Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) hôm 26/11 triển khai lực lượng không quân và hải quân tiến hành hoạt động "tuần tra sẵn sàng chiến đấu" trên ở hướng eo biển Đài Loan. Đây là diễn biến mới nhất trong loạt động thái gia tăng sức ép quân sự của PLA đối với Đài Loan.
PLA gần đây triển khai số lượng tiêm kích, oanh tạc cơ nhiều chưa từng thấy xâm nhập vùng nhận diện phòng không của đảo Đài Loan. Giới quan sát nhận định Đài Loan dễ tổn thương trước những cuộc tập kích không quân quy mô lớn, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa thể sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo.
Kris Osborn, chuyên gia quân sự của National Interest, đánh giá lực lượng phòng vệ Đài Loan có năng lực rất đáng gờm, dù hòn đảo không sở hữu lượng lớn hệ thống phòng thủ tiên tiến. Vũ khí phòng không hiện đại nhất trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan là tên lửa Patriot PAC-3, với ít nhất 7 hệ thống đã được biên chế và đang được bổ sung.
PAC-3 là biến thể nâng cấp gần như toàn diện của hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất từ năm 1984. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay. Tuy nhiên, chúng dường như không đạt hiệu quả như kỳ vọng trong đối phó tiêm kích, dù có thể theo dõi nhiều mục tiêu cơ động cùng lúc và tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang bay tới.
Ngoài hệ thống Patriot, lực lượng vũ trang Đài Loan chủ yếu dựa vào hệ thống tên lửa phòng không nội địa Thiên Cung 3 có khả năng theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu và các mối đe dọa đường không trong phạm vi khoảng 200 km.
Một báo cáo hồi tháng 8/2021 nhận định hòn đảo đang xây dựng và cải tạo 12 căn cứ tên lửa để làm nơi triển khai Thiên Cung 3.
Những hệ thống này được tăng cường bằng các công nghệ giám sát đường không và đánh chặn, gồm 11 cơ sở tác chiến điện tử và 22 khẩu đội tên lửa phòng không tầm trung MIM-23 HAWK với tầm bắn khoảng 40 km. Ngoài ra, hơn 20 hệ thống pháo phòng không Skyguard được bố trí để bảo vệ các đô thị và cơ sở quân sự quan trọng, cùng một số tổ hợp trang bị tên lửa RIM-7M tầm bắn 18 km.
Hòn đảo đã ký hợp đồng trị giá 3,96 tỷ USD với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ để nâng cấp 141 tiêm kích F-16A/B sang chuẩn F-16V, trong đó 64 chiếc đã hoàn thành. Đài Loan cũng đặt mua thêm 66 tiêm kích F-16V của Mỹ trong thương vụ trị giá 8 tỷ USD, khiến hòn đảo trở thành lực lượng vận hành nhiều tiêm kích F-16 nhất châu Á.
Lễ biên chế phi đoàn F-16V đầu tiên được tổ chức ngày 18/11 tại căn cứ phòng vệ trên không Đài Loan tại thành phố Gia Nghĩa, phía nam hòn đảo. Lãnh đạo Thái Anh Văn nhận định dự án chế tạo và nâng cấp tiêm kích F-16V cho phòng vệ Đài Loan "thể hiện cam kết vững chắc" trong quan hệ của hòn đảo với Mỹ, cho rằng hệ thống phòng thủ của Đài Loan sẽ càng mạnh hơn khi càng nhiều tiêm kích F-16V được biên chế.
Phi đoàn F-16V đầu tiên, với hệ thống điện tử hàng không, radar và vũ khí mới, được Đài Loan biên chế trong nỗ lực ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ các loại máy bay hiện đại của không quân Trung Quốc, trong đó có tiêm kích tàng hình J-20.
Ngoài các chuyến bay áp sát hòn đảo với số lượng phi cơ cao kỷ lục, quân đội Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan. Động thái này cho thấy Bắc Kinh ngày càng tự tin rằng hệ thống phòng thủ của Đài Bắc không đủ khả năng đẩy lùi một cuộc tấn công chớp nhoáng quy mô lớn.
Dù vậy, chuyên gia Osborn cho rằng Trung Quốc khó thực hiện được kịch bản này nếu Mỹ và đồng minh can thiệp một khi xung đột hai bờ eo biển nổ ra. Washington đang duy trì hiện diện quân sự lớn ở khu vực, trong khi Tokyo cũng đang tích cực tăng cường tiềm lực quân sự trước các hành vi ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh.
Dù đã biên chế tiêm kích tàng hình J-20 và sở hữu lượng lớn tiêm kích thế hệ 4, Trung Quốc chỉ có ba máy bay tiếp dầu, hạn chế đáng kể tầm tác chiến và khả năng đối phó những mũi tấn công từ nhiều hướng của Mỹ và đồng minh.
Nhận thức được điều này, Trung Quốc đang tích cực phát triển máy bay tiếp dầu mới mang định danh Y-20U, dựa trên khung thân vận tải cơ chiến lược Y-20, để mở rộng phi đội máy bay tiếp dầu và tăng cường khả năng triển khai sức mạnh không quân.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự vào lúc này dường như chỉ nhằm gửi thông điệp tới Đài Loan, cũng như Washington và đồng minh, chứ không phải dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tấn công hòn đảo.
"Các lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng họ chưa hoàn thành hiện đại hóa đất nước và vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế. Chiến tranh sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng quá trình này và cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh chưa thể đảm bảo thắng lợi quân sự nếu mở chiến dịch thu hồi Đài Loan", Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.
Duy Sơn (Theo Warrior Maven)