Tại Frankfurt, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại Covid-19 có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ như những gì từng xảy ra hồi năm 2008. Tại Berlin, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo nCoV có thể lây nhiễm cho 2/3 dân số Đức. Tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tung ra gói cứu trợ gần 40 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đứng vững trước cú sốc nặng nề.
Trong khi số người nhiễm virus tiếp tục tăng vọt và thị trường tài chính toàn cầu, từ Tokyo đến New York, tiếp tục chao đảo, các lãnh đạo thế giới cuối cùng cũng đã bắt đầu phát đi tiếng nói về tầm nghiêm trọng của Covid-19, giờ đây đã được Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch.
Tuy nhiên, tiếng nói của các lãnh đạo thế giới hiện không đồng nhất khi mà mỗi nước đều đang phải vật lộn đối phó với những thách thức nhiều chiều của nCoV, từ quá tải hệ thống y tế, nền kinh tế bị tàn phá cho đến số ca tử vong vì virus không ngừng tăng.
"Dàn hợp xướng" còn thiếu đi một nhạc trưởng, vốn là vai trò quen thuộc của Mỹ từ sau Thế chiến II tới nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không phối hợp được với các lãnh đạo thế giới khác để đưa ra một phản ứng chung. Ông thích thúc đẩy các lệnh cấm di chuyển và xây bức tường biên giới hơn là hành động dựa trên lời khuyên khoa học từ đội ngũ chuyên gia y tế của chính mình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn gọi nCoV là "virus Vũ Hán", như một cách để đổ lỗi cho quốc gia nơi dịch bệnh khởi phát, đồng thời làm phức tạp thêm những nỗ lực điều phối phản ứng toàn cầu.
Cách tư duy phớt lờ bằng chứng khoa học và chỉ tập trung vào việc ngăn chặn người từ bên ngoài vào nước mình đã xuất hiện ở rất nhiều nơi, đặc biệt là những phe phái theo chủ nghĩa dân túy tại châu Âu. Điều này chỉ gieo rắc hoài nghi và khiến dân chúng không biết nên tin ai.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, không thể đổ lỗi cho Trump hay các lãnh đạo thế giới khi họ thiếu đi tiếng nói thống nhất. Vấn đề có thể đơn giản chỉ nằm ở tính chất nguy hiểm của dịch bệnh.
Hàng loạt công cụ mà các nước sử dụng để chống lại những thảm họa dịch bệnh toàn cầu trước đây đều không hiệu quả trước nCoV. Tốc độ lây lan nhanh chóng của virus và khó khăn trong việc xác định nguồn lây khiến các quốc gia phải gấp rút đưa ra những phản ứng khác nhau. Việc thiếu các tiêu chuẩn chung về xét nghiệm, về chính sách hủy bỏ các sự kiện tụ họp công cộng hay về biện pháp cách ly càng làm sâu sắc thêm tâm lý hoang mang trong người dân và gây xói mòn niềm tin vào giới lãnh đạo.
Những cú sốc đồng thời đối với cán cân cung cầu, các nhà máy bị đóng cửa, du lịch đình trệ, hàng không vắng khách... đều là những hiện tượng mới và có thể quá lớn với những "vũ khí" mà chính phủ các nước tung ra sau những cơn biến động trong quá khứ như vụ khủng bố 11/9/2001 hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Bản chất cuộc khủng hoảng hiện nay rất khác so với cuộc khủng hoảng năm 2008 bởi những công cụ truyền thống không phát huy hiệu quả", Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Richard N. Haass, nhận xét. "Ngay cả nếu Mỹ đảm nhận vai trò lãnh đạo, những biện pháp truyền thống cũng sẽ không hoàn toàn phát huy tác dụng trong bối cảnh hiện nay".
Chẳng hạn, Anh được ca ngợi vì những động thái phản ứng mạnh mẽ về kinh tế như dự trù ngân sách hộ trợ hàng tỷ USD cho những bệnh viện và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay cắt giảm mạnh lãi suất. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán London vẫn sụt giảm.
Theo Haass, việc tập trung vào đối phó với cú sốc kinh tế là điều dễ hiểu song chưa thực sự chín chắn. Ông cho rằng các quốc gia cần dồn nguồn lực vào nhiệm vụ làm chậm và giảm thiểu sự lây lan của nCoV trước khi bắt tay vào thực hiện các chương trình tài khóa để khắc phục thiệt hại kinh tế.
Song nỗ lực của họ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tại Mỹ, sự chậm trễ trong phát triển các bộ xét nghiệm virus dẫn tới việc bệnh nhân không được xét nghiệm kịp thời khiến nhà chức trách không có được bức tranh toàn cảnh về quy mô dịch bệnh dù nhiều tuần đã trôi qua kể từ khi Mỹ phát hiện những ca nhiễm đầu tiên.
Tại Italy, tranh cãi đang nổ ra giữa giới chính trị gia và chuyên gia y tế về việc liệu chính quyền có đang xét nghiệm quá nhiều người ở Lombardy, làm con số lây nhiễm tăng nhanh, gây hoang mang trong cộng đồng hay không. Phản ứng của Italy còn có thể bị suy yếu hơn nữa bởi phong trào bài vaccine từng được đảng dân túy Phong trào 5 Sao theo đuổi.
Ngay cả việc so sánh một ca nhiễm của một quốc gia với quốc gia khác cũng là điều bất khả thi do quy trình xét nghiệm và tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau trên toàn cầu, tiến sĩ Chris Smith, chuyên gia vi khuẩn học tại Đại học Cambridge, đánh giá.
Một ví dụ điển hình, số ca nhiễm nCoV của Trung Quốc tăng vọt khi họ bắt đầu ghi nhận những trường hợp dương tính dựa vào triệu chứng của người bệnh thay vì kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, phương pháp được hầu hết các nước đang sử dụng. Nhưng thậm chí xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng có thể cho ra các kết quả khác nhau ở những nơi khác nhau, phụ thuộc vào mẫu bệnh phẩm hay cách các nhân viên y tế thu thập, xử lý mẫu, chuyên gia nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)