Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob và Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin công bố trên Twitter rằng cột mốc 80% này đã được hoàn thành vào trưa 21/9. Khairy nói thêm rằng Ủy ban Đặc biệt về Cung cấp Vaccine Covid-19 sẽ tập trung theo dõi 20% dân số trưởng thành chưa được tiêm chủng còn lại.
Theo trang web của Bộ Y tế Malaysia, tổng cộng 57,1% dân số nước này đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ tính đến ngày 20/9. Malaysia đã bắt đầu triển khai vaccine cho nhóm 12-17 tuổi trong tháng này, với mục tiêu ít nhất 60% thanh thiếu niên được tiêm một mũi vào đầu tháng 11 và hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ nhóm này trước khi các trường học tái mở cửa vào năm sau.
Malaysia còn dự kiến bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người trên tuyến đầu chống dịch và các nhóm nguy cơ cao vào tuần đầu tiên của tháng 10, do lo ngại hiệu quả của vaccine suy giảm theo thời gian.
Malaysia hôm 21/9 báo cáo 15.759 ca nhiễm mới, tăng nhẹ so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.127.934, trong đó 24.078 người đã tử vong.
Mặc dù vậy, số ca nhiễm mới nhìn chung có dấu hiệu giảm so với mức đỉnh điểm tháng trước, khi Malaysia ghi nhận trung bình hơn 20.000 ca mỗi ngày. Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), chỉ số giúp xác định một ca nhiễm có thể lây cho trung bình bao nhiêu người, cũng đã giảm xuống 0,93, cho thấy virus đang lây chậm lại.
Với mục tiêu tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào cuối tháng sau, Malaysia hôm qua thông báo nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế. Tất cả nhà hàng và cửa hàng đa chức năng sẽ được hoạt động từ 6h đến nửa đêm, bất kể mức độ hồi phục của địa phương. Kế hoạch thí điểm nhằm nối lại du lịch trong nước cũng sẽ được mở rộng.
Thế giới đã ghi nhận 230.218.136 ca nhiễm nCoV và 4.720.840 ca tử vong, tăng lần lượt 611.619 và 14.327, trong khi 206.914.101 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Singapore ghi nhận thêm 1.178 ca nhiễm nCoV, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, nâng tổng số ca nhiễm lên 79.899, bao gồm 65 trường hợp tử vong. Đây là lần thứ ba trong vòng 4 ngày số ca nhiễm mới tại Singapore vượt 1.000.
Xu hướng ca nhiễm gia tăng sau khi nới lỏng một số biện pháp hạn chế khiến Singapore quyết định tạm dừng thúc đẩy tái mở cửa, dù hơn 80% dân số đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ. Một số chuyên gia y tế nước này đang kêu gọi bắt buộc tiêm chủng, do số ca nghiêm trọng ở những người chưa tiêm ngày càng tăng, đe dọa hệ thống y tế.
"Tôi muốn bắt buộc những người trên 60 tuổi tiêm vaccine. Họ là nhóm có nguy cơ tử vong cao nhất. Đó cũng là lý do nhóm tuổi này được lựa chọn tiêm sớm và tiêm mũi tăng cường", Dale Fisher, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nêu quan điểm.
Những hy vọng rằng ổ dịch tại tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đã được kiểm soát cũng bị gác lại, khi 42 ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày Trung thu, nâng tổng số ca trong đợt bùng phát này lên 408. Chưa có trường hợp tử vong mới nào được báo cáo.
Những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, với xét nghiệm trên các mẫu cho thấy họ nhiễm biến chủng Delta. Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người đang có mặt tại Phúc Kiến để theo dõi tình hình, cho biết mặc dù công tác kiềm chế ổ dịch đã đạt một số "thành công ban đầu", vẫn còn những điều "chưa chắc chắn".
"Chúng ta không thể lạc quan một cách mù quáng, càng không thể lơ là cảnh giác", bà cho hay, đồng thời kêu gọi xét nghiệm nhanh và toàn diện hơn, điều tra dịch tễ học chi tiết hơn để kiểm soát sự lây lan của virus.
Trong khi đó, số ca tử vong trung bình vì Covid-19 tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, lần đầu tiên vượt 1.900 ca/ngày kể từ tháng 3, tương đương mức tăng 40% trong vòng hai tuần, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Nước này đã ghi nhận tổng cộng hơn 43 triệu ca nhiễm và hơn 696.000 ca tử vong.
Theo số liệu của AP, hơn 70 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 vẫn chưa tiêm chủng. Nhiều cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp lại phổ biến các bệnh như béo phì và tiểu đường, kết hợp với sự lây lan của biến chủng Delta, dẫn đến nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao, tiến sĩ William Moss của Đại học Johns Hopkins giải thích.
"Tôi nghĩ đây là thất bại thực sự của xã hội, cũng là tội lỗi nghiêm trọng nhất của chúng ta, khi để các bệnh viện và khoa điều trị tích cực bị quá tải và số ca tử vong mỗi ngày lên đến mức đó", Moss nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo Straits Times, Reuters, SCMP, Guardian)