![]() |
Hoa ume ở Nhật. Ảnh: google. |
Trời 6 giờ sáng mà vẫn tối đen, lạnh thật lạnh, hắn kéo cánh cửa hé mở nhìn ra ngoài. Khí lạnh ùa vào làm hắn phải ập vội cánh cửa đóng lại. Trên TV người ta đọc dự báo thời tiết Tokyo hôm nay sẽ có tuyết rơi. Hắn đổi đôi giày đi tuyết, khoác vội chiếc áo da và lầm lũi bước ra ngoài.
Thiên hạ ùn ùn kéo về phía nhà ga. Mọi người ai cũng vội vừa đi vừa chạy, sợ trễ chuyến tàu. Hắn cũng hòa mình trong dòng người đen thui vì hầu như ai cũng mặc đồ màu tối. Người Nhật không thích nổi bật trước đám đông nên ai cũng chọn áo quần màu sẫm, cả toa tàu chỉ tuyền một màu áo đen hoặc xanh xám. Mọi người chen lấn và đứng sát vào nhau đến ngộp thở, mỗi sáng chặng đường đi đến hãng như tham gia một trận chiến, phải sắp hàng phải cố giành cho mình một cho đứng đôi khi dù chỉ đứng được một chân và tay phải níu lên thanh ngang trên tàu để khỏi ngã. Nhưng thật lạ trong sự chen lấn đó mọi người vẫn giữ một sự im lặng và lịch sự đến khó tả, cả toa tàu không một tiếng động ngoại trừ đôi khi khe khẽ có tiếng tằng hắng hoặc tiếng sột soạt của áo quần.
Ra khỏi tàu hắn tất bật đi như chạy, chạy để kịp giờ và cũng để xua đi cái lạnh của tháng 1 se sắt đến tận ruột gan. Giờ này vợ và con hắn ở Việt Nam có lẽ còn đang ngủ say. Nghĩ đến gương mặt của con hắn thấy phấn chấn hẳn lên. Hắn cố gắng xua đi ngỗi nhớ nhà quay quắt, hắn là đứa sợ lạnh, sợ cô đơn, vậy mà giờ đây hắn lẻ loi ở xứ người một mình. Hắn nhớ nắng Sài Gòn, nhớ mùi Việt Nam, không hẳn cụ thể là nhớ một cái gì. Đôi khi hắn chỉ ước có thể nghe được tiếng rao quà, nghe được tiếng xe chạy, lần trước về đến Việt Nam vừa ra khỏi sân bay, hắn đứng lặng nhắm mắt lại để tận hưởng cái cảm giác "A! Việt Nam đây rồi!". Nếu ở Việt Nam giờ này ư, hắn có thể thong thả ung dung ngồi bên ly café với bạn bè hoặc ăn sáng ở một quán nhỏ bên đường, chứ đâu phải vừa đi vừa chạy với lon café bấm máy tự động trên đường đi thế này.
Ở đây hắn sống và làm việc như robot. Sáng thức dậy đến hãng trời còn tối, tối trở về nhà trời cũng đã tối, hắn không còn biết ánh nắng mặt trời là gì. Hắn chỉ mong đến ngày cuối tuần để được tự thưởng cho mình bằng cách thay vì về nhà, hắn sẽ đến một quán café bar quen thuộc của người Việt, một quán café duy nhất ở khu vực này, một quán nhỏ nhưng bước qua khung cửa hắn có thể ngửi được mùi Việt Nam, có thể nghe nhạc Việt, uống café Việt, gặp bạn bè Việt và sống những phút giây ngỡ như đang ở Việt Nam. Người Việt ở khu vực hắn ở không nhiều. Người ta ai cũng mệt nhoài sau một ngày làm việc nên chỉ liên hệ với nhau qua điện thoại. Muốn gặp người Việt, muốn uống ly café Việt hắn phải lặn lội đi cả tiếng đồng hồ, phải đổi từ tàu điện sang xe bus, vậy mà hầu như không có tuần nào hắn không đến đó.
Hôm nay thứ 7 hắn lại đến quán café quen thuộc. Vừa đẩy cửa bước vào hắn đã nghe cô tiếp viên reo lên: “A anh, lâu ngày, tưởng anh đi Việt Nam rồi chứ!”. Hắn cười cười trả lời: "Tuần rồi anh bệnh, anh bận đi làm đâu về Việt Nam được... mà sao quán hôm nay vắng thế?”. Cô bé nhoẻn miệng cười: “Người ta về Việt Nam ăn Tết cả rồi". Hắn ngớ người sững ra: “Tết Nguyên Đán rồi sao?”. Hắn chỉ biết làm từ sáng đến tối, về đến nhà lại trơ trọi một mình trong căn phòng 15 mét vuông. Hắn không biết xuân sắp về và Tết sắp đến. Cô tiếp viên tiếp lời: “Hôm nay là 23 âm lịch ông Táo chầu trời. Tuần sau anh đến đón giao thừa chung với quán em cho vui, ở nhà chi một mình buồn lắm”.
Hắn thẫn thờ nhớ lại , bây giờ ở Việt Nam có lẽ không khí Tết đã náo nức lắm rồi, hắn là người Việt 100% vậy mà khi ở đây hắn như bị bỏ rơi ra khỏi dòng sự kiện. Hắn thấy buồn và tủi thân, lầm lũi kiếm một bàn nhỏ ở góc phòng và ngồi xuống.
Quán bật nhạc xuân: "Xuân đã về, xuân đã về! Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông” chỉ một khúc hát mà hắn đã bị đổ ập với biết bao ký ức, hắn quay đi giấu vội giọt nước mắt. Những bản nhạc xuân này năm nào ba hắn cũng bật vào những ngày Tết. Ngày Tết thời thơ ấu của hắn là những chuỗi ngày đẹp tuyệt vời...
Quê hắn ở Huế, trước Tết cái thành phố nhỏ bé im lìm này đã được khuấy động. Chợ Đông Ba tấp nập, chợ hoa, hội chợ, và cả đua thuyền. Bình thường cái thành phố vắng lặng là thế giờ lại xôn xao người đi lại. Gần Tết cái sân nhà của hắn ngập tràn đồ được phơi, nào là phơi cải để làm dưa, phơi lá để làm bánh, phơi dưa món, phơi mứt, sân sau thì phơi mền chiếu, cả năm đến gần Tết cả nhà được tổng vệ sinh. Mạ của hắn như tướng quân chỉ huy ba quân dọn dẹp. Người Huế quan niệm bánh mứt nên tự làm để khoe sự khéo tay. Mạ của hắn nấu ăn rất khéo, vì thế để chuẩn bị cho một cái Tết bà cực cả tháng trời. Hắn là con trai trưởng nên gẩn Tết phải phụ với ba dọn dẹp bàn thờ, đánh bóng bộ lư đồng, tảo mộ và đôi khi phải sơn lại lớp vôi tường nhà, dọn dẹp sân vườn.
Nhà hắn có cái vườn nhỏ, trồng linh tinh đủ thứ. Mạ của hắn sáng sáng đi một vòng đem về đủ thứ lá: lá chuối để gói bánh Tét, lá dong để gói bánh chưng, cả lá gai để làm bánh ít. Cả nhà rộn rịp như hội. Ba hắn là con trai trưởng họ vì thế những người bà con ở quê hoặc đi xa tứ tán đến ngày Tết tập trung lại thật đông, cái bếp rộng như thế vẫn không đủ chỗ, mọi người ngồi ra cả hàng hiên để làm việc.
Ngày 30 Tết, cả nhà rộn rịp với mâm cơm cúng ông bà, nhà hắn là căn nhà xưa cổ nhất vùng, riêng căn nhà thờ chiếm cả một gian rộng, hắn không nhớ nổi là có bao nhiêu bàn thờ bên trong và bên ngoài, vậy mà mạ của hắn đã không để cho bát nhang nào nguội lạnh.
Theo phong tục Tết Nguyên Đán bắt đầu từ giao thừa, người Huế kiêng cữ lung tung. Hắn nhớ luôn được dặn dò kể từ giao thừa trở đi không được cãi cọ và làm điều gì phật lòng người khác, không được làm vỡ chén bát, không được quét nhà... Nhà của hắn ở gần chùa, đêm giao thừa khi tiếng chuông chùa vọng sang nhà hắn là cùng đúng lúc ông bà, cha mạ của hắn trịnh trọng mặc áo dài đứng trước bàn thờ thắp nén nhang đầu năm, lễ cúng giao thừa đưa tiễn năm cũ và đón trước năm mới ở ngoài sân, trong nhà thì cúng ông bà tổ tiên.
Sáng mùng một Tết cả nhà hồi hộp chờ đón người khách đầu tiên đến xông đất. Có gia đình chọn trước người xông đất hợp tuổi với gia chủ để mang lại điều may mắn, gia đình hắn thì chọn sự ngẫu nhiên.
Hắn còn nhớ như in cảnh ông bà của hắn ngày Tết mặc áo dài ngồi trên sập gụ miệng bỏm bẻm nhai trầu chờ con cháu đến chúc Tết và lì xì cho con cháu.
Hắn thích nhất là “tiết mục" này, cả năm chỉ có được lì xì vào những ngày Tết, kỳ nhỏ hắn đã từng ao ước giá chi một năm được mấy cái Tết để nhận được nhiều tiền lì xì.
Ông nội của hắn viết thư pháp rất đẹp, nên đầu năm ông chờ đến giờ hoàng đạo để khai bút. Ông thong thả mài mực và phóng bút trên tờ giấy trắng tinh, hắn không hiểu hết ý ông đã viết những gì, nhưng hắn thích ngồi bên cạnh ông và hồi hộp theo từng nét cọ đi trên giấy.
Bà nội và mạ của hắn thì trước Tết đã xem giờ tốt để chọn giờ và hướng xuất hành. Thường thì gia đình của hắn xuất hành đầu năm là đi đến chùa, ngôi chùa Pháp Hải nhỏ nằm ở bên cồn Hến, cách nhà hắn một cây cầu. Những người trong gia tộc của hắn khi chết đi thường được gửi cúng trong chùa, vì thế mạ của hắn thay vì nói đi chùa đã nói trại đi là đi thăm ôn mệ. Đến chùa sau khi cúng xong, thường xin bẻ nhánh lộc, đem về cắm vào bàn thờ tổ tiên là xong thủ tục hái lộc đầu năm và sau đó thì ai ưa đi đâu tùy thích.
Ngày mùng hai Tết năm nào hắn cũng cùng bạn bè đi thăm thầy cô giáo. Hắn có quen một cô giáo người Nhật, cô ấy đã có 5 năm về Việt Nam dạy học ở trường Đông Du. Cô khen nức nở người Việt Nam về chuyện học sinh lễ phép và kính trọng thầy cô. Tục lệ đầu năm đi thăm thầy cô đối với người Việt là điều bình thường nhưng đối với cách nhìn của người nước ngoài là một điều đáng quý vô cùng.
Rồi hắn lớn lên và xa Huế vào Sài gòn học. Sau đó hắn cưới vợ và sống luôn ở trong Nam. Mạ hắn buồn vì hắn không về ở cạnh bà nhưng bà chỉ yêu cầu: “làm chi thì làm, đi mô cũng được nhưng nhớ Tết đến là cố gắng về với mạ”. Hắn đã giữ đúng lời hứa, từ thời sinh viên đến khi đi làm và sau khi lấy vợ ,Tết nào vợ chồng con cái của hắn cũng đùm đề dẫn nhau về ăn Tết ở Huế.
Vậy mà giờ đây gần đến Tết, hắn chẳng hay biết gì cả. Người Nhật ăn Tết dương lịch, qua khỏi Tết dương lịch mọi việc trở lại sự vắng lặng như cũ. Không để ý đến ngày âm lịch, hắn và có lẽ một số người Việt cũng không hay biết Tết đã gần kề. Người Việt ở Nhật có ăn Tết cũng chỉ là sự hướng vọng về quê hương không rầm rộ tổ chức như những Việt kiều ở các nước.
Tối hôm đó tại quán café hắn gặp được nhóm bạn sinh viên vì bận ôn thi không về thăm nhà được và họ rủ nhau tuần sau đúng đêm giao thừa sẽ họp mặt. Hắn nhận lời hẹn và ra về. Trước khi về hắn bước sang gian hang tạp hóa gần tiệm café, nơi đây loáng thoáng một tý không khí Tết vì có bày bán ít bánh Tét và mứt món, hắn chọn mua một cặp bánh chưng, ít mứt và hạt dưa rồi lững thững xách về. Đồ sắm Tết của hắn chỉ có vậy.
Về đến nhà hắn thận trọng đặt các món mứt bánh lên bàn thờ và ngồi trầm ngâm hút thuốc, nhìn làn khói tỏa từ cây nhang phủ nhè nhẹ lên gương mặt của ba hắn trên bàn thờ. Bốn năm trước cũng khoảng vào giờ này hắn nhận được tin ba hắn mất. Ba bỏ hắn và mẹ của hắn để ra đi vào một ngày cuối năm. Huế mùa đông lạnh quá những cơn suyễn của ba đã không dứt và Tết năm đó là cái Tết buồn hiu hắt vì không có gì cả ngoài những vòng hoa tang kết bằng cườm còn lại.
Hắn nhắm mắt lại hình dung ra hình ảnh của ba hắn vào những ngày Tết. Ông diện bộ đồ trắng tinh từ áo quần đến cả mũ, mái tóc chải keo láng bóng. Ông chở hắn đi thăm bà con và hàng xóm, hắn tung tăng vui vẻ đi theo vì biết rằng sẽ được nhận tiền lì xì, được ăn ngon và cả được đánh bài với đám nhóc cùng trang lứa.
Hắn nhớ Tết đến cả nhà được đổ xăm hường, những cây xăm làm bằng gỗ mun cẩn xà cừ mỗi năm chỉ được sử dụng một lần vào những ngày Tết. Một môn chơi mà hình như ít được người biết đến, đỗ xăm hường là thú chơi tao nhã lành mạnh không có tính sát phạt, thắng bại hoàn toàn dựa vào thời vận, năm nào ai đỗ được Trạng nguyên là năm đó sẽ được nhiều may mắn.
Hắn nhấc máy và gọi về mẹ. Mạ của hắn bao giờ cũng rưng rưng nước mắt khi nghe tiếng của hắn vì thế hắn nhớ mẹ mà rất ngại gọi về. Hắn sợ thấy nước mắt mạ của hắn rơi. Bà trách hắn: “Răng con có khỏe không mà dạo ni ít gọi về cho mạ rứa hỉ”. Hắn phải phân bua vì công việc vì giờ giấc chênh lệch. Mạ của hắn nhắc: “Mai mạ gói bánh Tét, không có con nhưng mạ vẫn gói đòn bánh Tét không có thịt mỡ, nhỏ bằng cái cổ tay em bé hỉ”, cứ thế Mạ của hắn luyên thuyên kể từ chuyện nọ sang chuyện kia, nhắc hàng lọat kỷ niệm cũ. Hắn bùi ngùi khi nghe mẹ hắn nói: “Con đi rồi, vợ của con không chịu dẫn cháu ra ăn Tết với mạ. Mạ nhớ tụi bây quá. Tết chi mà vắng như cái chùa bà đanh”. Hắn thở dài không biết nói thế nào, hắn đi rồi nên không thực hiện được lời hứa với mẹ. Mạ của hắn hỏi: “Tết bên nớ có chi vui không con?”. Hắn nói dối cho mẹ yên lòng: “Dạ cũng vui lắm, năm nào mấy anh em cũng họp lại cùng nhau đón Tết, giao thừa con sẽ gọi điện thọai về mạ chúc Tết mạ hỉ”. Bà cười: “Ừ, vậy thì mạ yên tâm, nhớ giao thừa gọi về cho mạ hỉ. Bây chừ mạ chỉ chờ con gọi về là vui".
Nói chuyện với mẹ xong hắn gọi về cho vợ. Vợ hắn có lẽ đang ngủ nên giọng thoáng chút uể oải. Hắn nói chuyện với vợ mà nhìn vào hình của nàng ở trên tường. Nàng của hắn hiền và dịu dàng, hình như cho đến bây giờ qua 7 năm bên nhau hai vợ chồng hắn chưa gây gổ nhau một lần. Ngày đưa hắn đi nàng nói: "Em sẽ không cắt tóc, để dài chờ anh về”. Hắn đi đã hơn 3 năm, có lẽ tóc vợ của hắn đã dài lắm.
Hắn giật bắn mình khi nghe tiếng con hắn hét lên trong máy: "Ba về với con đi". Hắn dỗ dành: “Con ngoan, mai ba gửi quà về cho con". Con bé òa khóc: “Con muốn ba về dẫn con ra nội ăn Tết. Mẹ nói không có ba mẹ ngại ra đó, phải có ba đi cùng". Hắn nghẹn ngào lắp bắp như nói với chính mình: “Ba biết, ba biết, mai mốt ba sẽ bù đắp".
Cả đêm đó hắn thao thức nhớ nhà quá đỗi. Hắn cay cay mắt khi nghe tiếng nhạc vang lên trong góc phòng như một sự tình cờ nói lên tâm sự của hắn.
“Ở bên kia bầu trời, về đêm chắc đang lạnh dần,
và em giờ đang chìm trong giấc mơ êm đềm
Gửi mây mang vào phòng, vòng tay của anh đong đầy,
nhẹ nhàng ôm cho em im giấc ngủ ngon
Ở bên đây bầu trời, thì mưa cứ rơi hững hờ,
để tim anh cồn cào và da diết trong nỗi nhớ... dường như anh nhớ về em"
Hắn đến Nhật lao động dưới danh nghĩa tu nghiệp sinh. Lẽ ra thời hạn đã hết hắn đã phải quay về nhưng ông chủ hãng thấy hắn cần cù khéo léo, hắn có một vài sáng kiến tiết kiệm (vốn là sở trường của dân Việt Nam ) nên đã gia hạn visa giữ hắn lại.
Giờ đây hắn muốn về Việt Nam thăm nhà dù chỉ vài ngày, tưởng tượng cảnh về bất ngờ không báo cho ai hay cả có lẽ sẽ vui lắm. Hắn thấy sung sướng y như đang được như thế, vậy là hắn thao thức nôn nao cả đêm không ngủ.
Sáng hôm sau hắn đến hãng sớm tìm gặp người quản đốc và xin phép được về Việt Nam vài ngày. Ông ta nhăn nhó từ chối ngay: “Hàng về nhiều quá không kịp giao hàng, không thể về được, không thể giải quyết được yên cầu của anh".
Hắn buồn bã bỏ ra ngoài hút thuốc. Người bạn già Việt Nam duy nhất trong hãng đến gần hắn an ủi: “Thôi mà ráng đi, Tết của mình đâu phải Tết của người ta mà họ thông cảm. Dân Nhật công việc là trên hết mà. Chú ở đây có buồn sang nhà tui ăn Tết chung đi, bà xã tui có làm dưa cải chua và gói bánh, để tui cho chú một ít”.
Mấy ngày sau đó trôi qua trong tâm trạng thật buồn.
Hắn gói gém tình thương của hắn qua những món quà nhờ người quen cầm hộ về cho gia đình. Mạ của hắn sau khi nhận quà của hắn đã gọi điện thọai qua: “ Con gửi về chi cho mạ nhiều rứa, để mà xài và cho vợ và con của con. Mạ già rồi có tiêu pha chi mô. Chao ơi , răng mà năm ni Huế mình lạnh vô hậu. Tội nghiệp mình có mái nhà ấm áp, mấy người nghèo không biết họ sống mần răng hè. Mạ lấy ít tiền của con cho mua ít đồ lạnh đem cho mấy đứa nhỏ bên Cô nhi viện của chùa con hỉ". Rứa đó! Mạ của hắn cả đời tằn tiện và sống chỉ để lo cho người khác.
Mấy ngày gần Tết hắn siêng gọi điện về Việt Nam cho vợ của hắn. Hắn sợ nàng tủi thân vì ngày Tết nhà ai cũng đông đủ còn hắn về không được mấy mẹ con nàng sẽ buồn. Hắn dốc hết tiền gửi về cho vợ con của hắn có được một cái Tết đầy đủ. Hắn hình dung ra từng chuyện từng chuyện trong nhà đã mua sắm chuẩn bị cái gì theo lời kể của vợ và con mà sung sướng y như hắn cũng được cùng cả nhà đón Tết.
Trời tháng một lạnh quá, vậy mà trong cái lạnh đó hoa Ume vẫn nở (một loài hoa mà người Việt mình lại gọi là Hoa Đào. Hoa Anh Đào thật sự - người Nhật gọi là hoa Sakura - lại là một loài hoa khác cây lớn hơn và nở rộ vào tháng 4). Hắn xin được một cành Ume đem về cắm trong phòng. Hắn tự làm thiệp chúc Tết treo lủng lẳng ở cành hoa, chỉ có vậy mà căn phòng của hắn cũng thấy ấm lên. Mỗi một ngày trôi qua càng cận Tết hơn hắn càng thấy nhớ nhà hơn và nôn nao như là đang được ở Việt Nam.
Đêm giao thừa hắn chạy ra Phố Tàu ở Sakuragicho. Không khí ở đây có vẻ hơi Tết một chút, nhưng vẫn mang hơi hướm của Tết Trung Hoa hơn là Tết Việt. Hắn vào ngôi chùa thắp nhang nguyện cầu cho người thân, đi dạo vài con đường nhìn ngắm người qua lại đông vui và nhớ đến lời hẹn với bạn hắn quay về quán Café quen thuộc.
Mọi người đến quán khá đông, ai cũng mặc đồ đẹp hơn mọi khi, trang trí cũng mang vẻ Tết, nhạc xuân xập xình. Hắn thấy vui hẳn lên, cùng mọi người lăng xăng chuẩn bị cúng Giao thừa, ai cũng tranh nhau kể chuyện Tết Việt, hắn vui lây với không khí sôi động ở quán.
Đêm đó hắn uống thật nhiều. Lâu lắm rồi hắn mới gặp bạn bè đông vui như thế, mọi người hát múa nhảy nhót ca hát chờ đến giờ giao thừa của Việt Nam. Hắn cũng hòa vào đám đông vui đùa. Hắn nói hắn cười nhiều hơn mọi khi, không khí rộn rã chờ đến giờ giao thừa, hắn giật mình vì tiếng người bạn hét bên tai: Đài NHK có chương trình thời sự nói về tết Việt, mở TV xem mau lên. Mọi người xúm lại, cả đám người lặng đi khi thấy trên màn hình hiện lên những gian hàng Tết, chợ hoa, tục lệ múa lân, đua thuyền, màn hình rực sáng với những con đường ngợp ánh đèn hoa. Việt Nam bây giờ ăn Tết lớn và rộn ràng quá tấp nập quá, phóng viên đài truyền hình phỏng vấn những người đi mua sắm tại chợ hoa.
Ô kìa, hắn dụi mắt chẳng lẽ hắn nhầm, vợ của hắn kìa, nàng vô tình bị quay vào ống kính mà không hay biết. Vợ hắn buột tóc cao và mặc chiếc áo hắn mua tặng hôm sinh nhật của nàng.
Nàng kìa, nàng mua chậu Kim Quất và khệ nệ bưng ra xe. Đúng đúng nàng rồi, hắn muốn reo lên, muốn chỉ cho mọi người thấy vợ của hắn mà giọng hắn khản đặc, hắn thốt không nên lời mắt cứ dán vào nàng. Nhưng rồi hắn choáng váng khi thấy có người đàn ông lạ đến đỡ chậu hoa trên tay nàng, họ nói cười với nhau gì đó, rồi người đàn ông đó hôn lên má nàng và nàng ngồi sau xe ôm eo tình tứ và họ đi khuất dạng. Hắn ngối thụp xuống sàn nhà và bật khóc nức nở như đứa trẻ, mọi người quay lại nhìn hắn ái ngại, và xúm lại an ủi. Hắn chẳng nghe gì cả, hắn thấy tối sầm trước mắt, hắn lảo đảo bước ra khỏi cửa mặc kệ sau lưng có tiếng kêu réo của bạn bè.
Hắn chạy điên cuồng, đất trời như sụp đổ, trời lạnh buốt nhưng lòng hắn lạnh hơn bao giờ hết. Tết của hắn là đây, đêm giao thừa của hắn là đây. Hắn đánh đổi những tháng ngày cày như trâu ở xứ người cho ai đây: cho vợ, cho con của hắn hay cho cả người đàn ông xa lạ kia sao???
Tống Kim Giao
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xin mời xem thể lệ tại đây.