Trả lời các câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân máy bay đi vào khu vực đang có chiến sự, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai khẳng định máy bay đã đi theo đường bay đúng. Theo ông, đường bay của MH17 đã được phê duyệt và không phận này thường được sử dụng dành cho các chuyến bay từ châu Âu đến châu Á.
"Các hãng máy bay châu Âu cũng sử dụng đường bay tương tự và đi qua không phận này. Vài giờ trước khi xảy ra vụ việc, một số phi cơ chở khách khác từ các hãng khác nhau cũng sử dụng tuyến đường bay tương tự", Guardian dẫn lời ông nói trong buổi họp báo hôm nay.
Ông khẳng định không có chỉ thị yêu cầu phi công của MH17 chuyển hướng vào những phút cuối cùng. Chiếc Boeing 777 có lịch sử rõ ràng và tất cả hệ thống của máy bay đều hoạt động bình thường.
Người phát ngôn của Malaysia Airlines cũng khẳng định 15 trên 16 hãng hàng không Đông Nam Á sử dụng tuyến đường này. Đây là tuyến đường an toàn và hầu hết các quốc gia khác đều sử dụng nó.
Trước đó một số chuyên gia hàng không nêu nghi vấn MH17 có thể đã bay theo một đường bay khác trước khi gặp nạn ở Ukraine.
Robert Mark là một phi công thương mại và chuyên gia hàng không. Theo ông, chuyến bay MH17, bị bắn hạ hôm 17/7 ở khu vực miền đông Ukraine, đã đi lệch hướng gần 500 km về phía bắc so với đường bay thông thường.
Phi cơ bay theo hướng bắc về phía Ukraine, lệch hướng xa hơn so với đường bay của các chuyến bay khác. Hầu hết các chuyến bay của Malaysia Airlines (MAS) từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thường đi theo một đường bay lệch về phía nam.
Theo Telegraph, nhận định này được đưa ra dựa trên các dữ liệu của hệ thống FlightAware trong hai tuần qua. Theo dữ liệu này, chuyến bay MH17 có đường bay khác so với các chuyến bay có lộ trình tương tự trước đó. FlightAware là hệ thống được sử dụng để quan sát nơi máy bay bắt đầu và di chuyển trong hành trình bay.
"Với tư cách là một phi công thương mại, tôi chỉ có thể nói rằng nếu chúng tôi đã được phân công lộ trình bay này, nhưng tình hình chiến sự căng thẳng vẫn đang tiếp diễn ở biên giới Nga và Ukraine trong nhiều tháng qua, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận đường bay đó", Mark nói.
Nhận định của Mark làm dấy lên nhiều nghi vấn xung quanh việc tại sao một số máy bay chở khách vẫn bay vào khu vực đang có chiến sự, mặc dù phi công được cảnh báo về điều đó. Các cơ quan an ninh hàng không ở Mỹ và châu Âu hồi tháng 4 từng cảnh báo phi công về những mối đe dọa tiềm ẩn khi bay vào hoặc bay gần không phận Ukraine.
Theo New York Times, kết quả trong một cuộc khảo sát về các chuyến bay từ châu Âu tới châu Á tuần trước cho thấy, một số hãng hàng không đã chủ động tránh bay qua khu vực miền đông Ukraine để đảm bảo an toàn.
Giới chuyên gia cho rằng các nhà điều hành vẫn cho máy bay tiếp tục đi qua khu vực này vì đây là con đường nhanh nhất và rẻ nhất đối với một số chuyến bay.
"Malaysia Airlines, cũng giống như một số hãng hàng không khác, tiếp tục sử dụng tuyến đường này vì đó là tuyến đường ngắn hơn, đồng nghĩa với việc tiết kiệm nhiên liệu và tiền bạc hơn", Norman Shanks, một thành viên của tổ chức an ninh thuộc tập đoàn hàng không BAA, cho hay.
Nhiều vụ bắn rơi máy bay được ghi nhận trong thời gian qua ở Ukraine. Hai phi cơ quân sự của Ukraine bị bắn hạ trong vòng một tuần và một phần ba các vụ việc tương tự đều liên quan đến tên lửa.
Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 đang trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì biến mất khỏi radar và rơi xuống miền đông Ukraine. Tất cả 298 người, gồm 15 người thuộc tổ bay, thiệt mạng. Theo dữ liệu ban đầu, các hành khách có quốc tịch Hà Lan, Mỹ, Anh, Nga, Malaysia... Có 3 người Việt Nam trên máy bay. Đội cứu hộ đã thu thập được 181 thi thể.
Thùy Linh