Khu chợ Nhật Tảo TP HCM là nơi tập trung rất nhiều LCD second hand và những tay thợ chuyên 'tút' loại màn hình này. Ảnh: H.T. |
"Các thiết bị này thường được nhập từ Trung Quốc hoặc Đài Loan, với các sản phẩm tên tuổi như Dell, IBM, Toshiba, Hitachi, NEC, Gateway, Fujitsu, Sharp... Mỗi đợt về khoảng 2.000 cái. Phần lớn là hàng sản xuất trong khoảng các năm 1995 - 2001", anh Nguyễn Văn Hiếu, kỹ thuật viên ở quận 6, TP HCM, chuyên mua lại mặt hàng này cho biết. 70% trong số đó là "hàng sống". Phần còn lại bị lỗi. Nhiều chiếc bị hỏng bo mạch, có cái bị lỗi điểm chết, bầm màn hình hoặc bộ phận cấp nguồn bị chết.
Theo anh Hiếu, sau khi mua về, dân chuyên làm LCD sẽ sửa lại các lỗi trên và có thể bán ra thị trường với giá bằng khoảng 50% giá mua mới. Màn LCD cũ nhập về VN với giá khoảng 10-15 USD một chiếc. Qua công đoạn sửa chữa giá của nó có thể được đẩy lên 70-90 USD đối với loại 15 inch và 90-120 USD cho loại màn hình 17 inch. Trong số đó, chiếm đa phần là các thương hiệu Hitachi, Prius, Fujitsu với giá mềm hơn, khoảng 60-75 USD (15 inch) và 75-90 USD (17 inch).
Một số loại có số lượng ít hơn và giá cũng cao hơn như Dell, IBM, NEC, Gateway hay Toshiba... Chúng có giá lần lượt cho loại 15 và 17 inch là 80-90 USD và 90-110 USD. Nhóm này thường được bán với thời hạn bảo hành 1-3 tháng.
Theo chia sẻ của anh Bùi Phước Hưng, một người chuyên mua bán màn hình LCD, thì những loại giá thấp thường có chất lượng không bền. Trung bình một chiếc như thế thường hoạt động lâu nhất cũng chỉ 3 tháng là sẽ có vấn đề. Những lỗi phát sinh chỉ tốn 50 nghìn cho một lần sửa nhưng nhiều lần như thế cũng làm người tiêu dùng khó chịu.
Một số model màn hình của Dell, IBM, Toshiba, Gateway hay NEC giá cao hơn nhưng chất lượng cũng tỷ lệ thuận. Thời gian sử dụng ổn định có thể lên đến 1-3 năm.
Trên thị trường cũng có rất nhiều LCD bị lỗi nhẹ như bầm hay điểm chết. Loại này thường có giá rẻ hơn khoảng 10-40 so với hàng không bị lỗi. Nếu cần một chiếc LCD loại cũ tầm giá thấp nhưng chất lượng cũng tương đối thì người tiêu dùng có thể chọn mua nhóm này. Anh Nguyễn Văn Hưng, công ty máy tính Thiên Thảo (quận 3, TP HCM), cho biết: "Các lỗi như vậy là do nhà sản xuất. Tuy nhiên, phải dùng thủ thuật mới có thể thấy được chúng, chẳng hạn một số vết bầm hay nhiều điểm chết phải để ở màn hình màu trắng hoặc đen mới hiện rõ". Anh Hưng còn cho hay, có những vết bầm nhẹ sau một thời gian sử dụng bỗng mất đi và màn hình bỗng trở thành một chiếc LCD bình thường.
Huy Trường