Ngày 2/4, Intel cho biết khoản lỗ này lớn hơn mức 5,2 tỷ USD năm 2022. Năm qua, bộ phận sản xuất chip của hãng đạt doanh thu 18,9 tỷ USD, giảm 31% so với con số 27,49 tỷ USD của năm trước đó.
CEO Intel Pat Gelsinger thừa nhận 2024 vẫn sẽ là năm khó khăn đối với công ty và dự đoán hoạt động sản xuất chip vẫn tiếp tục thua lỗ. Công ty dự kiến phải đến 2027 mới hòa vốn.
Ông Gelsinger cho hay hoạt động sản xuất chip đi lùi những năm qua vì "hàng loạt quyết định tồi tệ", trong đó có việc không sớm mua máy quang khắc siêu cực tím EUV của ASML. Máy hiện có giá hơn 150 triệu USD, đạt hiệu suất cao và tiết kiệm chi phí hơn so với những công cụ sản xuất chip mà Intel có trước đó. Gần đây, công ty đã nhập cỗ máy đầu tiên từ ASML có tên Twinscan High-NA EUV trị giá 380 triệu USD để trang bị cho nhà máy ở Mỹ.
Bên cạnh đó, một phần sai lầm của Intel đến từ việc nhận gia công chip cho đối tác và đối thủ, trong đó có TSMC. Tuy nhiên, Gelsinger nhấn mạnh công ty đang trên đường quay lại quỹ đạo. "Trong kỷ nguyên hậu EUV, sản phẩm của chúng tôi sẽ rất cạnh tranh về giá và hiệu suất để trở lại vị trí dẫn đầu. Ở thời kỳ tiền EUV, chúng tôi đã phải chịu rất nhiều về chi phí sản xuất, còn sản phẩm không có tính cạnh tranh", Gelsinger cho biết.
Intel có kế hoạch chi 100 tỷ USD để xây dựng và mở rộng nhà máy hiện có tại bốn bang của Mỹ. Công ty cũng sẽ nhận khoản tài trợ và khoản vay 19,5 tỷ USD từ chính phủ Mỹ, như một phần của Đạo luật CHIPS nhằm thúc đẩy sản xuất bán dẫn. Số tiền chủ yếu phục vụ hoạt động của hãng tại Arizona, bao gồm xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy hiện tại.
Ngày 21/2, Intel công bố mảng kinh doanh mới là Intel Foundry - chuyên gia công chip theo hệ thống để phục vụ cho kỷ nguyên AI. Mảng này thực chất được đổi tên từ Intel Foundry Service (IFS) mà hãng xây dựng từ 2021, là bộ phận chuyên nhận sản xuất chip cho đối tác bên ngoài. Động thái đẩy mạnh gia công chip được cho là nhằm đối đầu TSMC.
Bảo Lâm (theo Reuters)