Bà Đinh Thị Mỹ Loan. |
- Những hành vi nào sẽ bị tập trung xử lý khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, thưa bà?
- Có hai nhóm hành vi vi phạm chủ yếu về cạnh tranh mà Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ tập trung xử lý. Thứ nhất là nhóm hành vi vi phạm các quy định về chống độc quyền, trong đó bao gồm hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, phân chia thị trường tiêu thụ, ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia thị trường, lạm dụng vị trí thống lĩnh... Thứ hai là nhóm hành vi vi phạm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh như ép buộc trong kinh doanh, quảng cáo so sánh, bán hàng đa cấp bất chính...
- Nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn trước thông tin rằng quảng cáo so sánh có thể bị phạt 25 triệu đồng, trong khi đa số các quảng cáo đều dẫn đến so sánh. Vậy các doanh nghiệp phải dựa vào tiêu chí nào để biết rằng nội dung quảng cáo của mình vi phạm pháp luật?
- Trước mắt, Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ xử lý các hành vi so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác. Có thể hiểu so sánh trực tiếp là việc dùng hình ảnh và lời nói trong quảng cáo khiến người tiêu dùng lập tức nhận ra đối tượng mà quảng cáo đang so sánh là sản phẩm gì, của doanh nghiệp nào. Khoản phạt có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu doanh nghiệp vi phạm trong các lĩnh vực nhạy cảm như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
- Có tình trạng một số công ty nước ngoài ký hợp đồng độc quyền bán lẻ với các nhà phân phối. Đây có bị xem là hành vi thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho các doanh nghiệp khác tham gia thị trường không, thưa bà?
- Không phải là cứ có hợp đồng phân phối độc quyền là vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Cơ quan Quản lý Cạnh tranh phải tiến hành điều tra và xem xét từng trường hợp là việc “bắt tay” này có ảnh hưởng gì đến môi trường cạnh tranh hoặc khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khác hay không.
- Cục Quản lý Cạnh tranh là cơ quan được giao trách nhiệm xử lý các tranh chấp liên quan đến cạnh tranh, nhưng nếu doanh nghiệp muốn kiện thẳng ra tòa có được không?
- Doanh nghiệp có quyền chọn lựa giữa tòa án hoặc Cục Quản lý Cạnh tranh. Trong trường hợp họ gửi hồ sơ khiếu nại đến Cục, Cục sẽ tiến hành điều tra. Nếu có đủ chứng cứ về hành vi vi phạm, cục sẽ ra các quyết định xử lý.
- Các quyết định xử lý của Cục Quản lý Cạnh tranh có đề cập đến việc bồi thường cho các doanh nghiệp?
- Quyết định của chúng tôi chỉ nhằm xử lý thích đáng những đối tượng vi phạm thông qua các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, qua đó đảm bảo môi trường cạnh tranh được công bằng, lành mạnh. Nếu muốn được bồi thường, doanh nghiệp bị thiệt hại có thể sử dụng quyết định của Cục để khởi kiện ra tòa dân sự.
- Làm sao để đảm bảo rằng nếu các doanh nghiệp khiếu kiện lên Cục Quản lý Cạnh tranh thì các quyết định xử lý của Cục sẽ được thực thi để đảm bảo quyền lợi cho họ?
- Các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ hỗ trợ chúng tôi. Chẳng hạn cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ quan khác tước các giấy phép, chứng chỉ hành nghề do họ đã cấp. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố cũng sẽ vào cuộc hỗ trợ khi có yêu cầu của Cục.
(Theo Tuổi Trẻ)