Rất nhiều loại màn hình LCD cũ trên thị trường bị lỗi bầm Ảnh: H.T. |
Nhiều người chuyên thu mua LCD cho biết màn hình bị vết bầm không thể sửa được bởi cấu trúc phức tạp của nó. Tuy nhiên, một số thợ lành nghề lại có thể chữa được "bệnh" này. Anh Bùi Thái Hưng, nhân viên tại một cửa hàng laptop đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, cho biết: "Kỹ thuật chuyên môn về cách khắc phục được giới thợ giấu rất kỹ. Chỉ có thể biết sơ bộ rằng, màn hình LCD có nhiều lớp. Thợ kiểm tra xem chỗ bị lỗi thuộc phần nào và lột nó ra để thay bằng một lớp khác".
Hiện nay, không có nhiều nơi có thể phục hồi LCD bị hiện tượng này. Tại TP HCM chỉ có một địa điểm là công ty Nghĩa Thăng ở quận 1. Một số cửa hàng khác nhận sửa nhưng cũng phải đem hàng về điểm này.
Anh Hưng còn cho biết, thợ chỉ nhận sửa lỗi bầm đối với LCD của laptop, còn với màn hình tương tự dành cho PC để bàn thì họ không làm, vì giá trị không cao.
Giá tiền cho mỗi lần sửa tùy thuộc vào model của chiếc máy tính xách tay. Nếu đời máy càng cao thì tiền công cũng tăng theo nhưng thường không quá 40 USD. Người tiêu dùng được bảo hành từ 1 - 3 tháng sau khi phục hồi như cũ.
Theo anh Nguyễn Thanh Hiếu, kỹ thuật viên tại cửa hàng máy tính đường Gia Phú, quận 6, TP HCM, nguyên nhân gây ra các vết bầm trên màn hình LCD là do trong quá trình vận chuyển, mặt trước bị tác động lực trực tiếp trong một khoảng thời gian nhất định khiến cấu trúc tinh thể lỏng của nó bị biến dạng. Những vết này không có hiện tượng lan ra xung quanh và cấu trúc trên vẫn có thể trở lại gần như cũ sau một thời gian sử dụng.
Để phòng tránh vết bầm, các chuyên gia khuyên không nên cho tay hay vật cứng tác động trực tiếp vào màn hình. Một số diễn đàn thì đưa ra phương thức chữa bằng các dùng khăn đệm thật dày, dùng ngón tay hoặc dùng cả đầu bút ấn mạnh vào chỗ bị lỗi. Song, nhiều kỹ thuật viên nhận định: Cách làm như vậy có khả năng làm tổn hại màn hình nhiều hơn. Về nguyên tắc thì không thể sửa như vậy được. Trường hợp hi hữu thành công chỉ xảy ra đối với những vết nằm ở mép.
Trên LCD còn có một dạng lỗi khác rất dễ nhầm lẫn với vết bầm là điểm chết. Điểm này có kích thước rất nhỏ chỉ bằng khoảng hạt cát, thường có các màu trắng, đen hoặc tím. Đây là hiện tượng bắt nguồn từ khâu sản xuất và hoàn toàn không thể sửa được. Dân chuyên đều cho rằng một màn hình đạt chuẩn chỉ nên có không quá 3 điểm chết.
Huy Trường