Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ ba, 29/8/2023, 06:00 (GMT+7)

Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 của một Phật tử Hà Nội

Mỗi Rằm tháng 7, chị Lê Nhung lại làm mâm cơm nhiều món chay cúng tổ tiên với ý niệm về sự yên bình, thanh tịnh.

Chị Trương Thị Lê Nhung (51 tuổi) ở phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm đam mê nấu ăn từ nhỏ. Từ đầu những năm 1990, gia đình mở khách sạn tư nhân đầu tiên tại thủ đô, chị chủ động học thêm nấu nướng bên cạnh công việc chính là điều hành du lịch và kế toán.

16 năm trước, chị Nhung trở thành Phật tử và dần đam mê nấu món chay. Rằm tháng 7 hàng năm, chị đều dâng một mâm cơm chay cúng tổ tiên.

“Đây là lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ, tập tục đáng quý của người Việt, thể hiện truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây nên mâm cỗ phải được chuẩn bị chu đáo”, chị Nhung nói.

Rằm tháng 7 được người Việt Nam coi là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu Lan báo hiếu - theo quan niệm Phật giáo nhằm hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành, thể hiện tình thương yêu đối với chúng sinh.

Từ sáng, chị Nhung đi chợ chuẩn bị đồ lễ, tự tay nấu nướng. Chị thường làm dần các món phức tạp như nem, nước dùng chay, nước sốt được ninh sẵn và chế biến rồi cấp đông theo các túi nhỏ. Đến ngày làm cỗ chỉ mua thêm rau củ quả, nấm tươi, sau đem đồ đã chuẩn bị ra chế biến. Với cách làm này, nấu một mâm cỗ chay với hơn chục món chỉ mất 45-60 phút.

Người phụ nữ Hà Nội chế biến món Nấm hàu thủ bỏ lò phô mai. Món ăn này được chị Nhung sáng tạo cách đây ba năm nhằm thỏa mãn sở thích ăn đồ có nhiều phô mai của trẻ nhỏ trong nhà.

Năm nay nhuận hai tháng nên Rằm tháng 7 vào đúng vụ cốm, chị Nhung ưu tiên nấu món chay từ nguyên liệu này. Các món như: xôi cốm, súp kem cốm, nem chay cốm nấm, cốm xào vì thế cũng xuất hiện trong mâm cúng lễ của gia đình.

Thay vì dùng cốm làng Vòng hạt mỏng để ăn chơi, khi nấu nướng, chị Nhung thường dùng cốm Tú Lệ bởi độ dày, dẻo cũng như màu xanh mà không phải dùng thêm bất kỳ phụ phẩm nào. Loại cốm này cũng có vị đượm, thơm ngát, hương vị đặc trưng chỉ có riêng ở vùng Tây Bắc.

Để tạo độ kết dính cho món nem chay, chị Nhung dùng cốm. Ngoài nguyên liệu đặc biệt này, món nem chay vẫn đầy đủ các thành phần khác giống nem truyền thống như cà rốt, giá, đậu, mộc nhĩ, nấm hương.

"Từng chiếc nem giòn rụm bên ngoài, dẻo thơm bên trong mang đến hương vị mùa thu ngay trong mâm cỗ", người phụ nữ ví von.

Cốm xào cũng là món đặc trưng trong mâm cơm cúng Rằm tháng 7. Để có món ăn dẻo quánh và đượm vị, chị Nhung thường làm mềm cốm bằng nước rồi ủ 10 phút, trước khi mang ra xào với đường và chút muối.

Ngoài nem chay cốm nấm, cốm xào, xôi vò cốm đậu xanh cũng xuất hiện trong mâm cỗ. Đậu xanh được đồ ít nhất hai tiếng để tơi, sau đó nghiền dẻo rồi mới trộn với cốm. Thành phẩm xôi cốm mềm mà không nát, không ngấy, cốm xanh còn đượm mùi thơm của lúa non.

"Xôi cốm nên ăn bốc để cảm nhận được vị thơm còn vương lại trên đầu ngón tay", chị Nhung nói.

Soup kem cốm được làm từ khoai lang hấp chín, nghiền nhuyễn rồi trộn với kem, sau rắc thêm hạt cốm dẻo thơm quyện với lớp súp kem béo ngậy.

Theo chị Nhung, mỗi nhà có cách cúng Rằm tháng 7 khác nhau, có thể dâng món chay hoặc mặn, miễn sao phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích ăn uống của từng thành viên trong gia đình. Tuy nhiên với một mâm cỗ cúng truyền thống miền Bắc, dù chay hay mặn cũng có ít nhất 5 món: Nem, canh, xôi, chè, nộm.

Gia đình chị có nhiều thế hệ cùng sinh sống, ngoài món chay truyền thống, chị cũng nấu thêm những món hiện đại, cải tiến để phục vụ người trẻ tuổi.

Ngoài các món như: Nem chạo nấm, bún thang chay, xôi ba màu chị Nhung còn làm thêm bánh xèo kiểu Nhật, nhưng thay nhân mực hoặc tôm bằng ruốc nấm xào với nước rau củ quả nhằm tạo độ ngọt thơm; hay món gỏi tam tơ kết hợp với rong biển Nhật, vị thanh mát và lạ miệng.

Khi sắp xếp mâm cúng, người phụ nữ 51 tuổi phải học cách cân bằng màu sắc để các món ăn cùng bổ trợ và tôn nhau lên, không bị rối mắt. Mâm cỗ lúc này giống như một vườn hoa với đủ loại hương sắc dâng lên tổ tiên, tỏ rõ lòng thành.

Khi mâm cỗ chuẩn bị xong, chị Nhung thay quần áo, bày biện lên bàn thờ. Tự tay vào bếp chuẩn bị mâm cơm chay thắp hương ông bà tổ tiên với người phụ nữ này là cách tốt thể hiện lòng thành của con cháu.

Tuy nhiên, chị khẳng định việc làm cỗ chay hay mặn không phải là quy định cứng nhắc. Điều này phụ thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình.

Theo chị Nhung, yếu tố quan trọng nhất không phải là những món ăn trên mâm cỗ mà là sự thành tâm và lòng thành kính của người làm lễ.

"Mâm chay cúng Rằm tháng 7 mang ý nghĩa cao cả, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, cũng như tiếc thương cho các linh hồn bất hạnh", người phụ nữ chia sẻ.

Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 của một Phật tử Hà Nội
 
 

Hải Hiền - Thúy Quỳnh