Ngắm nhìn không gian công viên yên bình, thật khó để tưởng tượng khung cảnh này cách đây nửa thế kỷ: tiếng gầm rú không ngừng của máy bay chiến đấu trên đầu, những dãy nhà và doanh trại kéo dài hàng dặm, cùng những thùng kim loại với dải băng màu cam cuốn quanh thân.
Bút tích của những người lính để lại vẽ nên một khung cảnh đau lòng thời bấy giờ. Nhiều thập kỷ trước, một nhà văn Việt Nam và một nhà văn Mỹ đã cùng biên soạn cuốn sách mang tên "Poems from Captured Documents" (Thơ từ tài liệu chiến trường). Họ tập hợp những cuốn nhật kỹ cũ trong chiến tranh. Trong các cuốn sổ nhỏ, bên cạnh những bức thư, bệnh án, chỉ dẫn kỹ thuật, là nguệch ngoạc những bài thơ.
Trong thơ, người lính viết về nỗi nhớ nhà, nhớ ánh nắng hồng trên ngôi làng, mái ngói đỏ, bóng cây hạnh nhân đổ trên tán đa.
Và họ cũng viết về sự mất mát. Một người lính viết về đồng đội đã mất tích. Anh miêu tả những đêm dài than khóc khi nghĩ về bạn. Trong cơn tuyệt vọng, anh tự hỏi: Làm cách nào ta tìm được con đường tương lai?
Người thanh niên đó đã cảm thấy không thể nào tiến lên phía trước.
Suốt nhiều năm, Mỹ và Việt Nam cũng không có sự tiến triển nào về phía trước vì không thể hàn gắn. Hai chính phủ không trao đổi về những nỗi đau trong quá khứ, không đề cập tới những vết thương chưa khép miệng.
Cho tới khi, thật chầm chậm, và đầy gập ghềnh, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Được sự dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo dũng cảm như cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Đại sứ Lê Văn Bàng, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry và Patrick Leahy, hai nước dần đối diện quá khứ khó khăn này, để từ đó cùng nhau tìm ra con đường phía trước.
Việt Nam đã giúp Mỹ xác định vị trí của hàng trăm người lính mất tích.
Mỹ bắt đầu hợp tác cùng Việt Nam rà phá bom mìn, hỗ trợ những người khuyết tật vì chiến tranh.
Một tình bạn dần nảy nở giữa hai dân tộc. Sinh viên trao đổi bắt đầu đi lại giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước bắt đầu thực hiện các chuyến thăm chính thức. Chúng ta mở cửa nền kinh tế với nhau, tăng cường trao đổi văn hóa, từ đó quan hệ đối tác giữa hai nước cũng ngày một lớn mạnh. Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện - một mối quan hệ mà tôi tin chắc sẽ ngày càng được củng cố.
Nhưng suốt nhiều năm, vẫn tồn tại một bất đồng lớn: chất dioxin còn ngấm trong lòng đất truyền nỗi đau chiến tranh tới nhiều thế hệ người Việt.
Hai quốc gia đã mất quá lâu để tìm cách sửa chữa thiệt hại này, một phần bởi vấn đề dường như quá lớn.
Nhưng rồi, các nhà khoa học Việt Nam và Canada đã làm việc cùng nhau để chỉ ra điểm khởi đầu - xác định những vị trí nhiễm dioxin trên khắp cả nước. Sau đó, một công ty của Mỹ đã phát triển công nghệ xử lý đất bằng cách nung đất nhiễm dioxin trong một chiếc lò hai tầng có kích thước bằng cả sân bóng đá.
Năm 2018, công nghệ này được ứng dụng để làm sạch sân bay Đà Nẵng. Ở dự án đó, lượng đất cần xử lý đủ lấp đầy 36 bể bơi chuẩn Olympic. Với sân bay Biên Hòa, lượng đất phải làm sạch nhiều gấp ba.
Trong dự án tại Biên Hòa, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thực hiện những phần việc chủ chốt - kiểm tra và loại bỏ các vật liệu nổ trên vùng đất nhiễm dioxin, phân tích nền đất để xác định dioxin, và kiểm tra để xác định đất đã thật sự sạch dioxin.
Những công ty Việt Nam - được chúng tôi hỗ trợ để tiếp tục thực hiện công việc này - cũng là những đối tác xuất sắc. Khi Covid-19 xảy ra, công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ suốt ba tháng ròng. Họ đã hy sinh rất nhiều để giữ tiến độ dự án.
Nhờ những nỗ lực anh hùng đó mà chúng tôi đã có thể bàn giao lại thửa đất đầu tiên được xử lý - sạch sẽ và an toàn. Chúng tôi sẽ tài trợ thêm 73 triệu USD để thực hiện chặng tiếp theo của dự án: thiết kế, xây dựng, và vận hành một cơ sở xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin nặng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng kể cả khi dioxin đã được làm sạch ở khu đất này, nỗi đau vẫn còn ở lại với rất nhiều gia đình có người khuyết tật nặng.
Tình yêu, tình thương, và sự kiên cường của những gia đình này thật kỳ diệu. Nhưng sự chăm sóc dành cho người thân bị khuyết tật không nên là lý do khiến họ phải sống trong nghèo đói hoặc không thể tham gia cùng cộng đồng. USAID sẽ tiếp tục nhân đôi hỗ trợ để giúp chăm sóc người khuyết tật - hỗ trợ quyền của người khuyết tật và tăng cường sự tham gia của họ vào cộng đồng.
Người lính viết bài thơ về người bạn mất tích đã qua đời năm 1970.
Tôi ước gì anh ấy được ở đây để ngắm nhìn Biên Hòa hôm nay. Công viên xanh đẹp này với thành phố sầm uất trải dài phía sau. Hẳn anh sẽ thấy khung cảnh này kỳ lạ tới mức vô thực.
Nhưng cùng nhau, hai nước đang thực sự tìm ra con đường hướng đến tương lai: không chỉ chữa lành những vết thương cũ mà còn chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế, y tế, và đầu tư cho một tương lai bền vững hơn.
Samantha Power