Không quân Trung Quốc tháng 11/2018 gây ấn tượng mạnh với giới chuyên gia quân sự quốc tế khi lần đầu phô diễn tiêm kích tàng hình J-20 được gắn đầy đủ vũ khí trong triển lãm hàng không Chu Hải. Hai tiêm kích J-20 bay qua đầu khán giả với cửa khoang vũ khí mở toang, cho thấy 4 tên lửa đối không tầm trung dưới bụng và hai tên lửa đối không tầm ngắn ở sườn máy bay.
Tuy nhiên, chiến đấu cơ này lại không được trang bị pháo, loại vũ khí xuất hiện trên mọi loại tiêm kích hiện nay, kể cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Nga và Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật riêng cho J-20, đồng thời thể hiện một số điểm yếu khiến nó dễ bị máy bay đời cũ bắn hạ trong không chiến, theo Business Insider.
Theo chuyên gia quân sự Alex Lockie, các chiến đấu cơ trên thế giới hiện nay đều có lý do khi lắp pháo. Tiêm kích tàng hình F-22, chiến đấu cơ uy lực nhất của Mỹ, mang được tối đa 8 quả tên lửa đối không trong thân, nhưng vẫn trang bị pháo nòng xoay cỡ 20 mm với cơ số đạn 480 viên, có thể phá hủy máy bay địch chỉ với một loạt bắn trúng đích.
Siêu tiêm kích F-35 cũng được gắn pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm, đạt tốc độ bắn 3.300 phát/phút với sơ tốc đầu nòng hơn 1.000 m/s. Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga được lắp pháo GSh-30-1 cỡ 30 mm với cơ số đạn 150 viên.
"Đối phương không thể gây nhiễu pháo trên tiêm kích, mồi bẫy nhiệt cũng vô tác dụng với nó. Pháo cũng có sơ tốc đầu nòng vượt xa tốc độ âm thanh, không mất thời gian khởi động như tên lửa. Điều đó khiến pháo là vũ khí quan trọng trong lịch sử các cuộc không chiến suốt 100 năm qua", Lockie nhận xét.
"Sự thiếu hụt pháo cho thấy không chiến không phải nhiệm vụ của J-20, thậm chí có thể Trung Quốc muốn nó tránh các trận không chiến bằng mọi giá", chuyên gia quân sự David Berke, cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ, nhận định.
Mục tiêu của J-20 không phải tiêm kích đối phương, mà là những phi cơ hỗ trợ quan trọng như máy bay tiếp dầu và cảnh báo sớm. Về mặt chiến thuật, sự xuất hiện của J-20 có thể buộc lực lượng Mỹ giữ khoảng cách xa khi nổ ra xung đột.
Bên cạnh đó, tầm bắn hiệu quả chỉ 250-300 m của pháo trong không chiến có thể là một lý do khiến Trung Quốc không muốn trang bị loại vũ khí này cho J-20. "Tôi thà mang tên lửa có tầm bắn tối thiểu 250 m và tối đa tới 32 km, thay vì một khẩu pháo chỉ có tầm bắn hiệu quả khoảng 250 m trở xuống", Berke nói thêm.
Các kỹ sư Trung Quốc dường như nhận ra rằng tiêm kích J-20 có nhiều điểm yếu về động cơ và thiết kế khung thân, khiến nó dễ bị thất thế trong những trận không chiến. Việc hạn chế J-20 đánh cận chiến thúc đẩy họ loại bỏ pháo để tiết kiệm không gian, dành chỗ cho những thiết bị khác trên máy bay.
Sự xuất hiện của pháo trên tiêm kích F-22 Mỹ bắt nguồn từ tổn thất nặng khi nước này dùng chiến đấu cơ không mang pháo trong các cuộc chiến trước đó. Tiêm kích F-35 được lắp pháo GAU-22/A vì nó có nhiệm vụ yểm trợ tầm gần, vốn phải hạn chế dùng bom và tên lửa để tránh thiệt hại ngoài ý muốn cho lực lượng mặt đất. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều khả năng cho rằng đây không phải là nhiệm vụ của J-20, nên tiêm kích này không cần đến pháo.
"Trong không chiến, pháo có vai trò tương đối hạn chế và chỉ thực sự hữu ích nếu hệ thống điều khiển hỏa lực tính toán được đường bắn. Việc sử dụng pháo đối phó mục tiêu cơ động cao rất khó khăn. Trung Quốc dường như không muốn tiêm kích J-20 tham gia không chiến nên không đầu tư cho nhiệm vụ này", Berke đánh giá.
Duy Sơn