Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa X sáng 19/10, khi báo cáo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn.
Theo ông Mãi, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, trong đó nghiên cứu, tiếp thu các định hướng từ dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 của Trung ương. Chỉ thị 18 về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố áp dụng từ ngày 1/10 cũng đã tiếp thu những nội dung mới nhất trong bản dự thảo mà sau này trở thành Nghị quyết 128 của Chính phủ.
"Đó là lý do đến giờ này, TP HCM chưa có kế hoạch tổng thể triển khai Nghị quyết 128. Trên thực tế, tinh thần chung Nghị quyết 128 đã được vận dụng trong Chỉ thị 18", ông Mãi nói và cho biết thành phố đang khẩn trương tổng kết làn sóng dịch thứ 4, để cuối tháng 10 này ban hành phương án phòng chống tổng thể.
Nghị quyết 128 quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 được Chính phủ ban hành hôm 11/10. Theo đó, 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi một, tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.
Đến nay, có 40 tỉnh, thành công bố cấp độ dịch bệnh theo Nghị quyết mới của Chính phủ. Trong đó, 20 địa phương đạt cấp 1 (bình thường mới); 20 tỉnh cấp 2 (nguy cơ trung bình).
Trước đó, sau 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, hôm 30/9 UBND TP HCM ban hành Chỉ thị 18 Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, áp dụng từ đầu tháng 10. Nhiều cơ quan, ngành nghề kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo an toàn với Covid-19. Sau gần 20 ngày "mở cửa", nhiều quán xá đã hoạt động, đường phố nhộn nhịp, đô thị lớn nhất nước phần nào lấy lại sức sống.
Về hướng phòng chống dịch thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố cho biết thành phố sẽ có cơ chế giám sát, cảnh báo và có cơ sở dữ liệu khoa học làm nền tảng phục vụ việc ra quyết định để điều chỉnh theo hướng nới lỏng hay siết chặt các biện pháp ở từng địa bàn, thời điểm.
Thành phố cũng sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và cộng đồng, gắn với hoàn thiện và phát huy mô hình điều trị 3 tầng cũng như tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Mục tiêu là đảm bảo năng lực phản ứng y tế khi có tình huống dịch.
Các bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch cũng được hoàn thiện, cập nhật để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đời sống theo kết quả kiểm soát dịch.
Thành phố sẽ đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người già neo đơn, trẻ mồ côi; có kế hoạch tri ân những đóng góp và mất mát, hy sinh trong đại dịch. Đồng thời, chính quyền thành phố tập trung nghiên cứu, đề xuất cải thiện nhà trọ, nhà trên kênh rạch, thay thế chung cư cũ... đảm bảo đời sống người dân.
Liên quan kế hoạch dạy học trực tiếp, ông Phan Văn Mãi đánh giá việc mở cửa trường học là vấn đề phức tạp, yêu cầu đặt ra là tổ chức dạy học trong môi trường an toàn. Các trường trước đây được sử dụng cho công tác phòng chống dịch thì nay được sửa chữa lại. Ngành giáo dục cần điều chỉnh chương trình cho phù hợp với điều kiện giãn cách, rút gọn nhưng đảm bảo trọng tâm, trọng điểm.
Về vấn đề tiêm vaccine, ông Mãi cho biết thành phố thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng với "nguyên tắc tự nguyện", tôn trọng quyết định của phụ huynh. Thành phố sẽ tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học.
Hữu Công