Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngày 23/3 cho biết nhiều trang fanpage sử dụng logo và đăng lại các hình ảnh của Bệnh viện 108 để tạo lòng tin, sau đó đăng thông tin bán thuốc online. Người dùng bình luận hoặc nhấn vào dòng chữ nhắn tin, các trang này sẽ tự động gửi tin nhắn dưới dạng chatbot (phần mềm cài đặt trả lời tự động của Facebook). Đồng thời, các trang này yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số điện thoại để được tư vấn trực tiếp hoặc ưu đãi giảm giá dịch vụ, hàng khuyến mại, thực chất là đánh cắp dữ liệu cá nhân.
"Đây là hình thức giả mạo, mượn danh bệnh viện để lừa bệnh nhân, có thể gây ra những rủi ro và thiệt hại về kinh tế, thậm chí tính mạng cho người sử dụng dịch vụ", Trung tướng Bàng nhấn mạnh.
Trung tướng Bàng cảnh báo bệnh nhân, người dùng mạng xã hội lưu ý khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, địa chỉ khám chữa bệnh, mua thuốc. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở mạo danh bệnh viện. Hầu hết bệnh nhân trong tình trạng nặng, khắc phục rất khó khăn, để lại tai biến lâu dài
"Bệnh viện 108 chỉ khám, điều trị bệnh, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật theo yêu cầu trong khuôn viên bệnh viện tại Hà Nội. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh ghi Viện 108, ngoài khuôn viên bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh thành khác đều là giả mạo", giám đốc Bệnh viện 108 khẳng định.
Bệnh viện cũng bán thuốc trực tiếp tại Nhà thuốc số 1, 2, 3, 4 nằm trong khuôn viên bệnh viện. Nhân viên bán thuốc tại quầy đều có đồng phục in tên, logo bệnh viện.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP HCM cũng phát hiện tình trạng giả mạo fanpage bệnh viện để kêu gọi từ thiện; giả danh bác sĩ lừa đảo người chữa vô sinh, hiếm muộn... Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng bị giả danh bán thuốc dạ dày để lấy tiền.