Năm 1880, thiếu nữ 28 tuổi Anna Connell thành lập một đội bóng dành cho những người lao động phổ thông hoặc thất nghiệp, giúp họ bỏ thói nghiện rượu. Cách đó 7.000 km, gia tộc Al Nahyan đã thống trị Abu Dhabi nhờ chăn nuôi lạc đà và câu ngọc trai. Họ sống trong những căn nhà làm bằng gạch bùn, ẩn dưới những cây cọ. Một đội bóng đá đối với gia tộc Al Nahyan cũng mơ hồ, như sức nóng sa mạc với người Manchester.
128 năm sau, gia tộc Al Nahyan trở thành siêu tỷ phú dầu mỏ. Họ đặt chân tới Manchester - "Thủ đô" của miền Bắc nước Anh. Tiền bạc giúp họ biến thứ mơ hồ ngày nào thành "viên ngọc trai" sáng loáng. Từ một đội bóng tầm trung ở Manchester, Man City trở thành CLB hàng đầu Ngoại hạng Anh, một sản phẩm quảng bá hảo hạng với Abu Dhabi. Họ sở hữu dàn hảo thủ đẳng cấp thế giới như Sergio Aguero, David Silva hay Kevin de Bruyne, dưới trướng chiến lược gia Pep Guardiola. Hành trình của nhà Al Nahyan trở thành câu chuyện độc nhất vô nhị.
Nhưng, viên ngọc của Abu Dhabi đang trầy xước. Những tài liệu từ Football Leaks - nền tảng chuyên bóc mẽ sai phạm - phơi bày những mánh khóe đằng sau thành công của Man City.
Những ông chủ của Man City đã thiết lập kỷ nguyên tư bản trong bóng đá. "Tư bản" ở đây ám chỉ thời kỳ các công ty tỏ ra tàn nhẫn và phá bỏ mọi quy tắc. Đó cũng là cách thức hoạt động của một số đội bóng đương đại. Kể từ khi được những người đứng đầu Abu Dhabi thâu tóm, Man City tìm mọi thủ đoạn gian lận để lọt vào hàng ngũ tinh hoa bóng đá châu Âu. Họ tạo ra thương hiệu toàn cầu, giàu lợi nhuận, bằng cách phá bỏ rào cản. Vinh quang của Man City bắt nguồn từ sự lừa dối.
Ngày 13/5/2012. Phút 93, 20 giây. Agueroooooo. Đó là khoảnh khắc người hâm mộ Man City không thể nào quên. Ở trận đấu thuộc vòng cuối Ngoại hạng Anh, và họ cần ba điểm để vô địch sau 44 năm chờ đợi. Đối thủ của họ - Queens Park Rangers - bất ngờ dẫn trước. Tình thế càng bất lợi cho họ, khi hàng xóm Man Utd thắng trận cùng giờ. Sự nặng trĩu lộ trên khuôn mặt các khán giả sân Eithad, bởi họ có thể phải chứng kiến Man Utd lên ngôi thêm một lần nữa. Phút 91, 14 giây, Edin Dzeko đánh đầu gỡ hòa, nhen nhóm hy vọng cho Man City. Hơn hai phút sau, Sergio Aguero sút cháy lưới QPR, mang chức vô địch về Etihad. Giọng của bình luận viên Martin Tyler lạc đi khi hô vang tên Aguero, lúc mảnh lưới rung lên.
126 giây trong thời gian bù giờ đi vào lịch sử của Man City, và của gia tộc Al Nahyan. Họ vươn mình trở thành ứng viên vô địch những mùa tiếp theo. Người hâm mộ nghĩ thành công đó là phép màu. Thực tế, vấn đề chỉ là thời gian. Những bản hợp đồng kỷ lục mà Mansour Al Nahyan mang về Etihad làm lệch lạc cách tiêu tiền của các đội bóng khác. Họ tưới đẫm tiền lên thị trường chuyển nhượng, dựa vào những bản hợp đồng tài trợ mà thực chất là tiền túi từ Abu Dhabi.
Man City thi đấu trên sân Etihad. Trên áo đấu họ cũng in chữ Etihad. Etihad là hãng hàng không Abu Dhabi, do một người em của Mansour sở hữu. Công ty viễn thông Etisalat, quỹ đầu tư Aabar hay cơ quan du lịch Abu Dhabi cũng tài trợ cho Man City.
Bóng đá Anh chưa từng chứng kiến những vụ rót tiền lớn như vậy. Ba ngày trước khi Aguero mang về chức vô địch Premier League đầu tiên cho Man City, lãnh đạo đội bóng tạo ra một bản phân tích nội bộ với tiêu đề: Tóm tắt khoản đầu tư của chủ sở hữu. Sau ba năm và tám tháng thâu tóm Man City, gia tộc Al Nahyan đã đầu tư 1,1 tỷ bảng Anh (khoảng 1,4 tỷ USD). Trong đó, tiền bù lỗ là 217 triệu bảng (282 triệu USD). Đáng chú ý hơn là khoản tài trợ bổ sung từ các đối tác của Abu Dhabi đạt 149,5 triệu bảng (194,4 triệu USD).
Để hiểu "tài trợ bổ sung từ các đối tác Abu Dhabi" là gì, chúng ta phải trở lại khoảnh khắc Agueroooooo. Dẫn dắt Man City đến vinh quang là HLV Roberto Mancini - người đã ba lần vô địch Serie A trước đó. Nhưng, chỉ một mùa sau khi đoạt chức vô địch Ngoại hạng Anh lần đầu tiên cho Man City, ông bị sa thải vì không bảo vệ được danh hiệu. Quan điểm của các ông chủ Man City là: Ai không đạt mục tiêu, sẽ bị thay thế. Nhưng họ đối mặt vấn đề lớn hơn, đó là việc UEFA công bố luật Công bằng tài chính (FFP).
Mục tiêu số một của FFP là giúp một số đội bóng thoát cảnh nợ nần dẫn đến phá sản. Mục tiêu thứ hai mới là cấm các đội bóng chi tiêu quá nhiều so với doanh thu. Và Man City đối diện nguy cơ bị sờ gáy. "Chúng ta thiếu 9,9 triệu bảng (12,9 triệu USD) so với giới hạn thâm hụt tối đa của FFP", Giám đốc tài chính Jorge Chumillas viết trong một email nội bộ. Khoản lỗ đến từ phí đền bù cho RM. Tôi nghĩ giải pháp duy nhất là bổ sung thêm doanh thu tài trợ từ AD, để bù đắp lỗ". RM ở đây được hiểu là Roberto Mancini, còn AD là Abu Dhabi.
Cũng trong email, Chumillas giải thích Man City được vận hành không giống các đội bóng khác. Thông thường, các đội bóng tăng doanh thu theo chu trình: Đạt kết quả tốt trên sân, thu hút thêm khán giả, các trận đấu được quan tâm hơn trên tivi và được các nhà tài trợ quan tâm. Doanh nghiệp tài trợ cho đội bóng, còn đội bóng quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Khoản tiền này được dùng để mua cầu thủ, đào tạo trẻ hoặc chăm sóc sân bãi. Nếu đội bóng chi nhiều hơn thu, họ bị lỗ. Để bù đắp lỗ, họ phải cắt giảm chi phí.
Nhưng, Man City không phải đội bóng bình thường. Chi phí và nợ nần không thành vấn đề. Nếu họ bị lỗ, các nhà tài trợ từ Abu Dhabi bơm tiền đến. Họ sẽ chỉ bị phạt nếu có bằng chứng. Để lách luật từ UEFA, những người quản lý Man City nảy ra ý tưởng tinh khôn. "Chúng ta có thể ký lùi ngày một thỏa thuận hợp tác, để được trả tiền trước", Giám đốc Simon Pearce đề xuất.
Ý của Pearce là tìm một đối tác từ Abu Dhabi để ký hợp đồng tài trợ, trả tiền trước. Thời điểm kí được lùi về một mốc thời gian trong quá khứ, để kịp bổ sung vào báo cáo tài chính mùa giải. Ký lùi ngày thường là hành động bị cấm trong các giao dịch tài chính. Nhưng, nếu hai doanh nghiệp đều đồng ý ký lùi ngày, hành động này không bị cấm.
CEO Ferran Soriano lại nảy ý tưởng yêu cầu các nhà tài trợ trả đội bóng tiền thưởng bắt buộc nếu Man City đoạt Cup FA, dù thực tế họ không vô địch.
10 ngày sau khi mùa giải khép lại, Chumillas công bố giải pháp, đó là thay đổi chi tiết trong các hợp đồng tài trợ của mùa giải vừa kết thúc. Etihad bất ngờ tài trợ thêm 1,5 triệu bảng, Aabar thêm 0,5 triệu bảng còn cơ quan du lịch dốc thêm 5,5 triệu bảng. Man City và các nhà tài trợ đều phải làm như họ đã thống nhất số tiền đó từ đầu mùa.
Man City cùng các nhà tài trợ không ngại thao túng hợp đồng. Khi Chumillas hỏi Pearce rằng liệu họ có thể thay đổi thời gian ký hợp đồng tài trợ, Pearce đáp với một phong thái đậm chất Man City: "Dĩ nhiên là được. Chúng ta muốn làm gì cũng được".
Mánh khóe của Man City không thể thành hiện thực nếu không được các nhà tài trợ đồng ý. Nhưng, nhà tài trợ có độc lập với Man City không lại là câu chuyện khác. Đầu tháng 4/2010, khi Pearce đàm phán hợp đồng với Aabar, ông gửi email mật cho lãnh đạo quỹ đầu tư này. Theo hợp đồng, Aabar cam kết tài trợ 15 triệu bảng mỗi năm cho Man City. Sự thật không phải vậy. "Như đã thỏa thuận, Aabar sẽ chi ba triệu bảng mỗi năm. 12 triệu bảng còn lại đến từ các nguồn khác của Hoàng thân của các anh", Pearce viết. Chỉ với một câu, Pearce đã xác nhận điều mà Man City kịch liệt chối bỏ. Đó là Mansour - người được gọi là Hoàng thân - tự bỏ tiền tài trợ phần lớn hợp đồng của Man City.
Kế hoạch của Man City nhằm xé rào FFP. Tiền của chủ sở hữu rót vào đội bóng không được coi là doanh thu. Nếu chiêu mộ cầu thủ bằng số tiền đó, họ sẽ sớm lỗ nặng. Nhưng tiền từ nhà tài trợ độc lập lại được coi là doanh thu. Nó sẽ bù đắp chi phí cho Man City, để thoát gọng kìm FFP.
Báo cáo tài chính của Man City là một chuỗi thông tin gian dối. Họ coi FFP là trò chơi, trong đó Hàng không Etihad (Etihad Airways) cũng tham gia. "Tài trợ trực tiếp từ Etihad hàng năm là tám triệu bảng", Pearce viết vào tháng 12/2013. Khi đó, số tiền ghi trong hợp đồng là 35 triệu bảng.
Man City đã làm phép bằng một xảo thuật nhỏ. Mấu chốt nằm ở Abu Dhabi United Group (ADUG) - tập đoàn của Mansour có danh nghĩa chủ sở hữu Man City. ADUG rót tiền cho Hàng không Etihad thông qua hợp đồng với bên thứ ba. "Tiền từ ADUG chuyển cho đối tác, rồi đối tác chuyển lại cho chúng ta", Giám đốc tài chính Hàng không Etihad - Andrew Widdowson - viết. Chí ít đó là mánh khóe của Man City năm 2015. Khi đó, giá trị hợp đồng giữa Man City và Hàng không Etihad là 67,5 triệu bảng. Nhưng, Chumillas gửi email cho Pearce rằng: "Lưu ý là trong 67,5 triệu bảng, Etihad trả tám triệu còn ADUG trả 59,5 triệu".
Đó chính là "tài trợ bổ sung từ các đối tác Abu Dhabi", được chi trả bởi Mansour và "các nguồn tiền riêng". Chủ tịch Bayern - Uli Hoeness - từng nói: "Abu Dhabi chỉ cần mở vài mỏ dầu để Man City chiêu mộ cầu thủ đắt giá".
Vào thời điểm Martin Tyler hét vang: Agueroooooo, tháng 5/2012, Man City đã lĩnh 127,5 triệu bảng tài trợ bổ sung từ đối tác. Đó là lợi thế cạnh tranh mà hiếm đội bóng nào khác sánh được, ngoại trừ PSG - đội bóng được quốc gia giàu có về khí đốt như Qatar tài trợ.
Năm 2014, Man City và PSG đều phải thương lượng với UEFA để không bị cấm dự Champions League, do vi phạm FFP. Khi đó, UEFA chỉ phạt tiền và giới hạn chi tiêu chuyển nhượng với hai đội bóng này. Có hai lý do: một là UEFA chịu nhún nhường mối đe dọa từ Abu Dhabi hay Qatar, hai là UEFA thậm chí không tường tận quy mô gian lận của Man City và PSG. Sáu năm sau, nhờ vào những tài liệu mật do Football Leaks khai phá, UEFA mới có thể cấm Man City dự Champions League. So với án phạt 49 triệu bảng năm 2014, án cấm dự Cúp châu Âu khiến Man City tổn thất nặng nề hơn gấp nhiều lần.
Man City không ưa UEFA, nhưng luôn khát khao vô địch UEFA Champions League. Đây là danh hiệu cao quý nhất với một CLB bóng đá. Guardiola đã giúp Man City vô địch Ngoại hạng Anh hai mùa liên tiếp, và xô đổ nhiều kỷ lục bóng đá Anh. Nhưng, họ chưa từng vào chung kết Champions League. Man City giao kèo với Guardiola tiền thưởng hai triệu bảng, nếu ông giật danh hiệu Champions League về sân Etihad.
Vấn đề với Man City có lẽ chỉ là thời gian, nếu họ không bị UEFA và FFP ngáng đường. Năm 2008, Mansour thâu tóm Man City khi họ chỉ là cái bóng của Man Utd. Nhưng, gia tộc Al Nahyan bắt đầu bơm tiền, thu hút tài năng. Trong hai năm đầu, họ đổ hơn 360 triệu USD vào chuyển nhượng. Cầu thủ cập bến Etihad ngày càng tài giỏi, nâng tầm đội bóng một cách nhanh chóng. Nhưng, UEFA rất cứng rắn với FFP. Cựu Chủ tịch Michel Platini nói: "Đội nào không tuân thủ FFP, chúng tôi quyết không nhân nhượng".
Chẳng trách các lãnh đạo Man City lo sốt vó. Chiến lược của họ phụ thuộc hoàn toàn vào máy bơm tiền từ Abu Dhabi, và Mansour. Người đàn ông này sống trong nhung lụa, sở hữu du thuyền 600 triệu USD và năm chiếc xe Bugatti Veyron. Khi UEFA giới thiệu về FFP tháng 1/2010, những người điều hành Man City đã tính tới phương án lách luật. Họ có thể tìm những nhà tài trợ mới, cắt giảm chi phí hoặc hạ mức độ kỳ vọng. Nhưng không, với Abu Dhabi, để vươn tới tinh hoa, họ không cho phép rào cản ngáng đường.
Năm 2012, một năm trước khi FFP có hiệu lực, bộ phận kế toán Man City cảnh báo nội bộ: "Nếu không có thêm các khoản doanh thu, chúng ta sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của FFP. Các bên có liên quan cần hành động gấp rút".
Lãnh đạo Man City nỗ lực ngăn chặn thảm họa đang đến gần họ. CEO Soriano gặp gỡ lãnh đạo các đội bóng lớn thuộc cùng nhóm lợi ích với Man City. Tại cuộc gặp, ông tỏ thái độ khinh bỉ những ai ủng hộ FFP. Ông tiết lộ có một số đội bóng phản đối FFP, nhưng họ không dám công khai quan điểm. Kết thúc cuộc họp, ông viết trong biên bản gửi những người đồng cấp: "Chúng ta phải đấu tranh, bằng cách thầm lặng. Nếu không, chúng ta sẽ bị coi là kẻ thù của bóng đá".
Họ ngầm triển khai kế hoạch phá rào, với dự án bí mật có tên rất "quân sự": Chiến dịch Longbow. Lý giải tên gọi này, Simon Cliff - cố vấn luật Man City - viết trong email nội bộ: "Longbow là tên gọi một dòng cung cổ của người Anh, để bắn hạ người Pháp". Người Pháp ở đây chính là Platini.
Từ đó, chiến dịch Longbow tượng trưng cho nỗ lực chống lại FFP. Man City tìm cách cắt bỏ một số chi phí trong sổ sách tài chính của đội bóng, để hạn chế lỗ. Với họ, chi phí và thâm hụt cao cũng được, miễn là qua mặt UEFA.
Có thể lấy ví dụ về bản quyền hình ảnh cầu thủ. Thông thường, một đội bóng chuyên nghiệp cần trả tiền cho cầu thủ để sở hữu quyền sử dụng hình ảnh của họ, trong các hoạt động marketing. Nhưng, Man City đi theo lối khác. Họ tạo ra một công ty con, nắm quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ. Sau đó, họ bán cổ phần công ty con cho một công ty ngoài. Khoản tiền bán cổ phần này được tính vào doanh thu cho Man City. Bằng cách này, họ đã mang về 36 triệu USD. Lúc này, công ty ngoài nắm quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ, nên họ phải trả tiền cho cầu thủ, chứ không phải Man City. Công ty này tên là Fordham Sports Management. Theo miêu tả của Chumillas trong email nội bộ, Fordham là "một chất liệu tốt trong chiến dịch Longbow".
Không ai biết danh tính chủ sở hữu của Fordham. Thực chất, đây chỉ là công ty ma do Abu Dhabi lập ra. Để duy trì sự sống, Fordham nhận tiền bơm từ ADUG, thông qua một số vỏ bọc. Dòng chảy tiền từ Abu Dhabi đi qua một chi nhánh ngân hàng ở Quần đảo British Virgin - một thiên đường thuế.
Trong năm đầu FFP đi vào hiệu lực, Phòng điều tra của UEFA xác nhận Man City vi phạm. Theo chiều ngược lại, lãnh đạo đội bóng dọa kiện UEFA, kiểm toán viên và những người có liên quan trong vụ điều tra. Cuối cùng, Man City đạt được thỏa thuận với Tổng thư ký UEFA khi đó - ông Gianni Infantino. Infantino - bây giờ là Chủ tịch FIFA - đưa ra án phạt không làm Man City trầy xước
Trong cuộc thương lượng giữa Man City và UEFA, Fordham không được nhắc tới. UEFA chỉ tập trung vào những bản hợp đồng tài trợ của Man City, mà không nhận ra họ vi phạm FFP nghiêm trọng như thế nào. Chỉ đến khi gã khổng lồ kiểm toán PwC vào cuộc, Fordham mới lòi đuôi. "Tôi không hiểu vì sao Fordham có thể kỳ vọng sinh lời", một nhà phân tích từ PwC nói trong hội thảo giữa các giám đốc điều hành bóng đá. Luật sư Cliff đáp rằng ông không biết, vì Fordham không tiết lộ kế hoạch kinh doanh cho Man City. Một đồng nghiệp của Cliff còn nói Man City chọn Fordham vì "giá cả hợp lý". Dĩ nhiên ẩn ý của người này là: Man City đã tự chốt giá rồi.
(Hết phần 1)
Xuân Bình tổng hợp