Trang bị và chiến lược lỗi thời, bom và tên lửa "kém thông minh", hải quân thì "luôn bị động và không sẵn sàng chiến đấu" là những nhận xét của các lãnh đạo quân sự phương Tây suốt nhiều thập kỷ về sức mạnh quân sự của Nga. Vậy nên, những gì đã và đang diễn ra ở Syria hay Ukraine khiến họ cảm thấy sốc, theo Independent.
Số lần xuất kích một ngày của các chiến đấu cơ Nga ở Syria thậm chí còn nhiều hơn số lượt ném bom mà máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện trong một tháng.
Hải quân Nga đã phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian, vượt khoảng cách hơn 1.400 km nhắm chính xác vào các mục tiêu khủng bố, cũng như duy trì những tuyến tiếp viện bằng đường biển liên tục tới Syria.
Loạt hệ thống phòng không Nga thiết lập ở Syria và đông Ukraine biến những nơi này thành các "vùng cấm bay" khiến phương Tây khó có thể đơn phương triển khai các hoạt động quân sự.
Trung tướng Ben Hodges, tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, cho rằng những tiến bộ trong tác chiến điện tử của Nga ở Syria và Ukraine là "không thể tin nổi".
Trung tướng Frank Gorenc, giám đốc phụ trách hoạt động của không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, từng tiết lộ Moscow đang triển khai các hệ thống phòng không ở Crimea và tỉnh Kaliningrad, vùng lãnh thổ nằm giữa Litva và Ba Lan. Theo ông, Nga hiện bố trí phòng thủ theo hướng khiến chiến đấu cơ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn tiếp cận các khu vực trên đất Ba Lan.
Không chỉ các nước thành viên NATO thấy bất an với Nga, Israel cũng giám sát chặt chẽ việc Nga tăng cường triển khai khí tài quân sự dọc biên giới phía bắc giáp Syria, nhà phân tích quốc phòng Kim Sengupta nhận định. Nước này lo sợ các khí tài hiện đại mà Nga bố trí ở Trung Đông sẽ làm suy yếu ưu thế trên không của Israel trước các quốc gia láng giềng.
Giới chuyên gia đánh giá sự tăng cường hiện diện quân sự này là nền móng cho những thành công về mặt chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hành động can thiệp quân sự ở Syria là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Cục diện tại khu vực hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những quyết sách của lãnh đạo nước Nga.
Mặt khác, Tổng thống Putin đã khiến phương Tây nhận ra "những vũ khí hiện đại của Nga là có thật, chúng mang uy lực mạnh mẽ và nước Nga có những quân nhân được đào tạo bài bản để sử dụng chúng hiệu quả. Phương Tây giờ đây hiểu rằng nước Nga luôn sẵn sàng dùng những vũ khí này để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân", một chuyên gia phân tích hàng đầu thuộc lực lượng tình báo quân đội Israel cuối tuần trước cho hay.
Nga một ngày tiến hành tới 96 cuộc không kích ở Syria, bằng số lần không kích mà liên quân do Mỹ dẫn đầu triển khai trong một tháng. Các quan chức quân sự phương Tây cáo buộc Nga lợi dụng chiến dịch tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) để nhắm vào các lực lượng nổi dậy và dùng bom không thông minh gây thương vong lớn cho dân thường.
Song, Nga chưa bao giờ cam kết rằng chỉ tấn công một mình IS. Thay vào đó, Moscow tuyên bố "tất cả các phần tử khủng bố" đều là mục tiêu của họ.
Bên cạnh đó, các chiến đấu cơ, tên lửa và bom mà Nga sử dụng ở giai đoạn đầu của chiến dịch thực chất được kết hợp giữa cả loại cũ có từ thời Liên Xô cùng những mẫu tương đối mới.
Nga có khoảng 38 chiến đấu cơ ở Latakia, gồm 12 chiếc Su-25, 4 tiêm kích bom Su-30SM, 12 chiếc Su-24M2 cũ, 6 chiếc Su-34 và 4 chiếc Su-35S mới triển khai. Moscow còn điều tới đây hàng loạt trực thăng và máy bay không người lái với số lượng chưa xác định.
Điện Kremlin cũng tăng cường triển khai các hệ thống phòng không đến Syria từ sau sự cố chiến đấu cơ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24/11, trong đó, S-400 Triumph là hệ thống phòng không thu hút nhiều sự chú ý hơn cả.
Hệ thống này trang bị một radar mảng pha liên tục giám sát bầu trời và một tổ hợp tên lửa có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách 400 km. Đặt tại căn cứ Latakia, S-400 có thể khống chế một nửa không phận Israel, khiến Tel Aviv không khỏi cảm thấy bất an.
Việc Nga triển khai các thiết bị tác chiến điện tử, ví dụ như hệ thống Krasukha-4 giúp gây nhiễu hệ thống cảnh báo sớm (AWACS), ở Ukraine và Syria cũng khiến NATO bất ngờ. Ông Ronald Pontius, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Mạng Mỹ thừa nhận nước này "chưa phát triển đủ nhanh để ứng phó với mối đe dọa này".
Tướng Gorenc dù than phiền về sự tăng cường hiện diện của Nga ở Syria cũng phải thừa nhận Moscow không hề vi phạm bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào và "có lợi ích chính đáng" khi triển khai các hệ thống này.
Theo ông, người Nga đang "sử dụng tên lửa hành trình và oanh tạc cơ nhằm phô diễn sức mạnh để từ đó thiết lập ảnh hưởng, không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn thế giới".
Duy Sơn