Một báo cáo vừa được Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Carnegie – Thanh Hoa công bố cho biết Trung Quốc đang tăng cường sức mạng cho hạm đội tàu ngầm có thể mang tên lửa hạt nhân của mình với số lượng không được tiết lộ.
Giới phân tích quân sự cho rằng với việc chế tạo thêm nhiều tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân, Trung Quốc có thể muốn chuyển kho vũ khí hạt nhân của nước này xuống dưới lòng biển để duy trì khả năng răn đe hạt nhân trong trường hợp bị tấn công phủ đầu, theo Popular Mechanics.
Chuyên gia Tong Zhao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Carnegie – Thanh Hoa nhận định nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân trong thời gian tới.
Không giống Nga và Mỹ, học thuyết hạt nhân của Trung Quốc rất đơn giản: Nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, quốc gia nào tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân sẽ bị Trung Quốc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, để có thể tung đòn đáp trả hạt nhân, Bắc Kinh phải giữ được kho vũ khí hạt nhân của mình nguyên vẹn sau đòn tấn công phủ đầu của đối phương.
Theo học thuyết của mình, Trung Quốc không chế tạo quá nhiều vũ khí hạt nhân. Nước này hiện chỉ sở hữu 250-300 đầu đạn hạt nhân, con số khiêm tốn so với 6.450 đầu đạn hạt nhân của Mỹ.
Trung Quốc ngày càng không tự tin với năng lực trả đũa hạt nhân của mình, trong bối cảnh Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo gần nước này để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran. Các hệ thống này có thể dễ dàng phát hiện và đánh chặn tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền của Trung Quốc.
Việc Mỹ có kế hoạch chế tạo hàng trăm oanh tạc cơ B-21 Raider chuyên săn lùng bệ phóng tên lửa di động cũng khiến lãnh đạo Trung Quốc bất an khi nước này chủ yếu bố trí vũ khí hạt nhân trên bộ. Đây là những lý do khiến Bắc Kinh quyết định đóng thêm tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Hiện tại hầu hết đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được trang bị cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa nằm trong hầm phóng hoặc trên xe phóng di động, chỉ có 48 đầu đạn hạt nhân được trang bị cho tên lửa đạn đạo của tàu ngầm lớp Tấn (Type 094A).
Hiện hải quân Trung Quốc có bốn tàu ngầm lớp Tấn, mỗi tàu có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-2. Bắc Kinh có thể duy trì ít nhất một tàu ngầm mang vũ khi hạt nhân trực chiến vào bất cứ thời điểm nào.
Nếu tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc phải đối mặt với câu hỏi về việc lấy đầu đạn hạt nhân ở đâu ra để trang bị cho các tàu này.
Theo Tong Zhao, Bắc Kinh có thể tháo dỡ đầu đạn hạt nhân từ tên lửa DF-31 để gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2 trên tàu ngầm, hoặc đơn giản hơn là chế tạo thêm đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sản xuất thêm vũ khí hạt nhân không cao do nước này ngừng sản xuất nguyên liệu cho đầu đạn hạt nhân từ lâu.
Nguyễn Tiến