6 tháng sau khi nhiễm nCoV, khoảng 1,6 triệu người Mỹ vẫn không thể ngửi, nếm bình thường. Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này còn chưa rõ ràng, song các nhà khoa học cho rằng nó bắt nguồn từ tổn thương tế bào ở một phần của mũi (gọi là biểu mô khứu giác). Các tế bào này bảo vệ dây thần kinh khứu giác, giúp con người ngửi được mùi xung quanh.
Tiến sĩ Justin Turner, phó giáo sư khoa tai mũi họng tại Đại học Vanderbilt, nhận định: "Dữ liệu ban đầu cho thấy các tế bào hỗ trợ biểu mô khứu giác là những tế bào chính nhiễm virus. Có lẽ điều này khiến tế bào thần kinh bị hủy hoại. Nhưng chúng tôi không biết nguyên nhân và thời điểm điều đó xảy ra, và tại sao nó lại phổ biến hơn ở một số bệnh nhân nhất định".
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Genetics ngày 17/1 đã lý giải điều đó. Theo các nhà khoa học, một vị trí di truyền gần hai gene khứu giác có liên quan đến hiện tượng không thể ngửi mùi hương hậu Covid-19. Đây là vị trí cố định của gene nhiễm sắc thể.
Yếu tố di truyền đó làm tăng 11% tỷ lệ mất khứu giác hoặc vị giác hậu Covid-19. Theo ước tính, 4 trên 5 bệnh nhân sẽ lấy lại được giác quan. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo tình trạng có thể kéo dài hoặc làm giảm khả năng khứu giác vĩnh viễn, ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý người bệnh.
Nghiên cứu được các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học và gene 23andMe thực hiện tại Mỹ và Anh. Trong gần 70.000 tình nguyện viên từng mắc Covid-19, 68% cho biết đã gặp di chứng mất vị giác và khứu giác.
Khi so sánh khác biệt về gene giữa các tình nguyện viên, nhóm chuyên gia đã tìm thấy vùng bộ gene lý giải cho tình trạng này, có tên gọi UGT2A1 và UGT2A2. Hai gene đóng vai trò chuyển hóa chất tạo mùi.
"Đây là một ví dụ khoa học thực sự tuyệt vời. Khởi đầu với những người đã tham gia nghiên cứu, chúng tôi có thể nhanh chóng có được các kiến thức sinh học về căn bệnh", Adam Auton, Phó ban di truyền học con người tại 23andMe, tác giả nghiên cứu cho biết.
Các chuyên gia chưa rõ cách thức chuyển hóa chất tạo mùi của UGT2A1 và UGT2A2. Auton và các đồng nghiệp đưa ra giả thuyết rằng hai gene "đóng vai trò nào đó trong sinh lý của các tế bào nhiễm bệnh" và dẫn đến mất mùi khứu giác.
Để nghiên cứu sâu hơn từ phát hiện này, các nhà khoa học cần tìm hiểu thêm về gene được biểu hiện và chức năng của chúng trong việc truyền tín hiệu khứu giác, ông Turner nhận định.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ gặp di chứng này cao hơn nam giới 11%. Người trưởng thành trong độ tuổi từ 26 đến 35 chiếm 73% trong nhóm mất khứu giác.
Ngoài ra, các chuyên gia phát hiện người Mỹ gốc Đông Á hoặc người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mất khứu giác hoặc vị giác thấp hơn. Nhóm nghiên cứu nói nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa rõ ràng, đồng thời lưu ý dữ liệu của công trình còn hạn chế, bởi họ chỉ tập trung vào người gốc châu Âu.
Danielle Reed, Phó giám đốc Trung tâm Cảm giác Hóa chất Monell, cho biết phát hiện mới có thể hỗ trợ các bệnh nhân gặp di chứng theo hai cách. Đầu tiên, nó giúp trả lời câu hỏi "vì sao một số người gặp phải triệu chứng này và một số không". Nó cũng giúp các nhà khoa học tìm hiểu về biện pháp điều trị cho tình trạng này.
Các công trình trước đó cho thấy mất mùi vị do tế bào thần kinh cảm giác của mũi và lưỡi bị hủy hoại sau nhiễm nCoV. "Nghiên cứu này gợi ý một hướng đi khác. Nó chỉ ra các yếu tố phá vỡ chất hoá học dẫn truyền mùi vị có thể làm giả khả năng ngửi nếm hoặc làm sai lệch mùi hương", bà Reed nói.
Trong đại dịch, mất vị giác và khứu giác được coi là triệu chứng đặc trưng để phân biệt bệnh. Đánh giá ban đầu cho thấy Omicron ít gây ra tình trạng này, nhưng tỷ lệ không phải bằng không. Trong một nghiên cứu về 81 F0 nhiễm Omicron ở Na Uy, 12% trường hợp báo cáo vị giác bị suy giảm và 23% mất dần vị giác.
Thục Linh (Theo NBC)