Thống kê của Đại học Johns Hopkins hôm 15/4 cho thấy thế giới ghi nhận gần hai triệu ca nhiễm và gần 126.000 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người bình phục đã lên gần 473.000.
Mỹ và châu Âu vẫn là những vùng dịch lớn nhất thế giới, trong khi nhiều quốc gia châu Á đang kiềm chế được đà tăng ca nhiễm và người chết. Một nhóm chuyên gia Australia đã chỉ ra sự khác biệt trong phản ứng của 5 nước tại các châu lục trong đại dịch Covid-19.
Singapore hiện ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Nước này phát hiện người nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 24/1. Giống nhiều nước châu Á, Singapore hiểu rõ bài học quan trọng từ đại dịch SARS giai đoạn 2002-2003, khiến giới chức áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm ngăn Covid-19 lây lan.
Chỉ ba ngày sau, nước này bắt đầu đo thân nhiệt của mọi hành khách đáp xuống sân bay quốc tế Changi, cũng như cách ly toàn bộ người từng đến tỉnh Hồ Bắc. Đến ngày 1/2, giới chức Singapore ra lệnh cấm nhập cảnh với những hành khách từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó.
Ngày 17/2, chính quyền yêu cầu những người từng đến Trung Quốc từ đầu tháng 2 phải ở trong nhà, khi đó Singapore báo cáo khoảng 75 ca dương tính nCoV. Dale Fisher, chủ tịch nhóm kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết chìa khóa trong nỗ lực phản ứng là cách thực hiện chiến lược cách ly, theo dõi những người có nguy cơ nhiễm virus.
"Mỗi ngày bạn sẽ vài lần nhận được tin nhắn điện thoại, trách nhiệm của bạn là bấm vào đường link để báo cáo vị trí điện thoại. Nếu bạn tìm cách gian lận và để điện thoại ở nhà với người khác, chính quyền có thể cử người để kiểm tra. Hình phạt rất nghiêm khắc", Fisher cho hay.
Hai người bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Bệnh truyền nhiễm vào ngày 26/2 vì khai man, cản trở nỗ lực theo dõi hành trình của giới chức.
Vào đầu tháng 3, Singapore ghi nhận hơn 100 ca nhiễm nCoV và trở thành niềm cảm hứng trong trận chiến chống đại dịch toàn cầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia khi đó ghen tị trước quốc đảo nhỏ bé khi Singapore thực hiện hàng loạt biện pháp hiệu quả để giữ mức độ lây nhiễm thấp, trong lúc vẫn cho trường học và trung tâm thương mại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, số ca nhiễm tại Singapore chạm mốc 1.000 vào đầu tháng 4 và bức tranh không còn màu hồng. Giới chuyên gia nhận định đất nước 5,7 triệu dân đang hứng đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, bắt nguồn từ lượng lớn công dân về nước giữa tháng 3, số ca nội địa cũng tăng lên sau làn sóng ca ngoại nhập.
Để đối phó, Singapore đưa ra các biện pháp "cách biệt cộng đồng" nghiêm ngặt hơn bao gồm cấm khách du lịch từ mọi quốc gia ngày 23/3, đóng cửa quán bar và địa điểm vui chơi ban đêm ngày 27/3, hạn chế tụ tập trên 10 người, phạt các cá nhân hoặc nhà hàng không tuân thủ yêu cầu giữ khoảng cách một mét. Dân chúng được khuyến khích ở nhà và chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm.
Số ca nhiễm mới gần đây có dấu hiệu được kiểm soát nhờ hàng loạt biện pháp cứng rắn của chính quyền Singapore.
"Những phương án này có thể hiệu quả ở quốc gia nhỏ như Singapore, nhưng liệu chúng có còn tác dụng với các nước lớn, hay hỗ trợ nỗ lực kiềm chế Covid-19 khi đã xuất hiện lây lan cộng đồng?", ký giả Tim Leslie của ABC News đặt câu hỏi.
Một trong những quốc gia trả lời được câu hỏi này chính là Hàn Quốc khi giảm đáng kể số ca nhiễm mới sau đợt tăng vọt ban đầu. Hành động của Seoul cũng bắt nguồn từ những bài học sau đợt dịch Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) khiến 36 người chết hồi năm 2015.
Lệnh cách ly và sàng lọc những người trở về từ Vũ Hán được áp dụng từ ngày 3/1, thời điểm nước này chưa phát hiện ca nhiễm nCoV nào.
Trường hợp dương tính đầu tiên được ghi nhận vào ngày 20/1. Con số người mắc Covid-19 tăng lên 104 sau một tháng. Chỉ hai ngày sau, chính phủ Hàn Quốc nâng mức cảnh báo và có quyền đình chỉ mọi buổi lễ tôn giáo, hạn chế đi lại và truy cập thông tin cá nhân của công dân. Giới chức cũng đóng cửa mọi trường mẫu giáo, cấm tụ tập đông người và hoãn mở cửa trường học vào đầu tháng 3.
"Hàn Quốc đã thể hiện hình mẫu ứng phó bất chấp những thất bại ban đầu", chuyên gia bệnh truyền nhiễm Allen Cheng ở đại học Monash, Australia, nhận xét.
Xét nghiệm diện rộng với số lượng lớn là phần quan trọng trong nỗ lực chống dịch của Hàn Quốc. Nước này thành lập mạng lưới 96 phòng xét nghiệm công cộng và kiểm tra sàng lọc gần 20.000 người mỗi ngày. Đến ngày 19/3, Hàn Quốc đã thực hiện 280.000 xét nghiệm, nhiều hơn phần lớn các nước trên thế giới khi đó.
Số lượng ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian đầu chính là kết quả của đợt xét nghiệm diện rộng. Việc kết hợp với truy vết tiếp xúc và lịch sử dịch tễ giúp Hàn Quốc chủ động truy xét những trường hợp mắc Covid-19.
Số ca nhiễm nCoV của Hàn Quốc ban đầu cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nhưng biện pháp kiểm soát dường như đã thể hiện hiệu quả khi đến nay nước này báo cáo chưa đầy 11.000 người mắc Covid-19, trong đó chỉ 225 người chết.
"Các biện pháp của Hàn Quốc có thể thay đổi đáng kể tốc độ lây nhiễm, ngay cả khi nCoV đã xuất hiện trong cộng đồng dân cư", ký giả Leslie nói.
Khi các nước châu Á đã dần kìm hãm đà lây lan nCoV, tâm dịch bắt đầu chuyển sang châu Âu. Italy và Hàn Quốc có khởi điểm giống nhau, nhưng ảnh hưởng của Covid-19 với mỗi nước là khác xa hoàn toàn.
Italy phát hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 31/1, chỉ hai tuần sau Hàn Quốc. Chính quyền lập tức ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ca tử vong đầu tiên do Covid-19 được thông báo vào ngày 21/2, giới chức Italy cũng công bố cụm dịch với 15 trường hợp dương tính ở vùng Lombardy, nơi sau này được gọi là "Vũ Hán của Italy". Đến ngày 1/3, số ca nhiễm đã tăng lên hơn 1.100.
Hàng loạt nguyên nhân được đề cập để giải thích lý do Covid-19 bùng phát tại Italy. Một là nCoV đã lây lan tại nước này từ giữa tháng 1 mà không bị phát hiện, vì nhiều người nhiễm nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Một nhà nghiên cứu Italy cho biết số ca viêm phổi tăng bất thường ở nước này hồi tháng 1, nhưng họ không được xét nghiệm nCoV.
Ngay từ đầu dịch, giới chức các vùng đã bỏ qua giải pháp hạn chế đi lại, trong khi người dân cũng không tuân thủ biện pháp cách biệt cộng đồng. Khác với châu Á, Italy từ lâu không trải qua đại dịch nào để có bài học ứng phó.
Hassan Vally, phó giáo sư y tế cộng đồng ở đại học La Trobe, cho rằng Italy đã phản ứng quá chậm. "Số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân ngay khi xảy ra lây nhiễm mất kiểm soát mà không có biện pháp kiềm chế. Họ đã hành động quá muộn", ông cho biết.
Dù Italy đóng vai trò cảnh báo cho nhiều nước, vẫn có những bài học tích cực được rút ra từ đại dịch tại đây.
Vo Euganeo, thị trấn nhỏ với dân số 3.300 người thuộc vùng Veneto, miền bắc Italy, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, tuyên bố đã xóa sổ được chuỗi lây nhiễm và không còn ca nhiễm mới nào sau khi thực hiện xét nghiệm hàng loạt nhằm ngăn nCoV.
Vo Euganeo chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh chóng vào giữa tháng 2 và là nơi báo cáo ca tử vong đầu tiên vì nCoV ở Italy ngày 21/2. Sau ca tử vong đầu tiên, toàn bộ thị trấn lập tức được phong tỏa hoàn toàn, trong khi toàn bộ 3.300 dân, gồm cả những người không có triệu chứng, được xét nghiệm virus bắt đầu từ ngày 6/3.
Động thái này giúp cách ly những người nhiễm bệnh trước khi họ có triệu chứng, ngăn virus tiếp tục lan xa. Chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn cho thấy khoảng 3% cư dân thị trấn bị nhiễm và một nửa số bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào. Sau hai tuần phong tỏa nghiêm ngặt và cách ly tuyệt đối, chỉ còn 0,25% cư dân thị trấn nhiễm nCoV.
Các nước châu Á là tấm gương về hành động kiềm chế đại dịch, trong khi Mỹ là ví dụ cụ thể về hậu quả thảm khốc nếu không xử lý đúng cách.
Mỹ bắt đầu sàng lọc người trở về từ Vũ Hán vào ngày 17/1, ca nhiễm nCoV đầu tiên được ghi nhận ngày 23/1. Washington hôm 31/1 ra lệnh cấm nhập cảnh với người từng đến Trung Quốc, mọi công dân Mỹ từng đến Trung Quốc sẽ phải tự cách ly 14 ngày khi về nước.
Số ca nhiễm vào giữa tháng 2 là 15, nhưng khi đó Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các cơ sở y tế cộng đồng mới chỉ tiến hành 54 xét nghiệm.
Quá trình xét nghiệm bị chậm trễ bởi hàng loạt lý do, bao gồm sự quan liêu giữa các cơ quan liên bang và từng bang, cũng như lỗi trong những bộ xét nghiệm do CDC sản xuất. Đến ngày 4/3, nước này đã báo cáo ca nhiễm thứ 100 nhưng mới tiến hành hơn 1.000 xét nghiệm, trong khi Hàn Quốc đã đạt tốc độ 20.000 xét nghiệm/ngày vào thời điểm đó.
Giới chức đưa ra cảnh báo sức khỏe, kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người và thường xuyên rửa tay, nhưng không thực thi biện pháp cách biệt cộng đồng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu tỏ ra xem thường mối đe dọa từ Covid-19, nhưng sau đó thay đổi phản ứng và thúc đẩy nỗ lực xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên, sự khan hiếm bộ xét nghiệm và cạnh tranh nguồn lực giữa các bang khiến nỗ lực này liên tục bị cản trở.
Nhiều thành phố như New York và Seattle thừa nhận đã thất bại trong kiểm soát nCoV và từ bỏ nỗ lực xét nghiệm diện rộng, sau đó kêu gọi người dân ở trong nhà để ngăn virus lây lan. Chưa đầy ba tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 603.000 ca nhiễm và hơn 25.000 ca tử vong, trong đó riêng bang New York có số trường hợp dương tính cao hơn mọi quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Trung Quốc áp lệnh phong tỏa trên gần như toàn quốc sau khi không ngăn được nCoV tại tỉnh Hồ Bắc. Biện pháp cách ly người có triệu chứng nhẹ tại nhà giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan ra cộng đồng, dù tình trạng bệnh viện quá tải trong giai đoạn đầu dịch cũng khiến hàng loạt người chết.
Trung Quốc là vùng dịch lớn nhất thế giới trong nhiều tháng, nhưng đến nay gần như đã kiểm soát được Covid-19 với hơn 82.000 ca nhiễm và hơn 3.300 ca tử vong. Phần lớn ca nhiễm mới hiện nay đều bắt nguồn từ nước ngoài, nhưng vẫn còn một số nghi ngại về nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai khi Bắc Kinh tái khởi động nền kinh tế sau thời gian phong tỏa.
Ba chiến lược đối phó Covid-19 đang tỏ rõ hiệu quả trên thế giới gồm hành động sớm, xét nghiệm khoanh vùng kết hợp với truy vết tiếp xúc, cùng với đó là cách biệt cộng đồng. Đây là những biện pháp từng được triển khai hiệu quả để ứng phó dịch bệnh suốt hàng trăm năm qua, theo phó giáo sư Vally.
"Nếu muốn khống chế đại dịch, chúng ta cần sớm xác định và cách ly ca nhiễm, cũng như ngăn mọi người tiếp xúc với nhau. Đó là những biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng đơn giản nhưng cũng có hiệu quả nhất. Các nước đang làm tốt công tác chống dịch đều ứng dụng những phương án này theo cách khác nhau", ông nói thêm.
Vũ Anh (Theo ABC News)