Su-30MKI Ấn Độ hạ cánh sau cuộc tập trận không chiến hồi năm 2016. Video: IAF.
"Radar của Su-30 có thể dễ dàng phát hiện ra chúng. Dòng tiêm kích mới nhất của Trung Quốc rốt cục không tàng hình chút nào. Không cần đến công nghệ đặc biệt nào để phát hiện J-20, bởi chiến đấu cơ này có thể bị theo dõi bằng radar thông thường từ cách nhiều km", Sputnik dẫn tuyên bố của của Tư lệnh không quân Ấn Độ Arup Shaha hồi tháng 5.
Theo tướng Shaha, các phi công Su-30MKI hoạt động trên không phận Ấn Độ đã phát hiện và theo dõi tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc bay huấn luyện ở khu vực Tây Tạng. Giới chuyên gia nhận định có hai khả năng để giải thích cho việc J-20 dễ dàng lộ mặt trên radar của các tiêm kích Su-30 Ấn Độ.
"Su-30MKI hoàn toàn đủ sức nhận dạng và thu thập dữ liệu mục tiêu của J-20 từ khoảng cách lớn. Quá trình này có thể không liên tục và còn tùy thuộc vào hướng bay của máy bay J-20 so với chiếc Su-30", chuyên gia Justin Bronk thuộc Viện Quân đội Hoàng gia Anh đánh giá.
Dòng Su-30MKI của Ấn Độ được trang bị tổ hợp radar N011M "Bars", một trong những radar đối không hiện đại nhất của Nga, được phát triển từ nền tảng phiên bản N007 Zaslon cho tiêm kích đánh chặn MiG-31. Loại radar này có tầm theo dõi tới 400 km và bám bắt mục tiêu từ cách 200 km. Trên lý thuyết, N011M đủ sức xác định một chiếc J-20 từ khoảng cách hàng chục km trong điều kiện tối ưu.
Trong khi đó, dòng J-20 không được trang bị khả năng tàng hình toàn diện như mẫu F-22 và F-35 của Mỹ, mà chỉ tập trung vào mặt trước. Điều này đồng nghĩa với việc nó rất dễ lộ diện trên radar đối phương nếu bị chiếu xạ từ những hướng khác.
Nếu J-20 không bay đối đầu với Su-30MKI, tiêm kích Ấn Độ đủ khả năng "vạch mặt" đối phương bằng radar N011M, không cần tới sự hỗ trợ của những hệ thống cảnh giới mặt đất hoặc máy bay cảnh báo sớm.
"Tuy nhiên, còn một giả thuyết là không quân Trung Quốc đã cố tình che giấu thông số của J-20 trong thời bình bằng thiết bị tăng độ phản xạ tín hiệu radar. Đây là điều được Mỹ áp dụng với phi đội F-22 và F-35, chúng luôn đeo thiết bị này khi triển khai tới nước ngoài hoặc tham gia tập trận đa quốc gia", Bronk cho biết.
Các hình ảnh trong quá trình huấn luyện của J-20 Trung Quốc cho thấy máy bay này luôn gắn một thiết bị dưới bụng, gần cửa xả động cơ, nhiều khả năng chính là bộ tăng độ phản xạ radar, khiến tiết diện radar (RCS) của tiêm kích trên màn hình radar đối phương lớn hơn nhiều so với thực tế.
Nếu ghi nhận RCS "ảo" này, radar của Su-30MKI Ấn Độ có thể sẽ gặp bất ngờ khi đối mặt với phi đội J-20 tàng hình có tiết diện radar thực sự nhỏ hơn rất nhiều trong một cuộc xung đột thực sự.