Người đón tiếp của trung tâm mai mối cho biết rất sốc khi thấy 20 quyển sổ đỏ lần lượt được bày lên bàn. "Ông ấy nói rằng không có ý khoe khoang, chỉ muốn chứng minh gia đình có điều kiện, giọng nói rất thành ý", ông Trịnh, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc mai mối chia sẻ.
Theo vị này, gia đình ông Vương điều kiện kinh tế tốt, con trai 24 tuổi có việc làm ổn định, ngoại hình không quá tệ nhưng tính khí nhút nhát. Bởi vậy ông bố thay con tìm đến công ty mai mối, mong tìm bạn gái cho cậu con trai duy nhất.
Trước vẻ mặt nghi hoặc của người tư vấn, ông Vương khẳng định, 20 quyển sổ đỏ hoàn toàn hợp pháp. "Nếu ông không tin, có thể đi kiểm tra lại. Nếu sai, tôi chịu trước pháp luật", ông Vương khẳng định. Người đàn ông này cũng nói rằng, một khi con trai lấy được vợ, tất cả hai mươi khu đất đó đều thuộc về vợ chồng cậu.
Cả hai sau đó đã trao đổi thông tin cho nhau. Ông Trịnh hứa sẽ nhanh chóng giới thiệu những đối tượng phù hợp cho con trai ông Vương.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc mai mối, ông Trịnh cho rằng, việc khoe kinh tế của nhà trai xuất phát từ trào lưu thách cưới gần đây tại Trung Quốc. Nhiều năm qua, yêu cầu của các cô gái với đối tượng tìm hiểu là phải có nhà, có xe, công việc ổn định, sính lễ thường là 160.000 tệ (hơn 570 triệu đồng), cao hơn nữa có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi kèm theo nhẫn, vòng vàng.
"Nếu chàng trai có đông anh chị em, chắc chắn việc kiếm vợ không đơn giản. Nhưng nếu là con một, có ngoại hình ưa nhìn và kinh tế khá giả thì việc kiếm vợ dễ dàng hơn nhiều", bà Giang, một người làm nghề mai mối tại thị trấn Phi Châu, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, đồng nghiệp của ông Trịnh cho biết.
Thách cưới bằng tiền, nhà và các hàng hóa khác trả cho bố mẹ cô dâu là một phần trong thủ tục hôn lễ ở hầu hết các địa phương tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các chi phí này ngày càng cao khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học lớn nhất trong lịch sử.
Theo Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2020, số lượng nam giới ở nước này nhiều hơn nữ giới 34,9 triệu, tương đương tỷ lệ 105,07 nam trên 100 nữ. Mức độ chênh lệch cao hơn trong nhóm người ở độ tuổi kết hôn, từ 20 đến 40, với tỷ lệ 108,9 nam trên 100 nữ, nghĩa là nam nhiều hơn nữ 17,52 triệu.
Vấn đề hôn nhân càng trở nên khó khăn hơn ở các vùng nông thôn, nơi phong tục thách cưới còn nặng nề. Ngày nay, chuyện nhà trai tặng nhà, ôtô cho nhà gái rất phổ biến.
Theo khảo sát được chính phủ Trung Quốc thực hiện mùa hè năm 2020 tại vùng nông thôn của ít nhất 7 tỉnh thành, đàn ông ở đây có thể phải chi tới 2 triệu nhân dân tệ (6,9 tỷ đồng) để lấy vợ. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân nông thôn là 17.000 nhân dân tệ một năm (58,5 triệu đồng).
Vy Trang (Theo qq)