Không có những khoảnh khắc thiên tài nổi bật, những sự bùng nổ về mặt cảm xúc hay cái gọi là đỉnh cao chiến thuật, Bồ Đào Nha cứ là chính mình và luôn vừa đủ vượt qua từng vòng đấu, theo cách sít sao nhất và cũng thiếu thuyết phục nhất. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi may mắn chồng chất thành bục vinh quang nâng bước chân người Bồ, bởi may mắn không tạo nên người chiến thắng, mà may mắn chỉ thuộc về người chiến thắng.
Vốn dĩ, Bồ Đào Nha là một nước đế quốc “trung lưu” cố giãy giụa vươn mình lên hàng cường quốc trong hoài niệm về một trong những nền kinh tế, chính trị và quân sự mạnh nhất thế giới của thế kỷ XV và XVI. Và môn thể thao được yêu thích nhất là bóng đá cũng phần nào phản ánh vị thế của của đất nước thuộc bán đảo Iberia, khi người Bồ thì luôn mơ mộng về lối chơi tấn công đẹp mắt và trở thành một ông lớn của nền bóng đá thế giới. Để rồi cuối cùng, Bồ Đào Nha mắc kẹt trong cái mác “Brazil của châu Âu”, nghĩa là “hữu danh vô phận”, có tiếng mà không có miếng, là cái bóng của nhà vô địch thế giới (nhiều lần nhất).
Thực chất, Bồ Đào Nha đã bắt đầu kỳ Euro trên đất Pháp với đúng bản sắc vốn có của mình, là sự cầu thị về lối chơi tấn công phô diễn kỹ thuật được thể hiện trong suốt cả hiệp một của trận đấu đầu tiên với Iceland, và được trau chuốt bằng bàn thắng đẹp mắt đến từ hàng loạt pha phối hợp ban bật gãy gọn và chuẩn xác của Nani. Nhưng kể từ hiệp đấu thứ hai và cả hai trận tiếp theo ở vòng bảng, cả thế giới vỡ mộng về đội bóng đến từ bán đảo Iberia và người Bồ cũng tự vỡ mộng về chính mình. Để rồi bắt đầu từ trận đấu với Croatia, mặc cho nhiều người chê trách về cách phòng ngự tiêu cực và tiếc nuối hình ảnh đẹp của một thế hệ vàng xưa cũ của những Luis Figo, Rui Costa, Sergio Conceicao,… người Bồ đã hoàn toàn lột xác bằng sự nhận thức tỉnh táo về đúng vị trí của mình tại đấu trường châu Âu năm nay. HLV Fernando Santos đã liên tục thích ứng và chấp nhận mạo hiểm với hàng loạt sự thay đổi quan trọng trong đội hình ra sân của đội bóng màu bã trầu, chính chiến thuật chặt chẽ của ông đã vừa dẫn dắt vừa điều chỉnh sức trẻ của những Renato Sanches, Raphael Guerreiro, Joao Mario,…. Và dĩ nhiên ở đây, may mắn không thể là yếu tố mang lại sự tự tin trầm ổn cho lứa cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm, cũng như khích lệ tinh thần chiến đấu của một Bồ Đào Nha bỗng mất đầu tàu Ronaldo vào phút thứ 24 của vô vàn áp lực và hụt hẫng.
Trên thực tế, mỗi sự lựa chọn là một quyết định dẫn đến một kết thúc khác nhau, và chuỗi những quan hệ nhân quả đấy sẽ tạo ra câu chuyện của mỗi người chúng ta. Còn câu chuyện của riêng Bồ Đào Nha tại Euro trên đất Pháp năm nay được mở đầu bằng sự thay đổi trong thể thức của giải đấu từ việc nâng số đội tham dự lên con số 24, bước sang trang từ trận đấu điên rồ với Hungary cùng bàn thắng muộn của Iceland, và đi đến hồi kết bằng vô vàn cảm xúc của nước mắt Ronaldo. Quá trình Bồ Đào Nha đi không theo những lẽ thông thường, nhưng kết thúc thì hoàn toàn được thừa nhận, bởi người khôn ngoan luôn thích kẻ thức thời.
Và đặc biệt hơn nữa, vẫn là hình ảnh thực dụng dễ gây ức chế như cũ, nhưng Bồ Đào Nha trong trận chung kết ở Stade de France đã dễ dàng chạm vào tình cảm của những người hâm mộ môn thể thao vua trên toàn thế giới hơn, bởi bên cạnh những toan tính của HLV Santos, sự lầm lì của người Bồ đã trở nên giàu cảm xúc hơn với những nỗ lực phi thường của Ronaldo ở tuổi 31. Ngôi sao của Real Madrid vẫn luôn ồn ào như vốn dĩ, nhưng anh không còn chỉ khoa trương tô vẽ cái tôi cá nhân của riêng mình nữa, thay vào đó là sự kiểu cách trong việc thể hiện vai trò của người đội trưởng, nước mắt và khả năng truyền cảm hứng đáng kinh ngạc của Ronaldo đã san bằng những cái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của người Pháp, và phần còn lại để giành cho Pepe, Rui Patricio và sức trẻ lì lợm của Bồ Đào Nha lên tiếng.
Ngay tại thời khắc lịch sử này, giống như nhiều người đã nói, trận chung kết Euro trên đất Pháp, Bồ Đào Nha giành được danh hiệu còn Ronaldo đi vào trái tim.