Ananda Putra Fajar là một trong những người đầu tiên thử nghiệm hệ thống xe buýt nhanh khi nó vừa ra mắt ở thủ đô Jakarta năm 2004. Thủ đô Indonesia khi đó nổi tiếng là nơi thường xuyên ách tắc và ô nhiễm không khí.
Để tìm kiếm giải pháp, từ năm 2004, Jakarta bắt đầu phát triển hệ thống Xe buýt nhanh (BRT) có tên gọi TransJakarta, mạng lưới xe buýt chạy trên làn đường riêng dài 12 km. 19 năm sau, Fajar ngày càng phụ thuộc vào BRT để đi làm.
TransJakarta giờ đây đã phát triển thành hệ thống BRT lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài 251 km, chuyên chở một triệu hành khách mỗi ngày ở thành phố 11 triệu dân.
"Tôi cảm thấy rất thoải mái khi đi lại bằng TransJakarta", Fajar, 29 tuổi, nhân viên tuyển dụng làm việc ở khu vực trung tâm tài chính kinh tế của Jakarta, nói. "Không cần sử dụng phương tiện cá nhân nữa".
Giá vé BRT là 3.500 rupiah (0,23 USD) một lượt và được giữ nguyên suốt 19 năm qua nhờ trợ cấp của chính phủ. Hệ thống trung chuyển gồm hàng trăm xe buýt nhỏ và ôtô giúp mạng lưới BRT tiếp cận 88% khu dân cư và các đô thị vệ tinh rộng lớn của Jakarta.
Mạng lưới BRT này hiện có 240 tuyến hoạt động khắp thành phố, so với 22 tuyến 10 năm trước. Số lượng xe buýt cũng tăng gấp 4 lần, lên 4.642 xe.
Khi hệ thống BRT được mở rộng, số lượt hành khách tăng lên, từ 100 triệu năm 2013 lên hơn 264 triệu năm 2019. Mutia Zakia, khách hàng thường xuyên đi lại bằng BRT, cho biết cô đã từ bỏ mọi hình thức di chuyển khác.
"Tôi đã bỏ xe máy và hoàn toàn tin tưởng vào TransJakarta vì có nhiều tuyến đường để lựa chọn", Zakianois. "Chi phí rẻ hơn, không ách tắc vì BRT có làn đường riêng".
"Khi có 40 hành khách trên xe buýt, nghĩa là ngoài đường giảm đi 40 phương tiện cá nhân, đồng nghĩa giảm phát thải carbon. Với những tiến bộ trong tương lai, như sử dụng xe buýt điện, lượng khí thải sẽ được giảm nhiều hơn", Gonggomtua Eskanto Sitanggang, quyền giám đốc Viện Chính sách Phát triển Giao thông (ITDP) Indonesia, cơ quan đang hỗ trợ TransJakarta, cho hay.
Tuy nhiên, phương tiện cá nhân ở Jakarta cũng đang tăng nhanh, với 16,1 triệu xe máy và 4,1 triệu ôtô, theo báo cáo của Sáng kiến Phát triển Khả năng Phục hồi và Hòa bình xanh 2022. Lượng phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải của Jakarta ước tính hơn 22,8 triệu tấn năm 2020, trong đó 15,8 triệu tấn từ phương tiện cơ giới cá nhân.
Thành phố đang hy vọng BRT giúp đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và muốn chuyển đổi nhanh chóng sang hệ thống xe buýt điện, với mục tiêu đạt 100% xe buýt điện vào năm 2030.
"Chúng tôi đang vận hành 74 xe buýt điện và số liệu 18 tháng qua cho thấy xe buýt điện phát huy tác dụng giảm ô nhiễm, giảm chi phí vận hành và bảo trì", Daud Joseph, giám đốc vận hành và an toàn của TransJakarta, nói.
Tuy nhiên, chi phí chuyển đổi đang là vấn đề gây e ngại. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, hệ thống sẽ cần 10.000 xe buýt. Gonggom cho rằng TransJakarta cần tìm hiểu các mô hình kinh doanh khác, khuyến khích tư nhân tham gia để đẩy nhanh kế hoạch.
Một số ý kiến đề xuất chính phủ Indonesia phân bổ lại các khoản hỗ trợ cho xe điện tư nhân thành hỗ trợ giao thông công cộng để giảm ách tắc giao thông và giảm phát thải khí nhà kính.
"TransJakarta không thể vận hành một mình. Cần có chính sách thúc đẩy từ phía chính phủ để khuyến khích người dân không sử dụng phương tiện cá nhân", ông nói.
Joseph hy vọng sẽ có thêm quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất xe buýt điện để giảm giá thành, đồng thời thừa nhận chính phủ nên cân nhắc ban hành thêm nhiều chính sách ưu đãi với xe buýt điện, ngoài chính sách ưu đãi thuế khi mua xe.
"Chuyển sang sử dụng xe điện cá nhân có thể giảm ô nhiễm không khí nhưng không giảm ách tắc giao thông. Chỉ có sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới giải quyết được cả hai vấn đề", ông nói.
Sự tăng trưởng của TransJakarta cho thấy hệ thống giao thông công cộng hữu ích có thể đem lại lợi ích cho mọi người.
"TransJakarta đã xây dựng được lượng người dùng lớn, trung thành vì nhiều người không còn lựa chọn nào hợp lý hơn. Xe buýt dành cho tất cả mọi người bất kể giàu nghèo", Fani Rachmita, chuyên gia của ITDP, nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)