Trong báo cáo công tác chính phủ đọc tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 "khoảng 5%", thấp hơn mức 5,5% trong năm 2022. Đây cũng là mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong hơn 30 năm qua của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng đằng sau mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn này là sự thận trọng đáng kể của giới lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và gia tăng cạnh tranh siêu cường với Mỹ.
Khi đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm, chính phủ Trung Quốc thường phải tìm cách cân bằng giữa lan tỏa sự tự tin về nền kinh tế với duy trì lòng tin của xã hội. Thiết lập mục tiêu tăng trưởng cao có thể khích lệ các doanh nghiệp, song những chỉ số quá tham vọng cũng có nguy cơ không thể đạt được, làm suy giảm mức độ tín nhiệm trong dư luận.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng 5,5%, phần lớn do đã dồn lực ngăn chặn đại dịch Covid-19. Với mục tiêu GDP năm nay, chính phủ Trung Quốc dường như đề cao uy tín hơn sự tự tin, theo các chuyên gia của Economist.
Mức tăng trưởng 5% vẫn được xem là mục tiêu đáng kể, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy giảm do ảnh hưởng của Covid-19. Ngay cả khi đạt được mục tiêu này, GDP của Trung Quốc vẫn sẽ thấp hơn 2% so với trước khi biến chủng Omicron tấn công và hoành hành ở nước này.
Dù vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn kỳ vọng tạo ra 12 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm nay, cao hơn con số 11 triệu đặt ra năm ngoái. Trung Quốc có thể hy vọng đà tăng trưởng việc làm sẽ phục hồi, khi các ngành dịch vụ cần nhiều lao động như bán lẻ và dịch vụ ăn uống hoạt động sôi nổi trở lại sau khi các hạn chế chống dịch được nới lỏng.
Các chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng vừa phải sẽ loại bỏ những áp lực kích thích nền kinh tế hơn nữa. So với năm ngoái, báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường năm nay đưa ra ít lời kêu gọi chính quyền địa phương phát triển nền kinh tế. Thay vào đó, ông chỉ ra sự cần thiết phải ngăn chặn việc tăng thêm các khoản nợ mới.
"Sự mất cân bằng về ngân sách của một số chính quyền địa phương khá lớn", ông lưu ý.
Giới quan sát cho rằng các mục tiêu tăng trưởng không quá tham vọng mà Trung Quốc đề ra năm nay phù hợp với dự đoán Bắc Kinh sẽ tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với bộ máy nhà nước.
Trong kỳ họp quốc hội, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba vào ngày 10/3, sau khi ông tái đắc cử Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) tại Đại hội 20 hồi năm ngoái. Sau đó, các vị trí cấp cao như thủ tướng, thống đốc ngân hàng trung ương và lãnh đạo cơ quan tài chính sẽ được các đại biểu quốc hội Trung Quốc bầu ra.
Kỳ họp cũng dự kiến thông qua một kế hoạch sâu rộng nhằm tái cấu trúc quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và CPC. Kế hoạch này cho phép CPC lãnh đạo trực tiếp hơn trong các lĩnh vực an ninh quốc gia, văn hóa, khoa học và tài chính, theo các nhà quan sát.
Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương dự kiến cũng được khôi phục. Ủy ban này từng được thành lập và hoạt động trong 5 năm để giúp nền kinh tế Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trong giai đoạn mới, việc tái lập ủy ban này cho thấy nỗ lực tăng cường sự lãnh đạo của CPC trong điều phối các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi "thịnh vượng chung" không phải là trọng tâm trong báo cáo công tác chính phủ năm nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái liên tục thúc đẩy chương trình "thịnh vượng chung", nhằm phân phối lại của cải xã hội, vì lo ngại rằng một bộ phận nhỏ dân số nước này đã hưởng lợi quá nhiều từ quá trình phát triển bùng nổ của nền kinh tế.
"Thịnh vượng chung" trở thành động lực cho nhiều chính sách của ông Tập, trong đó có chiến dịch nhắm vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ được coi là đã lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để gia tăng lợi nhuận. Với nhiều nhà đầu tư, kinh doanh, mục tiêu "thịnh vượng chung" là áp lực lớn.
Giống năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế "sự mở rộng mù quáng" của các công ty, nhưng năm nay ông cẩn thận mô tả nỗ lực này "dựa theo pháp luật".
Một trong những điểm đáng chú ý khác của báo cáo công tác chính phủ năm nay là nó mang cảm giác "hoài cổ", theo các nhà quan sát.
Trong báo cáo năm ngoái, những vấn đề quá khứ chỉ được đề cập trong 8 trang đầu. Tuy nhiên, báo cáo năm nay có 31 trang nói về các vấn đề cũ và chỉ dành 4 trang để thảo luận về các ưu tiên của năm 2023.
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân có thể là do đây là lần cuối ông Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ trong một kỳ họp quốc hội Trung Quốc với tư cách Thủ tướng, kết thúc 10 năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu chính phủ.
"Thật khó để dự đoán tương lai, đặc biệt khi bạn không còn nắm vai trò định hình nó", các chuyên gia của Economist nhận định.
Thanh Tâm (Theo Economist)