Công ty cổ phần Sài Gòn Hàng không (Sai Gon Airlines) do ông Quảng làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc có vốn điều lệ dự kiến 320 tỷ đồng, với 6 cổ đông sáng lập, chuyên kinh doanh một số dịch vụ mặt đất, trong đó có kho bãi, bốc xếp hàng hóa, sửa chữa máy bay và thiết bị hàng không, đại lý bán vé máy bay...
Trao đổi với VnExpress, ông Quảng cho biết thành lập công ty kinh doanh dịch vụ mặt đất chỉ là bước đi đầu tiên. "Trong 3-4 tháng nữa, chúng tôi sẽ lo đủ vốn để xin phép Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không và có thể trở thành hãng hàng không đúng nghĩa", ông Quảng tiết lộ.
Thị trường hàng không sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau này, khi đã được cấp phép bay, Sai Gon Airlines sẽ chú trọng vào mảng vận chuyển hàng hóa và chỉ chở hành khách theo yêu cầu(air-taxi), với khách hàng mục tiêu là những người có nhu cầu bay cấp bách, khách VIP, thương nhân, những gia đình thu nhập cao muốn thuê máy bay riêng... Đội tàu bay sẽ hình thành chủ yếu là máy bay thuê hoặc hợp tác với các hãng có máy bay. Hãng sẽ mời các cán bộ hàng không, không quân có kinh nghiệm về làm cố vấn. Tiếp viên sẽ được tuyển dụng từ đội ngũ nhân viên từng làm ở các hãng hàng không trong nước và quốc tế, kể cả những người đã quá tuổi nghề nhưng có kinh nghiệm và nhiệt tình. Riêng đội ngũ nhân viên mặt đất, Sai Gon Airlines có kế hoạch tuyển dụng mới, sau đó cử đi nước ngoài đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trước khi được cấp phép mở công ty Sai Gon Airlines, cách đây 2 năm, ông Quảng đã nộp đề án lập hãng hàng không Saigon Air, song chưa được phê duyệt.Ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không cho biết, ngoài đề án Saigon Air, hiện Cục chưa nhận được bất kỳ hồ sơ xin cấp phép thành lập hãng hàng không nào. Tuy nhiên quan điểm của cơ quan này là khuyến khích có thêm hãng hàng không khai thác thị trường nội địa để tăng tính cạnh tranh. Với các hãng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, quyền lợi của các bên đều được đảm bảo và được thực hiện đầy đủ những dịch vụ cho phép.
"Với đề án thành lập Saigon Air, khi đã có nghị định của Chính phủ, nhà đầu tư có thể nghiên cứu và thực hiện trình tự thủ tục theo quy định", ông Thanh nói.
Theo Nghị định 76 do Chính phủ ban hành hôm 9/5, ngoài yêu cầu vốn tối thiểu 200 tỷ đồng, một hãng hàng không mới ra đời cần hàng loạt điều kiện khác như nhân sự, bộ máy điều hành, cơ sở vật chất, phi công, tiếp viên... Khi hãng hàng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì việc thành lập sẽ do Thủ tướng quyết định trên cơ sở quy hoạch ngành.
Song Linh - Phong Lan