Bệnh nhân nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM hai tuần trước trong tình trạng viêm phổi tái phát, sốt 39 độ C, khó thở, ho có đờm, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) tụt dưới 90%. Một tháng trước, ông từng nhập viện vì nguyên nhân tương tự. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp do viêm phổi nặng hậu Covid-19.
Bác sĩ Trần Minh Giang, phó trưởng khoa ICU, cho biết may mắn nhà bệnh nhân gần bệnh viện nên được xử trí cấp cứu kịp thời. Sau khi điều trị ổn định, người bệnh được tư vấn tiêm vaccine ngừa cúm, phế cầu để tăng sức đề kháng trước khi xuất viện.
Những tháng gần đây, số lượt bệnh nhân đến khám di chứng hậu Covid-19, như suy tim, viêm phổi, tổn thương phổi, rối loạn lo âu... tại bệnh viện gia tăng, nhiều người phải nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Giang, người bệnh thường có chung biểu hiện mệt mỏi, khó thở, thở gắng sức khi bế con cháu, lên cầu thang hay chỉ đi bộ quanh nhà. Đây là di chứng thường gặp hậu Covid-19, có thể tự hết sau một thời gian, tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh trở nặng do chủ quan không tái khám để chặn đứng kịp thời.
Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân có chỉ định nhập viện điều trị di chứng sẽ vào khoa Nội Tổng hợp để theo dõi, đánh giá tổng trạng sức khỏe. Những trường hợp nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng, bạch cầu tăng cao... phải chuyển đến khoa ICU. Tại khoa ICU, bệnh nhân thường phải điều trị kháng sinh liều cao trong hai tuần mới có thể hồi phục, xuất viện.
Ghi nhận thực tế toàn bệnh viện, các bác sĩ thấy phần lớn những bệnh nhân có di chứng tổn thương phổi hậu nhiễm Covid-19 là người có bệnh nền tim mạch. Tại khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, người có bệnh nền tim mạch sau nhiễm Covid-19 thường có nhiều xáo trộn như huyết áp không ổn định, rối loạn nhịp tim, cấp độ suy tim tăng lên, tái nhập viện nhiều lần do hồi hộp, khó thở, viêm phổi, suy tim...
Điển hình như một bệnh nhân nam, 60 tuổi, ngụ Bến Tre, mắc Covid-19 trên nền bệnh cao huyết áp, tiểu đường, đã tiêm vaccine. Sau khi điều trị khỏi Covid-19 tại địa phương, ông vẫn bị khó thở kéo dài và được người nhà đưa tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh điều trị di chứng hậu Covid-19. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi trên nền suy tim độ 4.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch cho biết có thể bệnh nhân suy tim mức độ nhẹ từ trước nhưng không hay biết, đến giai đoạn hậu Covid-19 thì mức độ suy tim nặng lên. Người bệnh được điều trị hai tuần, sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị suy tim... mới ổn định sức khoẻ. Hiện bệnh nhân vẫn cần đến bệnh viện tái khám và theo dõi đều đặn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Tim mạch còn ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị rối loạn nhịp tim nhanh hậu Covid-19. Đa số người bệnh có nhịp tim trên 110-120 lần mỗi phút, thở hụt hơi, khó thở, thở gắng sức. Tình trạng tim đập nhanh xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng đầu sau khi họ âm tính virus. Lý giải hiện tượng này, bác sĩ Kiều cho hay người lớn tuổi, có bệnh nền có nguy cơ mắc các triệu chứng hậu Covid-19 càng cao, dễ mất cân bằng các chỉ số sinh học cơ thể. Đặc biệt là chỉ số huyết áp, nhịp tim, đường huyết trước vốn cân bằng hoặc đã được điều trị ổn định nhưng sau nhiễm Covid-19, cơ thể có nhiều rối loạn nên chỉ số thay đổi thất thường, cần can thiệp.
Để giảm tỷ lệ nhập viện hậu Covid-19, bác sĩ Kiều khuyến cáo người dân nên chủ động khám sức khỏe trong vòng 1-3 tháng đầu khỏi bệnh. Với người có triệu chứng mệt, khó thở, hụt hơi, tim đập nhanh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền thì cần đến bệnh viện khám sớm hơn. Covid-19 có thể để lại nhiều di chứng lên tim mạch, phổi, tiêu hóa, thần kinh, tâm lý... nên người bệnh có thể đăng ký khám bệnh theo từng chuyên khoa hoặc khám sức khỏe tổng quát.
Để đánh giá toàn diện sức khỏe và phát hiện sớm di chứng Covid-19 cho người bệnh, theo bác sĩ Giang, ngoài việc bác sĩ có tay nghề cao thì còn cần có đầy đủ thiết bị máy móc hiện đại để "dò" ra di chứng. Ví dụ, người bệnh bị di chứng hô hấp, khó thở kéo dài sẽ được tư vấn chụp CT phổi liều thấp bằng máy CT 768 lát cắt. Máy có phần mềm hỗ trợ AI (trí tuệ nhân tạo) phát hiện di chứng Covid-19 trên phổi nhờ khả năng phân tích nhu mô phổi còn bao nhiêu phần trăm, phản ánh chính xác mức độ tổn thương phổi và ghi nhận tình trạng phổi như đông đặc, kín mờ, sẹo, xơ, tổn thương ngoại biên...
"Bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng càng nặng về hô hấp thì để lại di chứng phổi càng nhiều. Đặc biệt, gần như 100% người bệnh có thở oxy liều cao đều có di chứng tại phổi, xơ phổi", bác sĩ Giang nói. Do đó, căn cứ trên kết quả CT và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện đối với trường hợp cần can thiệp, hoặc tư vấn điều trị phục hồi với trường hợp nhẹ.
Với người bệnh bị di chứng nhẹ, viêm phổi đơn thuần chỉ cần điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, nâng dung tích phổi bằng cách như tập các động tác hít thở, hít xà, hít đất, bơi lội, chèo thuyền... Sau 3 tháng tập luyện, người bệnh nên quay lại bệnh viện để được kiểm tra lại, đánh giá mức độ cải thiện sau khi tập phục hồi chức năng phổi.
Với người bệnh có di chứng liên quan tim mạch, các bác sĩ tim mạch sẽ tư vấn khám tổng quát để loại trừ nguyên nhân có bệnh nền tim mạch trước đó, như suy tim, hở van tim, thiếu máu cơ tim nhưng không biết do chưa đi khám bệnh. Trường hợp người bệnh đã khám tổng quát nhưng không phát hiện bất thường thì sẽ được điều trị rối loạn nhịp tim nhanh bằng thuốc, chế độ luyện tập, thư giãn và tập tâm lý trị liệu.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai chương trình chăm sóc, khám tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng hậu Covid-19 với các chuyên khoa sâu như: hô hấp, tim mạch, nội tiết, nội thần kinh, đái tháo đường, cơ xương khớp, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng... Bên cạnh tư vấn, tầm soát thể chất, tâm lý, bệnh viện còn dự phòng các nguy cơ sức khỏe cho người bệnh, phòng tránh di chứng nặng do Covid-19. Liên hệ đặt lịch khám với các chuyên gia hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: - Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858 - TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789. |
Tuệ Diễm