Các nhà khoa học nhận dạng một mảnh vỡ Thái Bình Dương, tàn tích cổ đại của đáy biển, trải dài hàng trăm kilomet bên dưới Trung Quốc khi bị hút xuống vùng chuyển tiếp giữa quyển manti trên và dưới của Trái Đất. Dải đá từng bao phủ đáy Thái Bình Dương là dấu tích của thạch quyển đại dương, lớp ngoài cùng của bề mặt Trời Đất, bao gồm vỏ và phần cứng ngoài cùng của quyển manti trên.
Thạch quyển không phải luôn nằm trên cùng. Lớp bề mặt phía trên bao gồm một số mảng kiến tạo luôn chậm rãi dịch chuyển và thỉnh thoảng đâm vào nhau. Trong lúc va chạm, quá trình địa chất gọi là hút chìm có thể xảy ra, một mảng kiến tạo bị đẩy xuống dưới mảng kiến tạo khác ở đới hút chìm và cuối cùng chìm sâu hơn vào trong lòng hành tinh.
Trong phát hiện công bố hôm 9/11 trên tạp chí Nature Geoscience, nhóm nhà khoa học đến từ Trung Quốc và Mỹ nhận thấy hiện tượng trên xảy ra ở độ sâu lớn hơn nhiều so với quan sát cũ. Trước đây, giới nghiên cứu ghi nhận những dải đá hút chìm ở độ sâu khoảng 200 km. Hiện nay, nhờ mạng lưới hơn 300 trạm địa chấn trải rộng khắp vùng đông bắc Trung Quốc, các nhà nghiên cứu có thể xem xét sự kiện ở độ sâu lớn hơn, chụp ảnh những phần của mảng kiến tạo từng nằm bên dưới Thái Bình Dương và bị đẩy vào vùng chuyển tiếp của quyển manti nằm ở 410 - 660 km bên dưới bề mặt Trái Đất.
Để tìm hiểu về dải đá hút chìm, nhóm nghiên xác định hai khu vực gián đoạn tốc độ địa chấn (khu vực ở sâu dưới lòng đất nơi sóng địa chấn gặp phải vật dị thường). Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu kết luận hai vật dị thường liên quan tới cả mặt trên và dưới của mảng kiến tạo bị chìm, theo nhà địa vật lý Qi-Fu Chen ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Tuy quá trình hút chìm mảng kiến tạo đang diễn ra bên dưới Trung Quốc, đới hút chìm lại nằm xa hơn về phía đông. Lớp đá bị chìm chúc xuống dưới theo góc 25 độ. Nhờ ảnh chụp mới, các nhà khoa học có thể hình dung rõ hơn những gì xảy ra với dải đá bị hút chìm khi nó chạm tới vùng chuyển tiếp, bao gồm mức độ biến dạng và lượng nước bị mất đi.
An Khang (Theo Live Science)