Năm du lịch Malaysia (VMY) là chiến dịch được chính phủ nước này ra mắt từ năm 1990. Sau nhiều lần tổ chức thành công, điển hình là VMY 2014 với số khách quốc tế kỷ lục hơn 27 triệu lượt, chiến dịch sẽ tiếp tục vào năm 2020.
2020 là dấu mốc của du lịch Malaysia
Mục tiêu của VMY là thu về 100 tỷ RM (gần 24 tỷ USD) và 30 triệu lượt khách quốc tế. Thông qua chiến dịch này, Malaysia không chỉ muốn quảng bá về những nét đặc sắc của thiên nhiên, văn hoá mà còn muốn đạt được kỷ lục mới với về lượng khách du lịch.
Lãnh sự Du lịch Malaysia, ông Abdul Hadi Che Man cho rằng mục tiêu đón 30 triệu lượt khách quốc tế là không quá cao. Trong năm 2018, nước này đã đón 25,8 triệu lượt. Báo cáo tháng 5 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng xếp Malaysia hạng 21 trong danh sách quốc gia có doanh thu du lịch cao nhất (84,1 tỷ RM, tức 20 tỷ USD năm 2018).
Tương tự Việt Nam, Malaysia cũng muốn thu hút thêm khách du lịch có thời gian lưu trú dài, chi trả cao. Với các thị trường xa như châu Âu chưa có đường bay kết nối, Malaysia hướng đến giải pháp tận dụng hệ thống đường bay rộng khắp ở ASEAN và các nước trong khu vực, để phục vụ tốt hơn nữa cho du khách.
Chiến dịch VMY 2020 sẽ tập trung vào du lịch sinh thái, nghệ thuật và văn hoá. Bên cạnh những sản phẩm đặc trưng như mua sắm, ẩm thực, Malaysia cũng muốn giới thiệu du lịch y tế đến khách. Theo ông Abdul Hadi Che Man, Malaysia có hệ thống y tế phát triển, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao nhưng chi phí lại rẻ hơn nhiều so với các nước láng giềng, đặc biệt là Singapore. Chính phủ nước này cũng tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ du khách thủ tục xuất nhập cảnh, tìm bệnh viện phù hợp hoặc xin gia hạn visa nếu điều trị nội trú...
Để chuẩn bị cho mục tiêu đón 30 triệu lượt khách, Tổng cục Du lịch Malaysia cho biết tiếp tục đẩy mạnh quảng bá đến du khách thông qua các hội chợ và 35 văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Nước này cũng sẽ đăng cai tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị cấp khu vực, tăng cường kết nối với các hãng hàng không và lữ hành quốc tế, mở thêm cửa khẩu, đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh cho du khách.
Nhằm đẩy mạnh digital marketing cho chiến dịch Du lịch Malaysia 2020, chính phủ nước này thành lập một nguồn quỹ đặc biệt dành riêng cho hoạt động quảng bá.
Nâng cao chất lượng du lịch
Đại diện ngành du lịch Malaysia khẳng định, nước này sẽ không vì mục tiêu số khách đặt ra mà tác động xấu đến thiên nhiên. Các điểm đến sẽ được gìn giữ, bảo tồn để nhiều thế hệ sau vẫn có thể thụ hưởng.
Tại đảo Sipadan, một trong những điểm lặn đẹp nhất thế giới, đã không nhận khách ngủ lại qua đêm để đảm bảo tính nguyên vẹn của hệ sinh thái. Mỗi ngày, một lượng khách nhất định được cấp phép ra đảo.
Chính phủ Malaysia cũng nói không với "tour 0 đồng" và cho rằng loại hình này có thể giết chết ngành du lịch. Hiện nước này chú trọng vào những sản phẩm du lịch chất lượng, thay vì tour giá rẻ.
Từ tháng 9, khách rời Malaysia phải đóng thuế xuất cảnh 8-150 RM (2-40 USD). Đại diện ngành du lịch nước này cho rằng đây là chính sách tốt. Tiền thuế xuất cảnh sẽ được dùng để bảo trì và xây mới các hạ tầng du lịch, phục vụ ngược lại du khách.
Du lịch Việt Nam đang có tốc độ phát triển ấn tượng
Trong 3 năm ở Việt Nam, ông Abdul Hadi Che Man đã đến nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam và cho rằng dải đất hình chữ S có nhiều điểm đến du lịch chất lượng, có thể thành công trong việc quảng bá ra thế giới. Đại diện du lịch Malaysia cũng bất ngờ với tốc độ phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là hạ tầng và các điểm du lịch. "Tôi tin rằng, ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm bắt kịp Malaysia", ông Che Man nói.
Nha Trang, Đà Lạt là hai điểm đến ông ấn tượng nhất. "Ở đây có những công trình giải trí, sản phẩm du lịch đặc thù mà Malaysia không có. Ngày càng nhiều du khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga thích đến đây". Ngoài ra, Việt Nam còn có thời tiết 4 mùa, có thể quảng bá về những điểm đến mùa đông như Hà Nội, Sa Pa. Malaysia cũng không có những tiểu sa mạc như Mũi Né. Đó là những thế mạnh riêng để du lịch Việt Nam thu hút thêm khách Malaysia.
Tuy nhiên để thu hút thêm du khách đến Việt Nam, ông Abdul Hadi Che Man cho rằng ngành du lịch có thể đẩy mạnh công tác quảng bá ở những thị trường quốc tế. Một trong những thành công của du lịch Malaysia là nhờ 35 văn phòng đại diện trên khắp thế giới, để liên tục cập nhật những sản phẩm du lịch mới đến khách. Ngoài ra, việc đảm bảo cho du khách những trải nghiệm tốt đẹp sau chuyến đi cũng là vấn đề cần lưu ý.