Thứ ba, 26/11/2024
Chủ nhật, 27/8/2023, 06:28 (GMT+7)

Thiếu nhi Sài Gòn cài hoa tri ân cha mẹ dịp Vu Lan

Hơn 300 trẻ cài bông hồng, lau mặt và nói lời cảm ơn đến cha mẹ trong dịp lễ Vu Lan do chùa Giác Ngộ, quận 11 tổ chức.

Chiều 26/8 (11/7 âm lịch), hơn 300 trẻ từ 6 đến 14 tuổi quy tụ về chánh điện chùa Giác Ngộ trên đường Nguyễn Chí Thanh cùng cha mẹ dự lễ Vu Lan. Mọi người được nghe các chư tăng hướng dẫn niệm Phật, thuyết giảng về ý nghĩa ngày Vu Lan báo hiếu.

Vu Lan diễn ra ngày rằm tháng Bảy âm lịch (15/7) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Lễ xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục.

Hầu hết các bé đang tham gia khoá tu của chùa Giác Ngộ. Các chư tăng đã gợi nhắc cho các em về đạo hiếu nghĩa, nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức cài hoa hồng mùa Vu Lan trong văn hóa Phật giáo.

Dịp Vu Lan hàng năm, hầu hết chùa ở TP HCM đều tổ chức lễ tụng kinh, thuyết giảng về đạo hiếu của con cái với cha mẹ. Người dân, Phật tử tham dự đều tự cài hoa hồng (màu trắng nếu đã mất cha mẹ, màu đỏ nếu cha mẹ còn sống) lên ngực áo để thể hiện tình cảm với đấng sinh thành. Tuy nhiên, chùa Giác Ngộ là số ít chùa tổ chức lễ Vu Lan để trẻ em bày tỏ tình cảm với cha mẹ.

Tại buổi lễ, các bé tự mình cài hoa hồng đỏ lên ngực áo cha mẹ tiếng nhạc ca khúc Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ như một sự tri ân sâu sắc. Đáp lại là những cái ôm hôn tình cảm của đấng sinh thành.

Nghi thức bông hồng cài áo bắt nguồn từ thiền sư Thích Nhất Hạnh. Khoảng 1962, trong một lần thiền sư vào nhà sách ở Nhật Bản đúng vào Ngày của Mẹ, ông đã được một cô gái cài lên áo một bông hoa trắng.

Khi hỏi thì thiền sư mới biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa hồng màu đỏ, ai mất cha mẹ thì được cài hoa trắng. Sau đó, thiền sư đã viết nên quyển sách mang tên Bông hồng cài áo, là khởi điểm cho nghi thức ý nghĩa trong mùa Vu Lan.

"Hiểu được ý nghĩa của bông hồng mùa Vu Lan, con rất xúc động khi và hạnh phúc khi còn được cài lên áo mẹ màu hoa đỏ", bé Cao Ý Thiện Nhân, 7 tuổi chia sẻ.

Chị Lê Thị Thanh Phụng ở quân 11, xúc động nắm chặt tay hai con trai. Người mẹ 40 tuổi hạnh phúc khi các con hiểu được tình thương yêu bao la của cha mẹ.

Bà Kiều Thị Minh Hiếu bật khóc khi cháu ngoại Minh Thy (11 tuổi) gửi lời cảm ơn công dưỡng dục, mong được bỏ qua những lỗi lầm khiến bà buồn lòng suốt bao năm qua.

Người phụ nữ 58 tuổi nói cha mẹ Minh Thy ly hôn từ khi cháu mới một tuổi. Hiện hai mẹ con bé ở với bà ngoại. Bà phải đi rửa chén thuê, mẹ phụ bán quán để chăm sóc cháu. "Từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm nên bao nhiêu yêu thương tôi dành hết cho cháu. Tôi xúc động lắm khi cháu nói ra được lời xin lỗi chân thành", bà Hiếu nói.

Nhiều bé rưng rưng nước mắt khi nghe các sư thầy nói về công lao cha mẹ, nhắc nhở con cái phải luôn khắc cốt ghi tâm về tâm lòng hiếu thảo.

Ngoài cài bông hồng, nhà chua còn phát thêm khăn để các bé lau mặt cho cha mẹ.

Kết thúc lễ, tăng đoàn hướng dẫn thiếu nhi cùng nhau đọc tụng kinh Vu Lan báo hiếu.

Quỳnh Trần - Ngọc Ngân