Chúng tôi, cả một đám con nheo nhóc, từ nhỏ đã theo ba má đi buôn bán khắp chốn. Mùa nào thức nấy, miền Tây có cây trái gì, chúng tôi buôn thứ đó. Không biết các bạn thế nà, chứ anh em chúng tôi luôn thích gọi từ "má" hơn từ "mẹ". Cả sáu đứa đều đồng ý như vậy.
"Má ơi. Má ơi má. Má về rồi" - những âm thanh quen thuộc, dân dã, yêu thương dung dị ấy đã ăn sâu trong tâm trí anh em tôi từ lúc còn nhỏ xíu. Đó là câu cửa miệng khi chúng tôi đi học về, chơi đùa xong đói rã ruột chạy về nhà, khi đau ốm, có chuyện vui hay buồn, khi thấy chiếc nón lá nhấp nhô của mẹ lúc tan chợ về. Nó như một phần ký ức máu thịt suốt những năm tháng trẻ thơ cho đến mãi về sau này.
Má là minh chứng xác thực cho câu hồng nhan bạc phận. Xuất thân trong một gia đình giàu có, gia thế, ruộng vườn cò bay thẳng cánh trải dài khắp miệt Tiền Giang sông nước. Gia đình nhà ngoại coi trọng tri thức mặc dù của ăn của để không thiếu.
Má được cho lên Sài Gòn học nghề y, cũng có nhiều người môn đăng hộ đối theo đuổi. Má cũng có mối tình sâu nặng với vị bác sĩ nào đó nhưng người này theo gia đình sang Mỹ định cư nên giữa đường đứt gánh. Trong những năm tháng cuối chiến tranh với Mỹ, má tôi làm công tác hậu cần, chăm sóc y tế, sơ cứu cho những thương bệnh binh ở quê nhà. Má xinh đẹp, giàu có nhưng trái tim đã lạnh giá.
Trong chuyến đi Sa Đéc, chàng sinh viên văn khoa năm thứ hai nghèo rớt mồng tơi nhưng đàn hay, hát giỏi đã khiến má tôi phải lòng. Ba má tôi đến với nhau bất chấp can ngăn, cấm cản của bên ngoại. Ngoại tôi giận nên từ mặt má. Từ đây, cuộc đời má đã chuyển sang ngã rẽ khác.
Hai năm sau khi lấy chồng, má sinh anh hai, chị ba của tôi. Chuyện tiền nong, chăm sóc con cái do một mình má lo liệu, thêm cả việc lo tiền học hành của ba tôi ở Sài Gòn. Rồi hai đứa con nữa ra đời chỉ cách một, hai năm. Gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ của mẹ. Gia đình nội không thương yêu má cũng như anh em tôi nên luôn đối xử ghẻ lạnh, ức hiếp chúng tôi suốt.
Má tôi nổi tiếng vì mát tay. Má làm đủ việc, đi đỡ đẻ, chích thuốc, chăm sóc người già, người bệnh khắp xóm. Má cất một căn nhà nhỏ gần gia đình nội. Chúng tôi sống chật vật nhưng lúc nào cũng có cơm ăn, áo mặc, ăn học đầy đủ. Bù lại anh em tôi rất ngoan, chưa bao giờ khiến má phải lo lắng nhiều, đứa lớn tự lo cho đứa nhỏ và yêu thương má.

Má tôi suốt đời cơ cực vẫn cố gắng giữ vững hạnh phúc gia đình.
Ba tôi ra trường, đi làm được một năm thì hòa bình. Ba rất hiếu thảo, bao nhiêu tiền bạc, của cải ba đưa hết cho nội lo cho mấy cô chú. Luôn nghe lời kể xấu của nội và cô, về má tôi nên ba đối xử càng lạnh nhạt. Từ Sài Gòn, ba về nhà tay trắng, bắt đầu lại với má, sinh thêm hai đứa nữa, cũng cách nhau hai năm.
Nhà có tới sáu đứa con, ba trai, ba gái đủ đầy. Cuộc sống sau đó là những chuỗi ngày vất vả, đau thương với má. Ba không làm được gì ở quê, đó là thất bại đối với người có tri thức nhưng không hữu dụng. Đâm ra chán nản, ba tôi lao vào rượu chè, đánh đập má trong những cơn say triền miên. Những tháng ngày này cũng là thời điểm u tối với cả chúng tôi.
Má vẫn gắng gượng với công việc để nuôi 7 miệng ăn bao gồm cả ba. Thanh xuân không còn, sức khỏe đã yếu dần, má thường phải lội bộ khắp nơi đi bán thuốc, chích thuốc, chăm sóc cho người bệnh khắp các xóm. Về nhà, má còn trồng rau, nuôi gà, may đồ, làm đủ thứ công chuyện để kiếm cơm cho các con nhỏ.
Quần áo chúng tôi do má tự may vì không có nhiều tiền sắm sửa. Dù vậy, má tôi vẫn dặn dò ba chị em gái của tôi phải ăn mặc kín đáo, quần áo tươm tất, sạch sẽ, biết cách chăm sóc sắc vóc, phấn son vừa phải, giữ gìn nét đẹp khỏe mạnh, tự nhiên, có cốt cách trang nhã. Chị em tôi luôn ghi nhớ những điều má dặn.
Tôi nhớ đôi chân nhỏ nhắn, gót hồng của má đã xuất hiện những vết nứt vì phải đi bộ quá nhiều. Có khi nó khiến má đau rát, ứa máu trên đôi dép nhựa cũ đã mòn đế. Tôi hay hỏi: "Sao má không mua đôi dép khác đi, chiếc dép như cái tàu bị lủng mất bánh lái". Má tôi cười bảo: "Dép nhựa mới làm phồng chân, má không quen". Tôi nghe mà ứa nước mắt. Nhìn má xem, còn đâu gương mặt thanh tú với chiếc mũi cao và khuôn miệng nhỏ xinh, làn da trắng không cần trang điểm vẫn rạng rỡ.
Tóc má đã thưa nhiều, da sạm đen, cánh tay đầy vết sẹo vì đỡ nhưng trận đòn roi của ba. Nhiều lúc tôi nhìn má, tự hỏi sao má lại chọn làm hồng nhan bạc phận, hy sinh quá nhiều cho người khác, chịu đựng đắng cay chỉ để chúng tôi có gia đình trọn vẹn.
Má đến với ba không có đám cưới rình rang, không có họ hàng chúc tụng, chỉ có mỗi một đôi bông tai hoa cúc bằng vàng duy nhất. Má rất trân quý nó, má nói: "Gì thì gì nhưng cưới phải có đôi bông tai. Cái gì có thể mất nhưng đôi bông tai phải giữ, đó là kỷ vật hạnh phúc quan trọng nhất của người con gái". Nhưng rồi, má cũng đành ngậm ngùi bán đi lấy tiền chữa bệnh cho anh hai. Má còn gì đâu.
Ngoại tôi, dù đã từ mặt con, vẫn nhờ người sang hỏi thăm giúp đỡ. Ngoại chia cho má vườn tượt, ruộng lúa hy vọng ba có cơ sở làm lụng phụ giúp má nuôi anh em tôi ăn học. Tưởng những khó khăn sẽ trôi qua nhưng nào ngờ ba tôi không kiên nhẫn với chuyện làm nông, bán hết đất đai, đi buôn lớn qua khắp các tỉnh nam kỳ.
Má khuyên hoài không được nên cũng theo phụ ba trông coi. Rồi ba phá sản, lại trắng tay. Má cũng không còn khỏe để đi chích thuốc nữa, lại tảo tần buôn bán nhỏ, làm gạch để vực dậy. Đồng Tháp những năm 1990-2000 đối mặt với thiên tai, lũ lụt liên miên nhưng thê thảm nhất vẫn là những trận lở đất liên tục dọc các tuyến sông Tiền do chưa có đê bao, bờ kè.
Chúng tôi phá sản không biết bao nhiêu lần vì những trận phẫn nộ của thủy thần. Cảm giác thức dậy buổi sáng và biết là mình mất tất cả cơ ngơi, không còn nơi chốn che mưa nắng dễ khiến chúng tôi tuyệt vọng. Má vẫn đi khắp xóm mượn những lon gạo ân tình, động viên cả nhà dựng trại ở tạm, lội bì bõm dưới những cơn mưa hái rau, xúc tép. Mặt mũi má dính đầy lọ nghẹ thổi cơm cho cả nhà dưới căn lều siêu vẹo.
Giữa những ngày tháng đen tối đó, má vẫn là chỗ dựa vững chắc nhất cho cả gia đình. Má truyền cho chúng tôi nghị lực sống phi thường và tinh thần kiên trì bất chấp nghiệt ngã. Bao lần tay trắng, mất tất cả, khó khăn trong những trận bệnh nặng, bị đánh đập máu chảy xuống chén cơm, má vẫn không hề than vãn hay bỏ cuộc.
Má tôi giờ đã già, vẫn muốn hy sinh, gắng gượng trong những năm tháng cuối đời. Năm tháng vất vả, khó khăn đã hình thành những căn bệnh quái ác trong người má. Trong rất nhiều căn bệnh, nặng nhất có lẽ là tiểu đường đang biến chứng. Má phải ra vào bệnh viện liên tục với những lần đau nhức không thể nhấc mình khỏi giường, có khi chúng tôi tưởng đã mất má.
Vậy mà, khi chúng tôi gọi điện về thăm, giọng má hồ hởi bảo khỏe, dặn các con giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bản thân cẩn thận, nhớ đi khám định kỳ. Một lần, tôi không báo trước, bắt xe về thăm má. Bước vô bệnh viện, tôi gọi má, vẫn nghe giọng hồ hởi: "Má vẫn khỏe, con yên tâm làm đi". Tôi tắt máy, bước lại gần, ra dấu cho ba tôi giữ im lặng. Má tôi đó, đang nằm trên giường bệnh, cơ thể xanh xao, dúm dó một góc giường, mấy cọng tóc loe hoe vàng vọt.
Chiếc ga giường còn dính những vệt máu do những lần nặn mủ vì phù nề, đường đang ăn dần khắp cơ thể. Hơi thở má yếu ớt, đôi mắt cũng mờ đục vì không ngủ được, chai nước biển nhỏ từng giọt. Cảm giác đau nhói nơi lồng ngực, tôi ngồi xuống cạnh giường, lấy tay vén áo má, má giật mình ngạc nhiên, tấm lưng đầy bông gòn, miếng dán thấm máu, vết kim tiêm chi chít trên bụng, mu bàn tay chỉ còn da bọc xương. Tôi và ba thay đồ, vệ sinh và chăm sóc cho má, chúng tôi ngồi thật lâu nghe những câu chuyện của má, chuyện của người già, biết bao giờ hết.
Má khỏe lên nhiều nhưng chúng tôi đều biết, những ngày tháng này sẽ chẳng còn dài nữa. Sau những thăng trầm trong đời, ba rất yêu thương má, cảm thấy hối tiếc về những ngày cũ, ông cố gắng bù đắp, chăm lo cho má hết lòng.
Má tôi đã từng xinh đẹp, sang giàu nhưng sống cuộc đời cơ cực, nhiều nước mắt. Má chưa bao giờ than vãn hay bỏ cuộc, vẫn kiên định với sự lựa chọn của bản thân, chăm lo cho chồng con, âm thầm hy sinh không điều kiện, không đòi hỏi.
Má trong ký ức của tôi, lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ, yêu thích nét đẹp tự nhiên, trân trọng giá trị thiêng liêng của hạnh phúc, cố gắng giữ lại gắn kết tình cảm gia đình. Má tôi - người phụ nữ cả cuộc đời tôi trân quý.
Nguyễn Thị Kim Trang
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài. Gửi bài dự thi tại đây.