Hiện cả dòng xe lắp ráp (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) ở Malaysia đều bị đánh thuế SST ở mức 10% giá xe. Có nghĩa xe CKD sẽ được miễn, trong khi xe CBU chỉ còn bị đánh thuế 5%. Ý nghĩa thuế này tương tự như VAT tại Việt Nam. Kèm theo sự thay đổi về thuế, dự kiến giá xe tại Malaysia cũng giảm.
Ưu đãi thuế đối với xe hơi nằm trong kế hoạch phục hồi kinh tế ngắn hạn, sau những tác động nặng nề từ dịch Covid-19, và được thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo hôm 5/6. Việc miễn giảm thuế SST sẽ được áp dụng từ 15/6 cho đến hết năm 2020.
Hưởng lợi nhất từ đợt ưu đãi này là dòng xe lắp ráp trong nước, khi không còn bị tính 10% thuế SST. Các hãng xe lắp ráp tại Malaysia kỳ vọng nhân dịp này thúc đẩy doanh số, bù lại cho thời kỳ đóng băng vì phong tỏa, thậm chí có tháng không bán được xe nào.
Tuy vậy, nhiều khách hàng cũng lo lắng vì đây là thuế đánh vào doanh nghiệp chứ không phải người mua. Sau khi được giảm thuế, hãng có giảm giá xe tương ứng hay không lại là câu chuyện khác. Tuy vậy khách hàng vẫn kỳ vọng có đợt giảm giá đáng kể.
Ví dụ, một chiếc xe nội địa là Perodua Myvi 1.5 Advance AT có giá 12.690 USD đã tính SST trong năm 2018, giờ đây sẽ là 12.246 USD, tức giảm khoảng 450 USD, hay 3,52%. Tương tự, một chiếc Honda City 1.5V giá 20.390 USD đã gồm SST, sẽ còn 19.770 USD, tức giảm 620 USD, hay 3,09%.
Với Toyota Vios 1.5 S AT, giá từ 21.870 USD xuống còn 20.800 USD, tức giảm hơn 1.000 USD, hay 4,85%. Ở phân khúc cao cấp, Mercedes E250 Exclusive Line từ 87.030 USD xuống còn 83.890 USD, tức sự khác biệt là 3.140 USD, hay 3,61%.
Mức ưu đãi sẽ tác động tới phần lớn sản phẩm của các hãng. Không chỉ với dòng xe con, dòng xe cỡ lớn còn hưởng lợi nhiều hơn.
Ví dụ, mẫu bán tải Toyota Hilux 2.8 L-Edition giá 32.380 USD với SST sẽ xuống còn 29.660 USD, tức giảm 2.720 USD. Nhưng dòng bán tải lắp ráp tại Malaysia cũng hạn chế, với chỉ hai sản phẩm là Hilux và Isuzu D-Max. Phần còn lại (như Nissan Navara và Mitsubishi Triton) đều nhập khẩu, nên sự khác biệt không đáng kể.
Mỹ Anh (Theo Paultan)