Các vấn đề về nhận thức, chứng hay quên hoặc mệt mỏi là đặc điểm của Covid-19 kéo dài. Triệu chứng này ảnh hưởng đến một số bệnh nhân. Song trước đây, giới chuyên môn vẫn chưa xác định được mức độ phổ biến của tình trạng này trên người từng mắc Covid-19.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford đã nghiên cứu 136 F0 không gặp di chứng kéo dài điển hình, bao gồm mệt mỏi mạn tính, mất vị giác, khứu giác, khó thở,... Họ được yêu cầu hoàn thành các bài tập trí nhớ để kiểm tra khả năng nhận thức.
Trong công bố hôm 19/1, các chuyên gia cho biết trí nhớ theo từng giai đoạn (khả năng ghi nhớ về trải nghiệm cá nhân) của các tình nguyện viên kém hơn đáng kể. Tình trạng này kéo dài khoảng 6 tháng sau nhiễm bệnh. Khả năng duy trì tập trung của họ cũng giảm so với những người không mắc Covid-19, kéo dài tới 9 tháng.
Tiến sĩ Sijia Zhao, khoa Tâm lý Thực nghiệm, Đại học Oxford, cho biết: "Điều đáng ngạc nhiên là họ không có bất cứ di chứng nào khác ở thời điểm thử nghiệm, chỉ bị suy giảm tập trung và trí nhớ".
Thông thường rối loạn trí nhớ xảy ra ở người mắc "hội chứng mệt mỏi mạn tính". Nguyên nhân cơ bản là viêm thần kinh do hoạt động của tế bào miễn dịch trong não, gọi là microglia. Ở người khỏe mạnh, microglia có vai trò quan trọng trong việc giữ tế bào thần kinh não hoạt động bình thường, song chúng rất dễ bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho biết trí nhớ theo từng giai đoạn và khả năng tập trung của tình nguyện viên trở lại bình thường sau 6 đến 9 tháng. Những người này sau đó có kết quả tốt trong các bài kiểm tra về khả năng nhận thức khác, như trí nhớ về công việc và lập kế hoạch.
Tiến sĩ Stephen Burgess, thành viên Đơn vị Thống kê Sinh học MRC tại Đại học Cambridge, cho biết nghiên cứu có lượng nhỏ người tham gia. Đồng thời nó không thực hiện theo phương pháp ngẫu nhiên.
"Dù vậy, điểm khác biệt giữa những người đã và chưa từng mắc Covid-19 rất đáng lưu tâm", ông nói.
Thục Linh (Theo Reuters)