![malaysia-keu-goi-asean-tap-trung-giai-quyet-van-de-bien-dong](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/06/04/140626-malaysia-hishammuddin-h-8964-9175-1465046349.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lb04GLQIrNNVlIwlSUWA9Q)
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hussein Hishammuddin. Ảnh: Straits Times
"Trong ASEAN có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Chúng ta không thể chỉ tiếp tục đổ lỗi cho Trung Quốc hoặc Mỹ, cho đến khi chúng ta đưa chính 'nhà' của mình vào khuôn khổ trật tự", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hussein Hishammuddin hôm nay nói với các phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-la, theo Straits Times.
Trước đó, tại phiên họp với chủ đề kiểm soát cạnh tranh quân sự ở châu Á có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar, ông Hishammuddin cũng kêu gọi ASEAN đoàn kết.
"Điều quan trọng đối với các nước nhỏ như các thành viên ASEAN là đảm bảo rằng bất cứ điều gì chúng ta làm, và bất cứ điều gì được quyết định bởi các cường quốc không khiến chúng ta mắc cạn khi thủy triều rút".
Tuy là bên tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia đã không để cho vấn đề này ảnh hưởng đến mối quan hệ ấm lên của nước này với Trung Quốc, theo Straits Times. Thủ tướng Malaysia Najib Razak tháng trước cũng kêu gọi các bên ASEAN giải quyết vấn đề với nhau một cách hòa bình.
Ông Hishammuddin hôm nay cũng đánh giá rằng việc đội tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia không quá nghiêm trọng, nói rằng vụ việc xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế chứ không phải lãnh hải Malaysia.
Khi được hỏi liệu Malaysia có tăng cường khả năng hàng hải, sau vụ xâm nhập vùng biển của đội tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi tuần duyên Trung Quốc, ông nói rằng: "Dù thế nào chúng tôi cũng sẽ tăng cường năng lực hải quân. Nhưng chúng tôi phải nhìn nhận một cách thực tế. Dù có tăng cường khả năng thế nào, thì hải quân của chúng tôi cũng chẳng thể lớn mạnh như Trung Quốc hay Mỹ.
"Vì vậy, chúng tôi sẽ phải căn cứ vào nhu cầu về mối quan tâm trước mắt, và vấn đề đó phải để hải quân quyết định, không phải là tôi".
Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Trung Quốc là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông với yêu sách "đường 9 đoạn", bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh còn ồ ạt bồi đắp, cải tạo trái phép 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo phi pháp. Bắc Kinh từ đầu năm nay lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông. Tại các kỳ Đối thoại Shangri-la gần đây, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước, trong đó có Mỹ.
Xem thêm: Trung Quốc ở Biển Đông - tâm điểm chỉ trích tại các kỳ Đối thoại Shangri-la
Phương Vũ