Hồi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, tôi và nhiều người bạn trong lớp ai cũng tin vào sự thật rằng sờ đầu cụ Rùa trong khuôn viên Quốc Tử Giám (Hà Nội) là một cách lấy may, là cách tăng thêm niềm tin vượt qua được kì thi tốt nghiệp và đỗ đại học.
Cả lớp tôi có 53 học sinh thì có đến 49 bạn nhiệt thành cùng sự cần mẫn, ai cũng cố gắng sờ đủ đầu những cụ Rùa với mong muốn đậu tốt nghiệp, đỗ tú tài.
Kết quả năm đó, cả 53 bạn lớp tôi đều đỗ tốt nghiệp, kể cả bốn bạn không sờ đầu rùa. Trong đó, bốn bạn không sờ đầu rùa lại là những thí sinh đỗ điểm cao nhất trong kì thi đại học. Kì lạ hơn họ lại đỗ những trường đại học sừng sỏ tại thủ đô. Tôi đã tự hỏi tại sao họ không sờ đầu cụ Rùa mà vẫn may mắn đỗ cao đến vậy?
Tôi không muốn nói đến việc sờ đầu cụ Rùa hay không, tôi chỉ muốn đề cập đến ý thức của người dân Việt Nam nói chung và chẳng nói riêng ai trong việc đi lễ, chùa, đến những nơi thanh tịnh.
Vừa qua, lần đầu tiên tôi được tham quan chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh chi tiết chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, nhưng có ai để ý những tôn giả đứng hiên ngang ở dãy hành lang đó không?
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy Tôn giả Du Hý mất ngón tay trỏ bàn tay bên phải, Tôn giả Hộ Diệu Pháp mất ngón tay cái, ngón giữa, ngón trỏ bàn tay trái. Tôn giả Vô Lượng Minh mất ngón trỏ bàn tay trái.
Bên cạnh đó, Tôn giả Tôn Diệu Minh mất ngón trỏ bàn tay phải, Tôn giả Sư Tử Giáp nứt đầu gối trái, Tôn giả Chất Trực Hành mất ngón đeo nhẫn bàn tay trái, Tôn giả Cụ Túc Nghi mất ngón trỏ và ngón út bàn tay trái…
Các bạn đi lễ chùa, vậy lễ của các bạn được bao nhiêu? Ý tôi là số tiền các bạn bỏ ra cho buổi lễ lộc đó được bao nhiêu? Tôi thấy người thì đặt 10.000 đồng, người bỏ 1.000 đồng, người thì thắp hương vàng mã, người đem theo vài cân hoa quả, nhưng ai cũng cầu xin công danh, may mắn. Họ cầu đủ mọi điều ước trên đời với chi phí là một ít tiền lẻ.
Bạn nói lòng thành là chủ yếu nhưng các bạn đã làm gì? Tôi phải dùng từ sờ mó, người người đi chùa, nhà nhà đi lễ mà ý thức về sự thanh tịnh trong tín ngưỡng của các bạn còn kém lắm.
Hành động sờ mó vào tượng, các bạn có thấy bất kính không hay thấy thế là bình thường?
Sờ mó vào tượng là quá đáng rồi, tận mắt tôi còn nhìn thấy một bác đầu trọc mặc áo may ô, hai tay xăm phải đến 8 con rồng. Bác ta cứ vừa đi vừa đập thùm thụp vào tượng. Rồi lại một bác nữa, bác này mặc ăn mặc chỉn chu nhưng sức mạnh mà bác dồn vào những tượng Tôn Giả chắc cũng phải đến 12 phần công lực.
Sau bác ấy cũng nhiều người trí thức lắm, toàn thanh niên. Nhìn thoáng qua ai cũng toát ra vẻ tao nhã, sự thanh tịnh thuần khiết, "sơ vin", kính mã chỉnh tề, đầu tóc chải chuốt. Họ cũng rất nhiệt tình trong cái thú sờ mó các pho tượng.
Bạn sẽ hỏi tôi lúc ấy làm gì? Tôi chẳng thể làm gì lúc đó cả nhưng tôi ghi nhận. Tôi thấy một thanh niên cũng xăm đủ thứ tranh ảnh từ cổ đến tay. Anh ta dừng lại trước tượng Tôn Giả Hộ Diệu Pháp nhìn vào bàn tay trái của tượng và hỏi rằng: “Sao tượng lại rụng hết ngón tay thế này?”.
Những Tôn Giả kia bị trầy xước không phải vì thời gian, cũng chẳng phải vì thiên nhiên, mà do chính tín ngưỡng của các bạn gây nên. Tôi cũng chỉ là một người "phàm phu tục tử" nhưng tôi biết tôi là người Việt Nam. Tôi cũng có tín ngưỡng của tôi nhưng đức tin của tôi có ý thức.
Tôi cần các bạn, những ai hiểu được lời tôi nói. Chúng ta hãy chung tay góp sức cho cộng đồng bằng cách có ý thức hơn một chút trong việc đi lễ chùa. Đừng, bao giờ sờ mó vào tượng nữa, đừng chen lấn xô đẩy nhau khi đến những nơi linh thiêng, đừng chụp ảnh ồn ào ở những nơi thanh tịnh như vậy.
>> Xem thêm: Chen nhau mang tiền đi 'hối lộ' Phật
Chia sẻ bài viết của bạn về ý thức của người Việt tại đây.