"Thủ tướng Mahathir đang phát tín hiệu cho thấy chúng tôi muốn có lập trường cứng rắn hơn, nghiêm túc hơn trong việc giải quyết những tranh chấp hàng hải tại Biển Đông", Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah hôm nay phát biểu trước quốc hội, AP đưa tin.
Trước đó, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad đã khẳng định các tàu chiến lớn cần phải được rút khỏi Biển Đông. "Tàu chiến tạo ra căng thẳng. Một ngày nào đó, một quốc gia có thể phạm sai lầm và dẫn đến xung đột, một số tàu sẽ bị đắm và chiến tranh có thể bùng nổ. Chúng tôi không muốn điều đó", ông nói trong cuộc phỏng vấn hôm 19/6.
Theo Ngoại trưởng Saifuddin, các quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông được quy định trong DOC ký năm 2002 không mang tính ràng buộc, cùng với đó là việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động quân sự hóa Biển Đông đã làm gia tăng lo ngại, có thể dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực.
"Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu hải cảnh lớn không khác gì tàu chiến tới những khu vực giàu tài nguyên và gây bất an cho các nước láng giềng", ông nói.
Theo Saifuddin, chính phủ trước đây của Malaysia hiếm khi chỉ trích Trung Quốc, dù tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến gần lãnh hải nước này và Bắc Kinh cũng đã bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trang bị các hệ thống radar và bệ phóng tên lửa.
Ngoại trưởng Malaysia còn khẳng định tại hội nghị dự kiến diễn ra tại Singapore vào tuần tới, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ tìm cách thúc đẩy đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử mới nhằm đảm bảo hòa hình ở Biển Đông. "Tất cả các bên cần kiềm chế và mọi hành động phải dựa trên luật pháp quốc tế", Saifuddin nhấn mạnh.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Mahathir đã tìm cách giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Malaysia bằng cách đánh giá lại các dự án đầu tư. Chính phủ của ông gần đây đình chỉ một dự án đường sắt trị giá nhiều tỷ USD, vốn là trọng tâm trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, cùng hai dự án đường ống dẫn khí khác để thương thảo các điều khoản tốt hơn.
Mahathir là người theo chủ nghĩa dân tộc và được cho là có thể đoàn kết nhiều tổ chức và hội nhóm dân tộc lớn ở Malaysia. Giai đoạn ông nắm quyền từ năm 1981 đến 2003 vẫn được ghi nhớ là thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử Malaysia.