Mức mua ôtô hàng năm của người Malaysia ở mức 500.000-600.000 xe trong vòng một thập kỷ qua. Dữ liệu được Hiệp hội ôtô Malaysia (MAA) công bố:
Năm |
Doanh số cả xe con và xe thương mại |
Xe con |
2019 | 604.287 | 550.179 |
2018 | 598.714 | 533.202 |
2017 | 576.625 | 514.675 |
2016 | 580.124 | 514.545 |
2015 | 666.677 | 591.275 |
2014 | 666.465 | 588.341 |
2013 | 655.793 | 576.189 |
2012 | 627.753 | 552.189 |
2011 | 600.123 | 535.113 |
2010 | 605.156 | 543.594 |
Tổng số có 6,18 triệu xe con và xe thương mại bán ra trong 10 năm qua. Trong đó, gần 5,5 triệu xe con, tức trung bình mỗi năm khoảng 550.000 xe được tiêu thụ.
Trong năm 2010, số xe đăng ký ở Malaysia được ghi nhận là 20,18 triệu chiếc (gồm xe con, xe thương mại, xe máy). Đến giữa 2017, theo MAA, con số này tăng lên 28,18 triệu xe, trong đó gần 13,29 triệu xe con.
Tính đến cuối 2019, tổng số xe con đăng ký ở quốc gia này đã vượt 14 triệu chiếc, trong khi dân số khoảng 32,5 triệu người, tức tỷ lệ khoảng một xe cho mỗi 2,3 người.
Tuy nhiên, trong Top 10 xe bán chạy trong 10 năm qua, chỉ có bốn thương hiệu xuất hiện: Perodua, Proton, Toyota và Honda. Trong đó hai hãng nội địa Malaysia và hai hãng xe Nhật.
Honda bán được gần 725.000 xe trong 2010-2019, trong khi Toyota là gần 840.000 chiếc. Tổng doanh số của Proton trong thập kỷ qua là 1.129.450 xe. Perodua là quán quân với 2.042.304 xe.
Tổng số xe trong Top 10 là gần 3,7 triệu chiếc, tức chiếm gần 67% số xe con bán ra trong thời kỳ này. Danh sách gồm năm mẫu sedan, hai hatchback, hai MPV và một bán tải.
Top 10 xe bán chạy tại Malaysia trong 10 năm qua:
Xếp hạng | Mẫu xe | Doanh số |
1 | Perodua Myvi | 777.350 |
2 | Perodua Axia/Viva | 686.519 |
3 | Proton Saga | 515.004 |
4 | Perodua Alza | 364.209 |
5 | Toyota Vios | 288.737 |
6 | Honda City | 263.945 |
7 | Proton Persona | 242.106 |
8 | Toyota Hilux | 221.240 |
9 | Perodua Bezza | 184.038 |
10 | Proton Exora | 136.024 |
Proton và Perodua - hai hãng xe nội địa Malaysia - thành lập cách nhau 10 năm. Ra đời năm 1983, Proton thuộc sở hữu của chính phủ thông qua quỹ đầu tư quốc gia. Thủ tướng đương thời, ông Mahathir Mohamad được coi là cha đẻ của dự án này. Sự xuất hiện của Proton đã thay đổi cấu trúc của nền công nghiệp ôtô nước này khi chuyển từ lắp ráp đơn thuần sang chế tạo ôtô thương hiệu Malaysia.
Năm 1993, Perodua xuất hiện, nhưng sản phẩm không trùng phân khúc với Proton do chủ yếu sản xuất xe cỡ nhỏ. Perodua không tự thiết kế và sản xuất các bộ phận chính, như động cơ và hộp số, mà phát triển từ xe Daihatsu. Khi Perodua thành lập, Daihatsu giữ 20% cổ phần.
Hôm 21/2 vừa qua, Malaysia công bố Chính sách ôtô quốc gia 2020 (NAP 2020), đồng thời giới thiệu Dự án ôtô quốc gia mới (NNCP), có nghĩa quốc gia này sắp có hãng xe nội địa thứ ba.
Mỹ Anh (Theo Paultan)