Trong SGK dành cho tiểu học, các từ và tên riêng tiếng nước ngoài được phiên âm sang tiếng Việt, có bảng tra cứu ở cuối sách. Ở bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, sách Tự nhiên và Xã hội lớp 3 ghi khí các-bô-níc, ô-xi; SGK Tiếng Việt 3 phiên âm Vích-to Huy-gô, Liu-xi-a, Pi-vo-va-rô-va.
Sách Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo, cũng phiên âm tiếng Việt tên người nhưng mở ngoặc từ nguyên dạng bên cạnh, ví dụ Rô-mê-ô (Romeo), Sếch-xơ-pia (Shakespeare), Ơ-ni-xơ-tơ Hê-minh-uây (Enest Hemingway). Cuốn Khoa học tự nhiên 7, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, viết: Đê-mô-crit (Democritus), Đan-tơn (J. Dalton), Rơ-dơ-pho (E. Rutherford). Tên các nguyên tố hóa học được viết là hydrogen (H), oxygen (O), sodium (Na), potassium (K), nitrogen (N), thay vì tiếng Việt như trước. Việc phiên âm cũng tương tự trong SGK các môn học lớp 10 ở các bộ sách.
Theo GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các từ có nguồn gốc nước ngoài gồm hai loại: tên riêng nước ngoài (tên người, tên địa lý) và thuật ngữ khoa học. Tên riêng nước ngoài từ trước tới nay có năm cách thể hiện trong sách, báo là: Dịch nghĩa (Thái Bình Dương, Liên Hợp Quốc); phiên âm qua âm Hán Việt (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp); phiên âm tiếng Việt (Niu-Oóc); viết nguyên dạng tiếng nước ngoài đối với những nước sử dụng chữ Latin và chuyển tự đối với một số ngôn ngữ không sử dụng chữ Latin. Thuật ngữ nước ngoài gồm tên các chất hóa học và các thuật ngữ khác, chủ yếu là của các ngành khoa học tự nhiên như Sinh học, Vật lý học.
Khi xây dựng chương trình, ông Thuyết cùng các cộng sự đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chính tả trong chương trình, SGK mới, trong đó ghi rõ, trừ những trường hợp phiên âm Hán Việt hoặc dịch nghĩa đã quen, tất cả trường hợp tên riêng nước ngoài đều giữ nguyên dạng, đối với ngôn ngữ sử dụng chữ viết Latin. Riêng ở tiểu học, học sinh đầu cấp chưa học ngoại ngữ thì phải phiên âm có gạch nối nhưng từ lớp 4 trở lên, khi phiên âm phải chú thích nguyên dạng.
Theo đề nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1989 hướng dẫn Cách viết tên riêng nước ngoài. Trong đó, trừ cấp tiểu học, Bộ không yêu cầu phiên âm tiếng Việt đối với những cấp học khác.
Nhưng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 30 về công tác văn thư năm 2020, Bộ đã điều chỉnh quy định về chính tả trong SGK theo Nghị định này. Tất cả tên riêng nước ngoài trong SGK mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt (có chú tên riêng nguyên dạng), kể cả SGK cho học sinh trung học. Trừ các thuật ngữ có khả năng tạo thành nhiều thuật ngữ cùng gốc, đặc biệt là tên các nguyên tố hoá học, chất, hợp chất, chi tiết kỹ thuật hoặc thuật ngữ dẫn chiếu đến các ký hiệu, công thức thông dụng thì viết nguyên dạng tiếng Anh.
PGS. TS Đặng Thị Oanh, Trưởng tiểu ban Xây dựng và Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn Hóa học 2018, cho hay việc sử dụng tiếng nước ngoài trong SGK mới có sự thống nhất giữa các môn học và cấp học. Môn nào nhắc đến nguyên tố Hóa học thì mới phải dùng tiếng Anh.
Tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt tiếp tục được sử dụng nhưng có kèm chú thích tiếng Anh, gồm: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thuỷ ngân.
Ông Phạm Văn Lập, Chủ biên SGK Sinh học lớp 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cũng cho biết môn Sinh có đặc thù là tên loài trong sách phải in nghiêng, giữ nguyên tên Latin theo chuẩn chung của quốc tế. Trong SGK Sinh học 10, các thuật ngữ, chất, nguyên tố hóa học để nguyên dạng hoặc viết ký hiệu hóa học.
Việc phiên âm tiếng nước ngoài trong SGK mới tuy không còn lộn xộn như trước, nhưng vẫn gây ra những băn khoăn.
"Đã là phiên âm thì không thể thống nhất được. Một tên nước ngoài tiếng Đức, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển không nhiều người biết đọc thành tiếng thế nào để phiên âm cho đúng. Đấy là bất cập rất lớn", PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ Văn, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống, chia sẻ.
Ông cho hay, khi biên soạn SGK mới, ông và các đồng nghiệp rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn. Nhưng quy định chính tả hiện nay khiến ý muốn đó không thực hiện được.
Trả lời phỏng vấn Vnexpress tháng 11 năm ngoái, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nhận định việc phiên âm có tính hợp lý nhất định, nhưng xu hướng hiện đại là tôn trọng cách viết nguyên dạng.
Theo GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, hiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, những từ tiếng nước ngoài xuất hiện liên tục nên dùng phiên âm không hợp lý vì mỗi người phiên âm một cách khác nhau do tai người nghe và quan điểm của người phiên âm. Phiên âm tiếng nước ngoài cũng khiến học sinh gặp khó khăn trong hội nhập do khác xa với nguyên gốc. Các em khó hiểu nổi khi đọc tài liệu nước ngoài. Hơn nữa, lúc tham dự các kỳ thi quốc tế, thi tuyển sinh đại học, thi học sinh giỏi hoặc các hoạt động giao lưu có yếu tố nước ngoài, học sinh sẽ vướng mắc.
Ông Thuyết cho rằng cách viết phiên âm có thể phù hợp với sách báo phổ cập hoặc văn bản hành chính nhưng SGK thì phiên âm vừa không cần thiết, vừa cồng kềnh, lại không thống nhất. Theo ông, mỗi nước có cách viết khác nhau nhưng phần lớn các nước sử dụng chữ ghi âm (như chữ Latin) đều viết nguyên dạng, không phiên âm tên riêng nước ngoài.
"Việc phiên âm hiện không đến nỗi quá lộn xộn nhưng thời đại này, đối với SGK, nhất là khi học sinh đã bắt đầu học ngoại ngữ rồi, cần phải viết nguyên dạng mới đỡ gây khó khăn cho các em khi hội nhập", ông nói.
Nếu vẫn viết phiên âm, để gạch nối, học sinh không thể biết nhân vật có tên phiên âm đó là ai hoặc địa danh có tên phiên âm đó là gì. Nếu phiên âm thuật ngữ khoa học, nhất là tên các chất hóa học, người học càng khó liên hệ được thuật ngữ phiên âm với thuật ngữ gốc.
"Để giúp giáo viên và học sinh phát âm các từ nguyên dạng tiếng nước ngoài, nhất là trong trường hợp nguyên dạng là một ngoại ngữ chưa phổ biến ở nước ta, người biên soạn sách sẽ hướng dẫn cách phát âm trong sách giáo viên", ông Thuyết đề xuất.
Bình Minh