Trong nửa tháng đó, đã 10 ngày anh chưa tắm vì thiếu nước sinh hoạt; vả lại cũng không đi được đâu xa để tắm dịch vụ vì phải quanh quẩn bên chiếc xe để trông hàng. Hôm 16/12, được lệnh của chủ xe, Thái phá niêm phong bằng chì, kiểm tra chất lượng mít bên trong. Những quả mít bắt đầu đen vỏ, xộc ra mùi thơm nức mũi - dấu hiệu cho thấy trái cây đã chín, khó đáp ứng điều kiện thông thường - xuất khi vỏ còn xanh - mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Nhiều đồng nghiệp của Thái phải mở xe khi hàng sắp hỏng, bổ mít ăn thay cơm; cho không bạn bè tài xế hoặc người dân xung quanh. Có người thậm chí được lệnh quay xe, chở về thành phố Lạng Sơn bán tống bán tháo một quả 40.000 đồng. Quả mít xuất khẩu thường nặng 10-12 kg. Tính ra mỗi kg giá chỉ khoảng 4.000 đồng.
Trong lúc đó, ở chợ Hà Nội, tôi đang mua 20-25.000 một kg mít cả vỏ. Còn loại mít siêu thị đã bóc trắng trơn, bọc trong túi nilon, chỉ việc cho vào miệng, giá 100.000 một kg.
Nửa vạn container nông sản của những tài xế như Thái đang ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn trong thời điểm này chắc chắn là một khủng hoảng nặng nề đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), 11 tháng qua, xuất khẩu nhóm ngành nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt kim ngạch 8,4 tỷ USD. Riêng nhóm ngành rau quả xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với tổng kim ngạch ước đạt 1,8 tỷ USD (chiếm khoảng 55% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam).
Đây là cuộc khủng hoảng được báo trước và không phải chưa có những trận diễn tập. Covid và Tết Nguyên đán dĩ nhiên là một yếu tố thuyết phục dẫn đến sự bị động này.
Nhưng ngay cả trước khi có Covid, đã không ít lần thương lái nông sản Việt Nam bị động trước những động thái bất ngờ của bạn hàng bên kia biên giới. Nên, tôi không hề quá lời khi nói rằng: Lâu nay chúng ta vẫn bất chấp rủi ro để đưa nông sản lên biên giới phía bắc.
Thị trường Trung Quốc với ít nhất khoảng 400 triệu dân duyên hải phía nam luôn dư sức tiêu thụ toàn bộ lượng nông sản nhiệt đới từ Việt Nam. Nông sản từ Thái Lan, đối thủ cạnh tranh trực tiếp, chủ yếu tiêu thụ tại khu vực cao nguyên Tây Nam, qua ngả Côn Minh, và đặc biệt thuận lợi khi có tuyến đường sắt Côn Minh - Viêng Chăn.
Mặc dù thị trường được phân chia rất rõ ràng nhờ yếu tố địa lý, Trung Quốc dường như luôn nhập nông sản Việt Nam với tâm thế "ngộ không mua thì nị chẳng biết bán cho ai". Tâm thế "cửa trên" đó, chứ không phải Covid hay bất cứ tình huống bất khả kháng nào khác, có khả năng khiến nông sản Việt Nam rơi vào thế bị động tại cửa khẩu.
Bởi nếu đây là một cuộc chơi bình đẳng, vấn đề thiếu tài trung chuyển, hay sự thay đổi phương án chống dịch, đều không khó dự báo và tìm phương án giải quyết để hỗ trợ bạn hàng. Gần nửa vạn container ùn tắc tại cửa khẩu không chỉ là hàng trăm nghìn tấn nông sản bị đổ đi, không chỉ là thiệt hại về kinh tế, mà còn là khủng hoảng tâm lý của hàng triệu nông dân Việt Nam. Thương lái sẽ thay đổi cách thức thu mua như thế nào sau sự kiện này? Các nhà vườn sẽ tính toán đầu tư cho mùa vụ tới ra sao? Đó là những câu hỏi chưa thể trả lời, và cũng không cần trả lời.
Bởi vì thứ cần giải đáp đầu tiên phải là: Làm thế nào để nông sản Việt Nam không bị lệ thuộc, để có một tư thế bình đẳng với thị trường tiêu thụ chính của mình? Nếu như công nghệ sau thu hoạch mãi mãi dẫm chân tại chỗ, nông sản không có khả năng bảo quản tốt, không phát triển công nghệ phụ trợ phục vụ chế biến, chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc chở nông sản lên biên giới và đổ đi mà thôi.
Điều này không phải chưa từng được đề cập trong các khuyến nghị, tuyên bố tại những hội nghị lớn nhỏ. Nhưng, động lực để các khuyến nghị ấy trở thành hành động thì luôn bị cuốn theo các đoàn xe container từ Nam ra Bắc sau mỗi mùa thu hoạch. Khi người nông dân vẫn tiếp tục chấp nhận bán rẻ sản phẩm, lấy công làm lãi, khi những thương lái vẫn có lợi nhuận từ việc ép giá nông dân, và khi những nhà đầu tư vẫn nhìn thấy lợi nhuận quá cao từ việc buôn bán đất thay cho việc làm giàu từ hoa màu... thì việc hiện đại hoá các cánh đồng chỉ là trò chơi theo trend của một lớp thị dân lãng mạn.
Khủng hoảng ùn ứ nông sản ở Lạng Sơn ngày hôm nay, dù không phải lần đầu, nhưng có thể hy vọng nó đủ lớn, đủ mạnh để đánh thức khát vọng thay đổi tình thế của những nhà hoạch định chính sách. Cần có những quyết tâm lớn hơn để tạo ra động lực thực sự cho dòng tiền đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản và quy mô.
Việt Nam không thể mãi mãi chỉ là mảnh vườn của những người hàng xóm.
Phạm Trung Tuyến