Andrew miêu tả về “sự tỉnh táo” như thành tựu anh cần đạt được ở tuổi 24 cho năm cuối đại học. Đó là không cần phải uống bia, rượu khi bị thất tình, không còn phải nương nhờ vào chất kích thích để khỏi thấy sợ kỳ thi đang tới, cố gắng không rít một hơi thuốc để thoát khỏi sự hỗn loạn khi biết mình có thể thất nghiệp.
New York Times cho hay đại dịch ma túy đã trở thành cuộc khủng hoảng giết nhiều người nhất trong lịch sử Mỹ, 45.000 người đã chết vì dùng ma túy hoặc bị quá liều trong năm qua.
Andrew giải thích cảm giác của thế hệ cậu: trong một xã hội càng căng thẳng, người ta càng sử dụng nhiều chất kích thích. Các loại đơn giản ban đầu, tưởng không gây hại sẽ là cánh cửa dẫn người ta đến những loại ma túy nặng hơn. Một khi bạn đã thấy hưng phấn, bạn muốn điều đó mãi.
Học viện quốc gia về Lạm dụng thuốc (NIDA) của Mỹ thống kê rằng số lượng sinh viên sử dụng cần sa hàng ngày đã đạt tới mức cao kỷ lục từ đầu thập niên 1980. 4,9% sinh viên sử dụng và 12,8% người trẻ ở cùng độ tuổi không học đại học dùng chất kích thích này mỗi ngày. Sinh viên Mỹ sử dụng cần sa, rượu, bia, đá, các loại ma túy tổng hợp, làm quen với thuốc giảm đau sau khi được bác sĩ kê đơn. Và nhiều người không thể dứt ra.
Trong một bữa tiệc sinh nhật ở Sài Gòn, tôi được những người bạn mới quen chuyền tay thử một điếu cần sa. Nó làm tôi nhớ lại cuộc chuyện trò với cậu sinh viên New York. Và tôi lắc đầu.
Các loại chất kích thích được giới trẻ Việt Nam “chuộng” thay đổi liên tục, như phong cách thời trang từ Hàn Quốc hay Mỹ, khi giao lưu văn hóa chẳng còn hàng rào nào. Cần sa, đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ… xuất hiện hồn nhiên trong các buổi đi uống, café muộn, ngoài công viên. Tôi thường đi bộ trên đường Tôn Thất Đạm, quận Một, và ngửi thấy mùi cần sa trong một buổi tối bất kỳ.
Chất kích thích bây giờ còn xuất hiện trong lời của ca khúc, bài hát “hit”. Cảm giác hưng phấn được ca ngợi thành thơ, xuất hiện trên tay của diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng. Trong sách dành cho người trẻ, các đoạn viết về niềm vui và sự bằng an khi sử dụng chất kích thích đã không được biên tập.
Xã hội nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam chưa hiểu được tầm quan trọng của nỗ lực có được "sự tỉnh táo" theo cái cách mà Andrew đang cố mô tả.
Tôi cho rằng chính những “kích thích” tưởng vô hại trong thái độ tiếp cận với những loại thuốc gây nghiện nhẹ ban đầu như vậy góp phần dẫn người ta đến với ma túy. Số người nghiện ma túy tăng 17% mỗi năm tại thành phố này. Và 60% trong số người đó có tiền án tiền sự, theo báo cáo của Chi cục phòng chống tệ nạn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cuối năm vừa rồi.
Số người nghiện dần tăng cao, hồn nhiên và dễ dàng. Trong khi đó, chính quyền chưa có đủ những hành động cần thiết để người dùng thực sự ý thức về từng loại chất kích thích họ đồng ý đưa vào cơ thể. Giáo dục về thuốc gây nghiện với giới trẻ gần như là không có. Những bài hát ca ngợi cảm giác lâng lâng vì chất kích thích nghiễm nhiên thành hit, công khai trên mạng, không ai phản đối. Các cảnh báo khoa học về sử dụng chất kích thích cho giải trí cũng gần như bằng không. Trong khi đó, chỉ cần đi ra Bùi Viện buổi tối và hỏi linh tinh, tôi nhanh chóng được mời chào đủ các loại thuốc để tìm “thú vui” cho đêm của mình.
Đến lượt họ, những người nghiện, nhanh chóng góp mặt vào đội quân đi cướp.
Thiếu tướng Phan Anh Minh mới trả lời các nhà báo rằng cướp tại TP HCM đang dần giảm nhưng việc giảm đó “rất khó khăn”, bởi trong đó có yếu tố “người nghiện ma túy chiếm 30% đến 50% tội phạm gây án, chủ yếu là cướp giật”.
Vai trò của cơ quan chức năng đã không hề xuất hiện rõ nét trong khi các loại chất kích thích liên tục đổi mới theo trào lưu và lan truyền nhanh chóng. Con số 17% người nghiện ma túy tăng theo mỗi năm ở thành phố lớn nhất nước đã rất nóng. Nó không còn là một vấn đề “nguội” như cơ quan nào đó nghĩ.
Ai có trách nhiệm để giúp người trẻ hiểu cần sa là gì? Đá là gì? Thuốc lắc là gì? Nấm là gì? Hay sự an toàn của thành phố vẫn tiếp tục trông đợi vào sự tỉnh táo tự nguyện của những người trẻ, nếu may mắn họ biết nói “không” khi được mời một điếu cần sa?
Cái chết của những hiệp sĩ và tệ nạn ma túy ở Sài Gòn tưởng không liên quan, hóa ra lại rất gần.
Khải Đơn