"Bất chấp tất cả nỗ lực ngăn chặn của chúng ta, chủng virus này vẫn tiếp tục lây lan và tăng tốc", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 12/3, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận gần 2.900 ca nhiễm nCoV và hơn 60 người tử vong.
Macron cho rằng nước Pháp đang bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ do Covid-19 gây ra, nên ông quyết định tất cả trường học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 16/3 "cho đến khi có thông báo mới".
Tổng thống Pháp cũng đề nghị những người trên 70 tuổi, mắc các bệnh mạn tính, vấn đề về hô hấp và người khuyết tật cố gắng ở nhà lâu nhất có thể. Đây là nhóm người có nguy cơ bị tổn thương cao nhất trong dịch bệnh.
"Tất nhiên họ có thể rời khỏi nhà để đi mua sắm, hít thở không khí, nhưng họ nên hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt", Macron cho hay.
Tuy nhiên, đối với cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc dự kiến vào ngày 15/3, Macron cho biết ông đã tham vấn giới chuyên gia và họ nhận định "không có gì ngăn người Pháp, thậm chí đối tượng dễ tổn thương nhất, đi bỏ phiếu", miễn là mọi người tuân thủ các quy tắc chống lây nhiễm cơ bản.
Giới chức Pháp đã công bố một loạt biện pháp bảo vệ, bao gồm khuyến cáo giữ khoảng cách an toàn với người khác, cung cấp nước rửa tay sát khuẩn tại trạm bỏ phiếu. "Thời điểm này, điều quan trọng là đảm bảo duy trì cuộc sống dân chủ cho người dân và các thể chế của đất nước", Macron cho hay.
Tổng thống Pháp còn đề cập tới nỗi lo lắng của các chủ doanh nghiệp nhỏ, cũng như ngành công nghiệp du lịch và văn hóa vốn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Ông cho biết chính phủ sẽ "chịu trách nhiệm bồi thường cho những người lao động buộc phải ở nhà".
Thêm vào đó, các công ty có thể hoãn nộp thuế và các khoản đóng góp công cộng khác mà không bị phạt. Các chủ lao động cũng nên cho phép nhân viên làm việc từ xa, Macron nói thêm.
Ông cho biết giao thông công cộng sẽ không bị gián đoạn, "bởi việc đình chỉ chúng sẽ khiến tất cả bị tê liệt, bao gồm cả công tác chăm sóc sức khỏe", nhưng khuyên người dân nên hạn chế sử dụng tàu hay xe buýt nếu có thể.
Cho rằng nCoV "không cần hộ chiếu", ông hối thúc châu Âu phản ứng "nhanh chóng và quyết liệt" để "tái khởi động" nền kinh tế khi đối mặt với đại dịch, nhấn mạnh bất cứ biện pháp đóng cửa biên giới nào cũng đều phải được thống nhất ở "cấp độ châu Âu".
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại 127 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 134.000 người mắc bệnh và gần 5.000 ca tử vong. Dịch bệnh gần đây ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu, với tâm điểm là Italy, nơi đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người chết.
Ánh Ngọc (Theo AFP)