Các nhà nghiên cứu từ đại học Monash, RMIT và Swinburne của Australia đã sử dụng một thiết bị quang học mới, gọi là micro-comb, để tăng tốc mạng.
Micro-comb là chip được thiết kế rất nhỏ (5 x 9 mm) và nhẹ, nhưng có thể thay thế chùm 80 laser tiêu chuẩn được sử dụng trong thiết bị viễn thông hiện đại. Theo các nhà khoa học, chip này sẽ làm nhiệm vụ phân chia tín hiệu quang thành nhiều phần để cung cấp tốc độ nhanh hơn.
Chip mới đã được nhóm nghiên cứu gắn vào hệ thống cáp quang có chiều dài 76,6 km nối giữa cơ sở của Đại học RMIT ở thành phố Melbourne với cơ sở ở Clayton của Đại học Monash, sau đó gửi dữ liệu tối đa lên mỗi kênh. Kết quả, tốc độ truyền tải mạng đo được đạt 44,2 Tb/giây, phá kỷ lục trước đó là 26,2 Tb/giây.
Với tốc độ này, 1.000 bộ phim có độ phân giải HD (mỗi bộ có dung lượng trung bình 4 GB) có thể được tải về trong khoảng một giây.
Theo số liệu của Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tốc độ Internet trung bình của Việt Nam cho mạng di động là 39,44 Mb/giây và mạng cố định là 61,60 Mb/giây. Theo đó, tốc độ Internet mà nhóm nhà khoa học Australia vừa thử nghiệm gấp khoảng một triệu lần tốc độ Internet Việt Nam.
"Điểm đặc biệt của công nghệ mới là tính tương thích, khi nó có thể được gắn lên hệ thống cáp quang hiện nay, cho phép nâng cấp tốc độ Internet mà không cần phải đại tu", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. "Mục tiêu của chúng tôi trong tương lai là tạo ra thiết bị nhằm tăng tốc các hệ thống Internet hiện tại từ hàng trăm Gigabyte mỗi giây lên hàng chục Terabyte mỗi giây mà không tăng kích thước, trọng lượng hoặc đâu tư thêm chi phí", người này nói.
Người dùng thông thường sẽ không cần dùng tới tốc độ 44,23 Tb/giây. Tốc độ này sẽ hữu ích cho doanh nghiệp, cũng như phục vụ các hệ thống như IoT, điện toán đám mây, xe tự lái, AI, thương mại điện tử... và nhiều công nghệ khác trong tương lai.
Bảo Lâm (theo Techradar)