Pep Guardiola, trong mắt người hâm mộ bóng đá, dường như không bao giờ chịu đứng yên. Không phải lúc nào ông cũng kiểm soát được hành động của bản thân. Ngoài đường biên, ông đi đi lại lại, hô vang chỉ đạo cầu thủ, hò hét vào trọng tài với mỗi quyết định bất lợi và phấn khích sau từng bàn thắng. Nhưng khi gặp Mansour Al Nahyan - Hoàng tử UAE kiêm chủ tịch Abu Dhabi United Group (ADUG), Guardiola như hóa người khác.
"All or Nothing" là phim tài liệu xoay quanh Man City, mà đoàn làm phim đồng hành cùng đội bóng suốt một năm. Trong phim, Guardiola lịch sự đến độ ngượng ngùng, mỗi khi phải nói chuyện với ông chủ. Người xem thậm chí không nghe rõ họ nói gì với nhau. Chỉ biết cả hai vẫn mỉm cười.
Bộ phim do Amazon sản xuất, có cảnh quay chuyến đi của Man City tới Abu Dhabi. Phân đoạn này như để quảng bá cho du lịch UAE. Ở đó, các cầu thủ đều mặc đồng phục, các diễn viên người Anh làm việc trong phòng giặt là, còn Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak luôn ăn vận như quý ông. Khaldoon cười tự nhiên và đứng bệ vệ cạnh Noel Gallagher - một nghệ sĩ Anh cuồng Man City. Khaldoon chính là cánh tay phải của Mansour, trong việc giúp Abu Dhabi bành trướng sang châu Âu.
Tháng 8/2010, hai năm sau khi mua lại Man City, Mansour lần đầu đến sân Etihad dự khán. Ông cười lớn và vẫy tay trước đám đông, còn cấp dưới tỏ ra căng thẳng. Ngay cả Khaldoon cũng vậy. Căng thẳng biến mất khi Man City hạ Liverpool 3-0. Màn ghé thăm của Mansour coi như thành công. Và đó là lần duy nhất ông dự khán trận đấu của Man City.
Không có gì lạ khi Mansour không can thiệp vào công tác quản lý Man City. Ngay cả Khaldoon cũng không bám sát các chi tiết tài chính, hay chiến thuật bóng đá. Ở Abu Dhabi, Khaldoon quản lý công ty đầu tư Mubadala và cơ quan tư vấn điều hành EAA. Mubadala là doanh nghiệp nhà nước UAE, chuyên đầu tư ra nước ngoài hàng tỷ USD tiền từ dầu mỏ. Còn EAA là cánh tay phải của chính phủ UAE, chỉ đạo chiến lược quan hệ quốc tế. Hai công ty này giải thích lý do vì sao Mansour đầu tư vào Man City.
"Man City được xem là chiến lược Quyền lực mềm của Abu Dhabi", giáo sư chính trị Trung Đông Christopher Davidson nói. Quyền lực mềm đạt được bằng cách thay đổi hệ thống giá trị của người khác, để thay đổi suy nghĩ của họ. Với gia tộc Al Nahyan, bóng đá Anh là phương tiện để quảng bá Abu Dhabi, và cải thiện mối quan hệ giữa UAE và phương Tây.
Mansour là em cùng cha khác mẹ của thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan (MbZ). MbZ được coi là người đứng đầu UAE hiện tại, khi Tổng thống Khalifa bin Zayed Al Nahyan gặp vấn đề sức khỏe từ năm 2014. Gia tộc Al Nahyan đều không can thiệp hoạt động quản lý Man City, mà họ giao cho cấp dưới. Khi Mansour mua lại Man City, MbZ cử Simon Pearce đến làm một trong những giám đốc. Theo điều tra của tờ Der Spiegel (Đức), Pearce là chuyên viên PR của MbZ, chịu trách nhiệm thực hiện những hợp đồng tài trợ ma cho Man City. Ông đại diện cho Abu Dhabi khi thương thảo, nhưng vẫn cần Khaldoon thông qua các quyết định. "OK, triển đi", đôi khi Khaldoon chỉ cần nhắn vậy.
Pearce và các giám đốc Man City vẽ ra đủ cách thức thao túng hợp đồng, đối phó với luật Công bằng Tài chính. Các hoạt động bí mật của họ đều được đặt tên kiểu mật mã. Họ sẵn sàng giải quyết vấn đề đối ngoại bằng các thỏa thuận ngầm.
Việc bổ nhiệm Guardiola cũng là bước đi ngầm. Hợp đồng giữa Man City và Guardiola được ký vào ngày 10/10/2015. Chiến lược gia Tây Ban Nha kiếm 13,5 triệu bảng (17,6 triệu USD) trong năm đầu tiên, tăng lên 16,75 triệu bảng trong những năm tiếp theo. Điểm bất thường không nằm ở lương thưởng, mà ở thời điểm ký. Khi đó, Guardiola bước vào mùa giải mới được hai tháng, trên cương vị HLV Bayern Munich.
Vài tuần sau, một phóng viên tờ Sunday Mirror viết rằng Giám đốc bóng đá của Man City - Txiki Begiristain - gặp Guardiola ở Barcelona. Anh tung tin: "Begiristain và Guardiola đang thương thảo hợp đồng". Tin này dĩ nhiên viết sai. Hợp đồng đã được ký rồi.
Người phát ngôn Man City - Simon Heggie - lập tức viết email cho các lãnh đạo: "Tôi đã gọi và yêu cầu phóng viên gỡ bài rồi". Lát sau, Heggie nói tin bài đã bị gỡ. "Tôi sẽ đính chính lại với các báo khác nữa", anh ta thông tin thêm. Điều này giúp Man City kiểm soát được thời gian công bố hợp đồng - tháng 2/2016.
Kiểm soát là tôn chỉ của Man City. Họ kiểm soát trên sân bóng, lẫn truyền thông. Các lãnh đạo hiểu rằng đội bóng và các ông chủ Abu Dhabi luôn bị dư luận hoài nghi. Với đội ngũ PR chuyên nghiệp, Man City ngăn chặn nhiều thông tin bất lợi nhắm vào họ. Báo chí Anh - đất nước tự nhận là nguồn cội của luật pháp và dân chủ hiện đại - nhan nhản tin bài ca ngợi các ông chủ Abu Dhabi. Nhưng tại UAE, người ngoại tình bị tử hình, còn hôn nhau nơi công cộng sẽ phải vào tù.
Để kiểm soát thông tin, các chuyên viên truyền thông Man City đánh giá rủi ro tiềm ẩn trên mọi đường đi nước bước. Họ chọn lọc đối tác, và khi cần, đánh giá xem giá trị hợp đồng có đủ lớn để mạo hiểm.
Đầu năm 2014, các lãnh đạo Man City họp bàn ký hợp đồng với công ty xây dựng Arabtec, có trụ sở ở Dubai. Khi đó, lãnh đạo Arabtec là Hasan Ismaik - chủ sở hữu tai tiếng của CLB 1860 Munich. Man City đề nghị nhóm truyền thông tổng hợp các rủi ro tiềm ẩn nếu hai bên chốt hợp đồng. Trước đó không lâu, The Guardian đăng bài về điều kiện sống tồi tệ của những công nhân nhập cư ở Abu Dhabi. Năm 2009, kênh BBC cũng tiết lộ Arabtec đối xử thậm tệ như thế nào với công nhân. Vấn đề này không mới với đất nước vùng vịnh làm giàu trên những sa mạc. 40 năm qua, Abu Dhabi tận dụng nhiều công nhân từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, xây những tòa nhà chọc trời trên nền đất cằn cỗi.
Kết luận của báo cáo khá rõ: "Sự hợp tác với Arabtec có thể hủy hoại nghiêm trọng vị thế của đội bóng và những ông chủ. Hợp đồng này dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ CĐV, các nhà tài trợ và nhà hoạt động nhân quyền".
Vicky Kloss - một nữ phát ngôn viên - gửi email cho lãnh đạo Man City cảnh báo về hợp đồng với Arabtec. "Tôi nghĩ sự hợp tác này tạo ra rủi ro lớn nhất cho uy tín của chúng ta, kể từ năm 2008", cô viết. "Những việc làm của Man City, so với Arabtec, là một trời một vực". Cô còn cảnh báo các lãnh đạo về Nicholas McGeehan - nhà hoạt động nhân quyền ở Bahrain, Qatar và UAE. McGeehan còn thường xuyên chỉ trích Man City và Abu Dhabi. "Thỏa thuận giữa Man City và Arabtec đối với McGeehan chẳng khác nào việc hắn ta trúng số độc đắc", cô nhấn mạnh.
Lãnh đạo Man City phớt lờ cảnh báo, để nhận bảy triệu bảng mỗi năm từ Arabtec. Nhưng, họ đi đến thỏa thuận về hợp đồng quảng cáo giới hạn khu vực. Hợp đồng giữa Man City và Arabtec chỉ được công bố ở các nước Ả-rập, Nga và Thổ Nhĩ Kì - nơi dân chủ và quyền con người không nhất thiết là ưu tiên.
Dù rải tiền khắp thị trường chuyển nhượng, Man City có lãi năm mùa liên tiếp, theo báo cáo tài chính. Họ đã tiên đoán điều này từ lâu. "Ngành công nghiệp bóng đá rất cạnh tranh", một tài liệu nội bộ của Man City năm 2012 phân tích. "Thị trường không tập trung về một hay một nhóm nào. Và chúng ta đang ở giai đoạn ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị. Đội bóng phải chiêu mộ cầu thủ phù hợp, và trả lương cho họ. Cầu thủ càng giỏi, càng nhận lương cao. Hợp tác với các liên đoàn bóng đá, công ty truyền thông và thương mại càng có nhiều cơ hội sinh lời cao".
Để đảm bảo Man City cũng có phần trong miếng bánh lợi nhuận mang tên bóng đá, lãnh đạo thiết lập mô hình chưa từng có tiền lệ: Một đế chế toàn cầu. Sở hữu một đội bóng là chưa đủ. Mạng lưới đội bóng toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn, và Man City đã thấu hiểu điều này từ năm 2009.
Năm đó, Roberto Mancini ký hai hợp đồng cùng lúc: một là HLV Man City, hai là cố vấn Al Jazira - đội bóng hàng đầu UAE. Mansour Al Nahyan là ông chủ của cả hai đội. Giá trị hợp đồng sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng: Mancini nhận lương từ Al Jazira cao hơn từ Man City. Đội bóng Ngoại hạng Anh trả 1,45 triệu bảng mỗi năm, còn CLB vùng Vịnh chi 1,75 triệu bảng cho Mancini.
"Chúng ta phải giúp Al Jazira một số khoản thanh toán", một giám đốc Man City viết email cho các cộng sự, tháng 9/2011. "Chúng ta sẽ gửi tiền cho ADUG, rồi ADUG chuyển sang Al Jazira, kèm hướng dẫn thanh toán". ADUG là Abu Dhabi United Group - tập đoàn sở hữu Man City. Chủ của nó cũng là Mansour. ADUG được coi là đầu não trong chiến dịch của Man City chống lại luật Công bằng tài chính.
Có thể hiểu một phần lương của Mancini được trả bởi Al Jariza, và danh nghĩa "cố vấn" chỉ là cái cớ. Tiền lương đến tay Mancini đổ từ Man City, đến Al Jariza, rồi đến Sparkleglow Holdings - một công ty ngoại biên (offshore company) ở Mauritius.
Công ty ngoại biên thường được lập trên những đất nước được coi thiên đường thuế, như Mauritius. Nó có thể thực hiện các giao dịch tài chính được miễn thuế. Đây là cách Man City trả lương cho Mancini, ít nhất là trong năm 2011. Nếu không có những phương án lách luật, khoản thanh toán mập mờ và vụ bơm tiền đáng ngờ, Man City đã không thành công như hiện nay.
Từ một đội bóng ít tên tuổi, Man City trở thành thương hiệu toàn cầu, dưới tên gọi City Football Group (CFG). Khi uống một cốc Starbucks, dù ở Seattle hay Singapore, chúng ta đều phải trả giá cắt cổ. Những nhánh bóng đá của Man City cũng vậy. Man City, New York City hay Melbourne City đều có cùng biểu tượng, màu áo và nhà tài trợ. Đó là hãng hàng không Etihad. Ngoài ra, Man City còn sở hữu cổ phần ở các đội thuộc Uruguay, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Họ ký thỏa thuận hợp tác với các CLB ở bán đảo Scandinavi, và mở một học viện bóng đá tại châu Phi.
Trong một cuộc thuyết trình nội bộ năm 2016, Man City cho thấy kế hoạch đầu tư vào một đội bóng ở Torque, thủ đô Montevideo, Uruguay. "Uruguay tập trung nhiều cầu thủ chất lượng và các đội bóng bị hạn chế ngân sách", bài thuyết trình có đoạn. "Torque ít tên tuổi, và chúng ta sẽ được cắt giảm chi phí nếu chiêu mộ cầu thủ từ đó. Man City cũng sẽ không phải trả tiền thuế cho lợi nhuận từ chuyển nhượng cầu thủ".
Khoản đầu tư vào CLB Girona ở Tây Ban Nha cũng có mô hình tương tự. "Cầu thủ trẻ của Man City cần cọ xát ở giải có trình độ cao. Girona sẽ tạo ra cơ hội cho họ", tài liệu nội bộ Man City ghi. Do đội một của Man City giàu chất lượng, các cầu thủ trẻ được gửi gắm đến những đội bóng chi nhánh để phát triển. Hệ thống bóng đá toàn cầu giúp các HLV Man City dễ dàng lọc ra những cầu thủ đủ giỏi để nhấc về Manchester.
Hiếm có đội bóng nào theo kịp Man City và "đế chế toàn cầu". Trong hơn 11 năm, Mansour dốc gần ba tỷ USD vào Man City. Mùa trước, lãi ròng của họ đạt hơn 10 triệu bảng. Lợi nhuận này không thực sự hấp dẫn so với khoản đầu tư hàng tỷ USD. Đó là chưa kể Mansour luôn sẵn sàng dốc hầu bao cho những cầu thủ đắt giá. Nhưng, Man City vẫn đang trên đà phát triển. Năm 2008, Mansour mua Man City với giá 100 triệu bảng. Đến năm 2015, Lê Thụy Cương - ông trùm truyền thông Trung Quốc - dốc 265 triệu bảng để sở hữu 13% cổ phần City Football Group. Tức là khi đó, thị giá của CFG vào khoảng 2,04 tỷ bảng. Giá trị "viên ngọc trai" của gia tộc Al Nahyan tăng gần 20 lần.
Chưa hết, tháng 11/2019, CFG bán hơn 10% cổ phần với giá 385 triệu bảng cho Silver Lake - một công ty Mỹ chuyên đầu tư vào công nghệ. Silver Lake định giá CFG 3,7 tỷ bảng. Mới bốn tháng trước đó, tạp chí Forbes công bố danh sách 50 đội thể thao đắt giá nhất hành tinh. Đứng đầu là đội bóng bầu dục Dallas Cowboys (3,85 tỷ bảng), thứ hai là đội bóng chày New York Yankees (3,5 tỷ bảng), còn vị trí thứ ba là đội bóng đá Real Madrid (3,2 tỷ bảng). CLB Man City chỉ đứng thứ 25 với 2 tỷ bảng, nhưng giá trị của CFG đã cao gần gấp đôi đội bóng, và vượt lên Real Madrid.
Chủ tịch Man City - Khaldoon - nói về Mansour như sau: "Hoàng thân Mansour là một doanh nhân sắc sảo. Ông ấy có thể tạo ra giá trị từ bóng đá theo cách chưa ai làm được". Những người Abu Dhabi đã dùng tiền bạc làm đảo lộn thế giới bóng đá, buộc các đội phải toàn cầu hóa. City Football Group chính là đại diện cho nền bóng đá tư bản thành công nhất.
Đối với một đế chế như thế, án phạt từ UEFA giống như một cú đấm, mà họ vẫn có thể gượng dậy. Nhưng, về mặt thể thao, niềm kiêu hãnh mà Man City đang cố gắng xây dựng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, như nhận xét của cựu HLV Arsene Wenger: "Thể thao, về cơ bản, là cố gắng chiến thắng trên cơ sở tôn trọng các luật lệ. Bạn mừng chiến thắng nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi bạn tuân thủ những quy tắc".
Đó là cuộc chơi sinh tồn, không chỉ của đội bóng mạnh nhất, mà còn của những người giàu nhất.
Xuân Bình (theo Der Spiegel, Forbes, Guardian)