 20/7, đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175, cho biết nhiều trang fanpage sử dụng logo, hình ảnh bác sĩ và bệnh viện để quảng cáo các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, khám chữa bệnh. Một số trang facebook giả mạo bác sĩ của bệnh viện để gây nhầm lẫn.
"Việc lừa đảo này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ, đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của bệnh viện", ông Tuấn nói. Bệnh viện cũng nhận được nhiều phản ánh về các trường hợp giả danh bác sĩ công tác tại đây, giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi.

Một số trang sử dụng hình ảnh logo, giả mạo bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh chụp màn hình Facebook.
Bệnh viện khuyến cáo người dân tỉnh táo, thận trọng để không bị lừa gạt. Nơi này chỉ thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật theo yêu cầu tại bệnh viện. Tất cả cơ sở thẩm mỹ ghi Bệnh viện Quân y 175, ngoài khuôn viên bệnh viện tại TP HCM và các tỉnh thành khác đều là giả mạo. Bệnh viện cũng chỉ sở hữu một fanpage có dấu tích xanh.
Sở Y tế TP HCM mới đây khuyến cáo người dân khi lựa chọn nơi thẩm mỹ cần truy cập cổng tra cứu hoạt động khám chữa bệnh tại địa chỉ thongtin.medinet.org.vn để tránh "tiền mất tật mang", trong bối cảnh hoạt động thẩm mỹ "chui" ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người dân.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1, Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP HCM... cũng phát hiện tình trạng giả mạo fanpage bệnh viện để kêu gọi từ thiện; giả danh bác sĩ lừa đảo người chữa vô sinh, hiếm muộn; giả bác sĩ gọi điện tư vấn mua thuốc, thực phẩm chức năng. Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Quân đội 108... cũng bị giả danh để bán thuốc, khám chữa bệnh.
Cuối năm ngoái, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đã cắt ghép hình ảnh thầy thuốc, nghệ sĩ, ca sĩ... đánh lừa người tiêu dùng.
Lê Phương