Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/8 ký phê duyệt Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019 với mức ngân sách quốc phòng lên tới 716 tỷ USD, tăng 16 tỷ USD so với năm trước.
Động thái này thể hiện quyết tâm của Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược về sức mạnh quân sự và kinh tế với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc phải nghiên cứu kỹ nội dung NDAA 2019 để tìm biện pháp đối phó, theo Business Insider.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó ra tuyên bố thể hiện sự không hài lòng trước "những nội dung tiêu cực liên quan tới Trung Quốc" trong NDAA 2019, yêu cầu Mỹ từ bỏ "tư duy Chiến tranh Lạnh" và không áp dụng những điều khoản bất lợi đối với Trung Quốc trong đạo luật, nhằm tránh gây ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác.
NDAA 2019 được thông qua trong bối cảnh Trung Quốc đang thu hẹp đáng kể lợi thế của hải quân Mỹ trên các đại dương. Tàu tuần dương và khu trục Mỹ được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất và hệ thống phòng thủ tối tân, nhưng chỉ mang tên lửa diệt hạm Harpoon lạc hậu, thua kém các vũ khí tương tự của Nga và Trung Quốc.
Tên lửa diệt hạm YJ-18 và YJ-12 của Trung Quốc đạt tầm bắn gần 400 km, có thể bay ở độ cao chỉ vài mét so với mặt biển ở tốc độ siêu thanh, khiến đối phương có rất ít thời gian phản ứng. Trong khi đó, Harpoon chỉ có tầm bắn 125 km và tốc độ cận âm 900 km/h.
Thực tế này làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ các khí tài đắt đỏ, có giá trị chiến lược của hải quân Mỹ như tàu sân bay và biên đội hộ tống bị vô hiệu hóa trước các loại tên lửa giá rẻ của Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định việc tăng ngân sách kỷ lục cho quân đội trong năm tài khóa 2019 thể hiện quyết tâm của chính quyền Trump trong việc duy trì lợi thế trước Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Alex Lockie nhận định ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ tái tập trung vào sản xuất tên lửa, nhằm đối phó với mối đe dọa công nghệ cao của các đối thủ như Nga và Trung Quốc. Theo đó, không quân Mỹ sẽ mua thêm các tên lửa tầm xa mới, còn hải quân dự kiến hồi sinh một dự án tên lửa bị lãng quên sau khi Liên Xô tan rã.
Khoản đầu tư đáng chú ý nhất trong NDAA 2019 là nâng cấp tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk trên khu trục hạm và tuần dương hạm Mỹ, cho phép chúng tấn công, chọc thủng hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) đối phương.
Ý tưởng biến Tomahawk thành sát thủ diệt hạm không phải là mới. Trong thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, loại tên lửa này có thể tấn công các chiến hạm đang di chuyển, nhưng tính năng đó bị loại bỏ để tập trung đối phó mục tiêu mặt đất trong những cuộc chiến đầu thập niên 2000. Trước nguy cơ bị Trung Quốc và Nga bỏ xa trong lĩnh vực tên lửa diệt hạm, hải quân Mỹ đang tìm cách hồi sinh khả năng đối hạm của Tomahawk.
Biến thể diệt hạm Tomahawk Block IV với tầm bắn lớn hơn tên lửa Nga và Trung Quốc đang được tập đoàn Raytheon phát triển, dự kiến bàn giao 32 quả cho hải quân Mỹ vào năm 2021.
"Đây là tính năng có thể thay đổi cuộc chơi trong tương lai mà không tốn nhiều chi phí. Tên lửa hành trình diệt hạm có tầm bắn 1.600 km có thể được trang bị cho toàn bộ hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm của chúng tôi", cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ Bob Work nhấn mạnh sau vụ thử nghiệm mẫu Tomahawk nâng cấp hồi năm 2015.
Ngoài việc tăng cường sức mạnh cho hải quân bằng tên lửa diệt hạm, Washington nhiều khả năng còn áp dụng chiến lược mới nhằm gây sức ép toàn diện với Bắc Kinh.
Với nguồn ngân sách được tăng đáng kể, hải quân Mỹ sẽ được giải phóng khỏi mối lo ngại về chi phí để tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở những vùng biển gần Trung Quốc. Ngoài ra, lực lượng này cũng có thể đẩy mạnh huấn luyện hải quân Ấn Độ và Sri Lanka để đối phó tham vọng tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Với việc xác định trở lại thời kỳ cạnh tranh chiến lược với các cường quốc, NDAA 2019 cũng xác định Trung Quốc là đối thủ trọng tâm của quân đội Mỹ trong tương lai, chuyên gia Lockie nhận định.
Duy Sơn